Những giai đoạn khó khăn tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp tự quản một cách bài bản.

Những giai đoạn khó khăn tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp tự quản một cách bài bản.

Từ tốn và hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giới doanh nhân và nhà đầu tư Việt vừa trải qua năm 2022 nhiều sóng gió, sự kiên cường một lần nữa lại trở thành “mỏ neo” để trụ vững.

Cuối tháng 4/2022, nhiều cổ đông lớn tuổi của Công ty Chứng khoán SHS có mặt từ rất sớm để tham dự cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2022 của doanh nghiệp. Họ cho biết, dù bận vẫn thu xếp đến họp để “chia tay” Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, do tại kỳ họp này ông không tham gia ứng cử Hội đồng quản trị mới.

Ông Hiển thường xuất hiện khiêm nhường, trọng thị các cổ đông, nhà đầu tư và cách điều hành đại hội mềm dẻo của ông nhiều lần đã “cứu” ban điều hành khỏi màn chất vấn gay gắt của cổ đông mỗi khi thị trường biến động. Lần này, nhiều nhà đầu tư không khỏi bùi ngùi nghe ông chia sẻ những lời gan ruột khi quyết định lui lại phía sau, để thế hệ lãnh đạo trẻ đảm nhận trọng trách gánh vác, chèo chống SHS. Ông tin họ sẽ làm tốt và ngày càng tốt hơn vai trò của mình.

Cũng phải nói rằng, trong số cổ đông cá nhân đầu tư dài hạn vào SHS, nhiều người có niềm tin vào ông Hiển, vào những giấc mơ lớn, mục tiêu đường dài mà ông và SHS theo đuổi lâu nay.

Quan trọng hơn, nguyên tắc “vì giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư” nhưng phải là giá trị thực và minh bạch. Đến cuối năm 2022, ông Hiển có thể tự tin và tự hào về đội ngũ mình đã rèn giũa, SHS giữ được nền tảng bền vững, độ nhạy bén về kinh doanh và tầm nhìn giúp danh mục tự doanh thoát khỏi cú sập tháng 11/2022, tích lũy được nguồn lực đáng kể, sẵn sàng cho các cơ hội mới năm 2023.

Đứng ở góc độ phân tích doanh nghiệp, đây có thể là một thành công khi nhiều doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn đang chật vật trước biến động của môi trường kinh doanh.

Gần đây, người viết bài thường xuyên nhận được những tin nhắn trao đổi, tham khảo ý kiến về thị trường của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết. Họ phải nhìn xa, lường trước các kịch bản ứng phó với khó khăn trong kinh doanh nên phải “nghe nhiều tai”. Bám sát hơi thở thị trường, đặc biệt đề cao giá trị thực ở doanh nghiệp đã giúp họ ra được các quyết sách đúng, thoát bão và hoàn thành được kế hoạch năm. Quan trọng hơn, đội ngũ có được niềm tin vào tay chèo lái của lãnh đạo doanh nghiệp, khó khăn 2023 có thể lớn hơn nữa, họ vẫn vững tin sẽ vượt qua.

Dịp Tết Quý Sửu 2 năm trước, Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, người từng nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại tập đoàn toàn cầu Alstom, đã cảnh báo trước về căn bệnh không bền vững của doanh nghiệp Việt Nam: “Nhiều doanh nghiệp có khuynh hướng nghiêng về phát triển doanh thu, chứ không quan tâm thực sự đến lợi nhuận. Có doanh nghiệp sẵn sàng đi xa hơn một chút, nhận về rủi ro lỗ lã nhưng không thể từ chối một con số doanh thu hoành tráng. Đó là những chương trình đồ sộ, những dự án lớn, rủi ro cao và xác suất tạo được lợi nhuận rất khó khăn”; “Làm mà vẫn lỗ, biết lỗ mà vẫn làm. Lấy vị trí với bất cứ giá nào”. Khi phát triển bền vững không được đề cao, trong môi trường lãi suất cao và dòng tiền eo hẹp, tất cả những yếu kém của doanh nghiệp đã được phô bày: nợ lương nhân viên, dòng tiền “giật gấu vá vai”.

Cũng theo Giáo sư Phan Văn Trường, nhiều doanh nghiệp phát triển không bền vững đã rơi vào tình trạng rất khó khăn, kiệt quệ, tuy nhiên, nếu nhìn thật kỹ thì thời kỳ này sẽ tạo thêm cơ hội cho những doanh nghiệp đang tự quản một cách bài bản. Đó là những doanh nghiệp luôn luôn theo sát thị trường, sẵn sàng mang giá trị tới khách hàng, không bán lỗ, không đi quá khả năng thực của mình.

“Với những chủ doanh nghiệp nhỏ, hãy tập trung vào việc thật, lợi nhuận thật, khách hàng thật với những giá trị thật. Đối với các doanh nghiệp lớn, hãy giữ tay lái trên vài ý niệm cơ bản của quản trị: sở hữu công nghệ của mình, đi dần vào quản trị theo chức năng, quản lý tiền mặt thật sát sao và nhất là đến khi phải tìm người kế vị, hãy đừng ngần ngại chọn người xứng đáng, xứng tầm ngoài gia đình, vì dĩ nhiên tiêu chuẩn xuất sắc phải là ưu tiên”, Giáo sư đưa ra lời khuyên.

Cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp Việt Nam can đảm lột xác, để có khả năng chạy đua thực cùng thế giới.

Định hướng quản trị nào tạo ra “lá chắn” cho doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực trong bối cảnh kinh tế vĩ mô 2023 còn nhiều thách thức? Bốn thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt bao gồm: khó khăn về tài chính, đặc biệt về dòng tiền; đội ngũ lung lay, lòng tin giảm sút; không đủ nguồn lực tài chính, nhân sự cho các hoạt động đổi mới; mù mờ thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT ví von, bối cảnh kinh tế mà doanh nghiệp đang phải đối diện giống như một cơn bão, với đủ sự hỗn loạn của thiên nhiên.

“Trước vô vàn thử thách, doanh nghiệp cần tìm cho mình tinh thần kiên định. Chỉ có sự vững vàng về tinh thần mới giúp doanh nhân, doanh nghiệp và đất nước vượt qua khó khăn… Nâng cao năng lực cạnh

tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp trước cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt cần xử lý”, ông Bình nêu quan điểm.

Quản lý tài chính dưới góc độ sinh tồn, không để ai mất việc, tăng cường tuyển chuyên gia, nhân tài và hơn hết là cần trên dưới và trong ngoài cố kết một lòng, là những kinh nghiệm mà ông Bình và nhiều doanh nhân kỳ cựu như ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ… đã thực hiện để chèo lái doanh nghiệp vượt qua các cơn sóng dữ.

Trước thềm năm mới 2023, Giáo sư Phan Văn Trường cũng có những chia sẻ đáng suy ngẫm: “Vào giờ phút chuyển giao, tôi chỉ có một lời chúc các bạn bốn phương của tôi, chúc Hạnh Phúc.

Vậy sống hạnh phúc là gì, trong bối cảnh của những năm 2022, 2023...?

Nhìn ra sân, ngắm trời đất, hít thở không khí, mở nước uống và ngẫm nghĩ về những gì ta gặt hái được sau những năm tháng làm việc như trâu, chạy như ngựa, tranh thủ như hổ, để rồi cũng chẳng thực sự có gì đáng kể, cho dù có nhà, xe và nhiều tiền chăng nữa và rồi khám phá ra sự thật phũ phàng là người không chạy, không vội, không tranh thủ cũng có như những người sống hớt hơ hớt hải... Thậm chí, trong xã hội, có nhiều người, rất nhiều người hạnh phúc mà không cần phải chạy đua, tranh thủ.

Nhưng làm thế nào để sống chậm mà vẫn làm giàu, vẫn lên chức?

Hãy cứ ngắm thật kỹ những con người tại những quốc gia giàu: họ làm gì cũng cặn kẽ, đến nơi đến chốn, với tâm lực và nhiệt tình, với tình đồng loại và tinh thần chia sẻ. Người Thuỵ Sĩ đó bạn ạ. Trong lúc này, ngay trong lúc này, họ không kịp sản xuất đủ số lượng đồng hồ mà khách hàng khắp năm châu muốn mua, cho dù giá đắt bao nhiêu, ôi chất lượng không nhân nhượng đó.

Người Mã Lai đó bạn ạ, họ cũng đủng đỉnh như con rùa, nhưng làm đến đâu thì tốt đến đó và họ còn hỏi thêm đối tác: Bạn hãy góp ý kiến để lần sau tôi làm tốt hơn...

Vậy bạn hãy luôn luôn làm tốt hết sức, chẳng cần vội vàng. Và hãy ân cần với người cùng thực hiện, hay cùng đi trên lộ trình.

Từ nay, bạn hãy có tư duy tạo giá trị, chứ không đơn thuần “làm vì phải làm”. Bạn có biết không, người tạo giá trị không bao giờ làm cho xong, vì không bao giờ việc sẽ xong, nhưng ngược lại lúc nào cũng cảm nhận được rằng mình đang làm một việc thú vị... Mình sản xuất ra những thứ cho dân tộc mình yêu, cho xã hội mình yêu, cho gia đình mình yêu... Cuộc đời thú vị ngay ở chỗ này đó...”

Tin bài liên quan