Tuy nhiên, việc này có giúp Công ty tránh được “lịch sử lặp lại”, khi điều khoản bảo hiểm của đa số các doanh nghiệp bảo hiểm hiện tại đều tương đồng?
Phản ánh với Đầu tư Chứng khoán, một tổ chức chuyên về tư vấn tài chính – bảo hiểm cho biết, bộ hợp đồng bảo hiểm mà PJICO đã áp dụng với Thép Việt Mỹ đang được hầu hết các công ty bảo hiểm trên thị trường Việt Nam như Bảo Việt, Bảo Minh, PTI, Liberty, MIC, BIC, AIG, Tokyo Marine... áp dụng.
Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm đều có điều khoản loại trừ với nội dung ràng buộc sẽ không bảo hiểm trong trường hợp phương tiện vận chuyển không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông, giống như những gì mà PJICO từng áp dụng với Thép Việt Mỹ.
Về vấn đề này, ông Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại TP. Đà Nẵng - đại diện pháp lý của Công ty Thép Việt Mỹ thừa nhận, điều khoản loại trừ của các công ty bảo hiểm trên thị trường đều tương tự điều khoản của PJICO.
Vậy, nhìn rộng ra, những chủ hàng như Thép Việt Mỹ nếu chẳng may rơi vào trường hợp tương tự có thoát được tranh chấp với nhà bảo hiểm mới?
Thực tế, Bộ hợp đồng kèm theo Quy tắc bảo hiểm đều được các công ty bảo hiểm soạn sẵn, ràng buộc các điều khoản và sau đó đăng ký với Bộ Tài chính trước khi mang ra ký kết với khách hàng. Do đó, khi xảy ra tranh chấp có liên quan tới điều khoản hợp đồng, nhà bảo hiểm có thể lập luận rằng, bộ hợp đồng đã được báo cáo Bộ Tài chính, được hai bên đồng thuận ký kết.
Trong khi đó, điều đáng nói là không ít khách hàng chưa dành thời gian đọc và nghiên cứu bộ hợp đồng này để hiểu rõ mọi chi tiết trước khi ký kết. Dẫn tới khi khi tranh chấp xảy ra lại cảm thấy bị nhà bảo hiểm “gài bẫy” điều khoản.
“Chủ hàng khi đàm phán hợp đồng có thể từ chối, không chấp nhận và yêu cầu áp dụng các điều kiện bảo hiểm khác, bởi đây là một điều kiện bảo hiểm rất thiệt thòi cho chủ hàng.
Trong trường hợp nhà bảo hiểm không đồng ý, họ có thể không mua bảo hiểm nữa hoặc tìm doanh nghiệp bảo hiểm khác. Tuy nhiên, đây là thực tế trên thị trường bảo hiểm hàng hóa Việt Nam và rủi ro nằm hoàn toàn ở phía chủ hàng”, đại diện đơn vị tư vấn trên cho biết.
Trong khi đó, theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài Chính), cơ quan này chỉ xác nhận thông báo đăng ký điều khoản của doanh nghiệp bảo hiểm, không có trách nhiệm nào đối với bảo hiểm tài sản. Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chỉ phê chuẩn đối với loại bảo hiểm con người.
Trong bối cảnh này, các chủ hàng như Thép Việt Mỹ phải làm gì để tránh rủi ro tương tự trong tương lai đối với các hợp đồng được ký mới, nhưng lại chứa đựng các điều khoản như cũ.
Trả lời Đầu tư Chứng khoán, ông Phong cho biết, Công ty đã đề nghị các nhà bảo hiểm giải thích rõ hơn bằng văn bản để làm căn cứ sử dụng khi cần.
Bên cạnh đó, ông Phong cho biết thêm, theo quy định tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm về “Giải thích hợp đồng bảo hiểm”, nếu trong hợp đồng có quy định không rõ ràng về điều kiện tàu biển thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.
“Nhân đây, chúng tôi khuyến nghị các công ty bảo hiểm nên chủ động xây dựng bộ hợp đồng mang lại quyền lợi hài hòa cho các bên, mang tính gắn kết bền vững, không nên đưa ra một hợp đồng mẫu chỉ mang lợi ích cho chính mình”, ông Phong đề xuất.
Đưa ra lời khuyên cho các khách hàng mua bảo hiểm nhằm tránh rủi ro tiềm ẩn, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm cho biết, rút kinh nghiệm từ trường hợp trên, người được bảo hiểm, cụ thể là chủ hàng cần rà soát hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của mình và áp dụng các biện pháp dưới đây nhằm tránh rủi ro pháp lý cho hợp đồng bảo hiểm.
“Thứ nhất, gửi văn bản yêu cầu nhà bảo hiểm giải thích về điều khoản loại trừ "Phương tiện vận chuyển không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông", làm rõ nội dung "khả năng lưu hành, đảm bảo an toàn giao thông" được hiểu như thế nào?
Thứ hai, gửi văn bản yêu cầu sửa đổi bổ sung hợp đồng có nội dung như sau: Chủ hàng chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra khả năng đi biển của phương tiện vận chuyển trước khi tàu khởi hành theo điều 325 – Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015”.
Liên quan đến Bộ Tài chính, do hiện tại không có trách nhiệm phê duyệt đối với loại hợp đồng này nên ông Nguyên cho rằng, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chỉ có thể có ý kiến đối với công ty bảo hiểm, còn quyền tiếp thu hay không lại thuộc về nhà bảo hiểm.
Hiện tại, vụ việc giữa PJICO và Thép Việt Mỹ vẫn đang trong quá trình giải quyết. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả khi có diễn biến mới.