Nhiều yếu tố thuận lợi
Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù nền kinh tế có nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng yếu tố thuận lợi vẫn nhiều hơn.
Đó là nền tảng vĩ mô tương đối ổn định, những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí kinh doanh... được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Nhiều tổ chức quốc tế đã có những dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7,1% trong năm 2018.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được World Bank hồi đầu tháng 4 nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ ổn định xoay quanh 6,5%.
Sau quý I đạt mức tăng trưởng GPD kỷ lục với 7,38%, những chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tháng 4 và 4 tháng đầu năm vừa được đưa ra từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cho thấy bức tranh sáng màu của nền kinh tế. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 73,763 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2017, 4 tháng xuất siêu 4,6 tỷ USD. Lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp, đạt 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong các quý còn lại của năm nhờ hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức có hiệu lực.
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã họi năm 2018 của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV cũng nhấn mạnh, các FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các đối tác chính của Việt Nam tăng trưởng tốt hơn trong năm 2018 cũng có tác động tích cực đối với nhu cầu về hàng hoá của Việt Nam. Giá cả các mặt hàng chính cũng được dự báo trong xu thế tăng sẽ giúp nâng cao kim ngạch thương mại cho Việt Nam. Ngoài ra, sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Tìm yếu tố đột phá
Theo đà tăng trưởng của nền kinh tế từ quý I, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, triển vọng tăng trưởng trong các quý còn lại của năm 2018 sáng sủa, song do phải so sánh với một nền tảng tăng trưởng khá cao của năm 2017, nên tốc độ có thể sẽ chậm lại.
Ông Phương cho rằng, nếu muốn duy trì xu thế tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm nay thì cần phải có yếu tố nổi trội tạo sự bứt phá. Năm 2017, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Samsung và Formosa là hai trong số các yếu tố đột biến làm nên tốc độ tăng trưởng cao.
Bước sang năm 2018, dù Formosa đã công bố kế hoạch khởi động lò cao số 2 và Samsung có chia sẻ về tốc độ tăng trưởng của Công ty, nhưng chưa chắc đã đạt mức tăng đột biến như năm 2017. Điều này có thể khiến các quý cuối năm GDP "chùng xuống", song đây là yếu tố khách quan, chứ không thể hiện nội lực nền kinh tế yếu đi.
Trước thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ, yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải rà soát lại các dự án lớn đang trong quá trình triển khai. "Cái nào sắp hoàn thành thì phải đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sản xuất để tạo thêm động lực cho nền kinh tế”, ông Phương thông tin về biện pháp đề xuất để thúc đẩy tăng trưởng.
Một yếu tố nữa được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo là sức ép lạm phát có thể gia tăng, thuế nhập khẩu giảm do quá trình hội nhập có thể làm giảm khả năng tăng trưởng. Đặc biệt, lạm phát được dự báo chịu nhiều sức ép gia tăng do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi như tăng lương, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục. Theo đó, nếu tăng cao, lạm phát sẽ làm ảnh hưởng tới sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô vốn là nền tảng vững cho tăng trưởng.
Nhận rõ các thách thức đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để đảm bảo cho việc hoàn thành các thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018.
Tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới bao gồm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thực hiện quyết liệt và đồng bộ ba đột phá chiến lược; tạo chuyển biến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…