Tự tin vào triển vọng sáng

(ĐTCK) Dù vẫn có những khó khăn, thách thức từ cả trong và ngoài nước, nhưng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chia sẻ, nền kinh tế nói chung, các ngành nghề, lĩnh vực nói riêng sẽ khởi sắc hơn, mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, nhất là khi chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới đang đi đúng hướng. 

Nhựa Tiền Phong: Lợi thế tăng trưởng

Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong (mã NTP), Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam
Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong (mã NTP), Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam

Năm 2024, bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, nhưng doanh nhiệp ngành nhựa vẫn tăng trưởng ổn định. Ngành công nghiệp nhựa Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn khi nhu cầu về sản phẩm nhựa tăng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn cung nguyên liệu và năng lực sản xuất, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hóa chất và nhựa.

Những doanh nghiệp hàng đầu như Nhựa Tiền Phong sẽ có lợi thế tăng trưởng lớn khi nền kinh tế phục hồi. Nhựa Tiền Phong hiện là một trong những công ty hàng đầu sản xuất - kinh doanh ống nhựa xây dựng, với thị phần lớn nhất tại miền Bắc, đang sở hữu 3 nhà máy với tổng công suất khoảng 260.000 tấn/năm. Giá hạt nhựa PVC đã giảm 15 - 20% trong năm 2023 và 2024 so với thời điểm năm 2022. Kỳ vọng, giá hạt nhựa sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2025, qua đó giúp các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa xây dựng cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Nhu cầu sản phẩm nhựa có thêm tín hiệu khởi sắc khi thị trường bất động sản “ấm” dần lên, theo đó, sản lượng bán hàng của Nhựa Tiền Phong cũng đang tích cực hơn. Với dự báo nguồn cung bất động sản gia tăng trong năm 2025, nhu cầu ống nhựa xây dựng sẽ tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, bước tiến của Nhựa Tiền Phong tại thị trường miền Nam với Tiền Phong Nam là “cánh tay nối dài” tăng trưởng. Nhà máy Tiền Phong Nam liên tục mở rộng diện tích sản xuất, tăng thêm nhà xưởng và kho bãi.

Đến nay, hệ thống phân phối ống Nhựa Tiền Phong đã phát triển rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, thương hiệu Nhựa Tiền Phong dần trở nên quen thuộc với các khách hàng dự án, công trình xây dựng tại thị trường miền Nam. Trong năm 2024, Tiền Phong Nam ước đạt doanh số bán hàng 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 100 tỷ đồng. Doanh số bán hàng năm 2024 của Nhựa Tiền Phong và Tiền Phong Nam đạt khoảng 7.100 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 900 tỷ đồng. Bước sang năm 2025, với nhiều lợi thế cho tăng trưởng, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15%, đạt khoảng 8.200 tỷ đồng.

Tiếp tục nâng quy mô đội tàu

Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics, mã PDV)
Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics, mã PDV)

Năm 2025, lĩnh vực vận tải biển có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng của xung đột địa chính trị trên thế giới, đặc biệt chính sách áp thuế nhập khẩu cao của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ làm thay đổi dòng chảy hàng hóa luân chuyển. Trong khi đó, nguồn cung tàu đóng mới gia tăng. Dự báo, giá cước vận tải biển sẽ có xu hướng giảm. Đối với phân khúc tàu hóa chất size nhỏ, nguồn cung tàu mới trong năm 2025 dự kiến tăng nhẹ nên giá cước sẽ giảm ít hơn. Tuy nhiên, PVT Logistics có kế hoạch tiếp tục phát triển đội tàu khi giá tàu có khả năng giảm thêm. Năm nay, Công ty có kế hoạch đầu tư, thuê mua 3 - 4 tàu, nâng quy mô đội tàu lên 12-13 chiếc.

Nhiệm vụ trọng tâm của Công ty trong năm 2025 là khai thác an toàn, tối ưu hiệu quả đội tàu vận tải, đồng thời có các biện pháp ứng phó với biến động thị trường để giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ lên hơn 800 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu để phát triển đội tàu.

Hoàn thành việc chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE cũng là một nhiệm vụ trọng tâm để tạo thêm niềm tin cho các cổ đông và là kênh huy động vốn quan trọng cho kế hoạch phát triển mạnh mẽ của PVT Logistics giai đoạn 5 năm 2026 - 2030. Đồng thời, Công ty tiếp tục vun đắp văn hóa doanh nghiệp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, từng bước áp dụng ESG vào công tác quản trị, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.

Cơ hội lớn từ khu thương mại tự do

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD)
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD)

Khu thương mại tự do (FTZ) là một mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thành công, mang lại lợi ích to lớn trong việc thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Đà Nẵng đang đề xuất được xây dựng FTZ dưới dạng cơ chế thí điểm.

Cùng với Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế cạnh tranh để phát triển FTZ. Trong đó, tỉnh này đã hình thành cụm cảng cửa ngõ Cái Mép được quy hoạch và phát triển hiện đại, đồng bộ, đủ năng lực đón được tàu mẹ lớn nhất thế giới. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và cảng biển đang được đầu tư mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho luồng hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2026, cùng kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt kết nối với cảng sẽ tiếp tục củng cố vị thế chiến lược của khu vực này trên bản đồ kinh tế khu vực và quốc tế.

Việc thành lập FTZ không chỉ là xu hướng tất yếu của thời đại, mà còn là cơ hội mang tầm vóc quốc gia. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành điểm đến chiến lược, hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển các FTZ đúng nghĩa. Do đó, việc phát triển các FTZ gắn với cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là cơ hội lớn để địa phương tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có, thu hút nguồn hàng về cho các cảng trên địa bàn, đa dạng hoá dịch vụ logistics, đồng thời thúc đẩy đầu tư FDI vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, cùng nhiều lợi ích khác.

FTZ sẽ cung cấp các chính sách thuế ưu đãi, các thủ tục hải quan nhanh gọn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ Chính phủ cùng môi trường pháp lý ổn định sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư quốc tế, khuyến khích nhà đầu tư chọn Việt Nam như một trung tâm sản xuất và phân phối chiến lược tại khu vực Đông Nam Á. Qua đó, FTZ không chỉ thúc đẩy dòng vốn FDI, mà còn làm mới động lực để phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế trong dài hạn.

Kỳ vọng, Quốc hội và Chính phủ sẽ sớm ban hành một luật riêng hoặc nghị định hướng dẫn cụ thể cho hoạt động của FTZ, đảm bảo tính minh bạch và nhất quán trong quản lý.

Vượt sóng vươn xa

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT)
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT)

Năm 2025, dựa trên các dự báo về nhu cầu của thị trường vận tải biển thế giới, Ban lãnh đạo PVTrans nhận thấy rằng, nhu cầu vận tải biển nói chung và vận tải dầu/hóa chất nói riêng sẽ phải chịu nhiều áp lực, cũng như biến động khó lường. Giá cước vận tải cũng là một yếu tố khó đoán định, có sự thay đổi theo từng phân khúc thị trường như dầu thô, dầu sản phẩm, khí LPG, hàng rời…

Với kinh nghiệm 22 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, chúng tôi luôn ở trong tâm thế sẵn sàng thích nghi và có những giải pháp hiệu quả, kịp thời để ứng phó với những khó khăn, thách thức do biến động giá cước tạo ra. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố nội tại, năng lực hoạt động của đội tàu hiện hữu và số lượng tàu dự kiến đầu tư thêm, toàn bộ các phòng ban của PVTrans quyết tâm đạt mục tiêu kinh doanh năm 2025 với doanh thu hợp nhất 10.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng.

Chúng tôi sẽ luôn bám sát biến động, linh hoạt đàm phán, ký kết hợp đồng vận tải theo hình thức cho thuê định hạn, thuê chuyến, COA hoặc đưa vào pool… để giảm thiểu rủi ro biến động giá. Về kế hoạch đầu tư tàu, PVTrans đang xem xét mua tàu đã qua sử dụng nhưng đạt tiêu chuẩn cao, tìm kiếm các nguồn vốn linh hoạt từ đối tác quốc tế, hoặc đẩy mạnh hợp tác chiến lược để chia sẻ chi phí đầu tư thông qua các hợp đồng thuê tàu kèm theo quyền chọn mua. Đây là kế hoạch có sự thận trọng, nhưng linh hoạt sẽ giúp chúng tôi vừa đạt được mục tiêu hiện đại hóa đội tàu, vừa đảm bảo sự ổn định tài chính trong dài hạn.

Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến đầu tư và kết quả kinh doanh, PVTrans còn chú trọng đến việc nâng cao công tác quản trị của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên/trực thuộc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao công tác quản trị thông qua việc áp dụng các thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Bên cạnh đó, tăng cường tính minh bạch và kịp thời trong việc công bố thông tin, từ đó thúc đẩy niềm tin của các cổ đông và các nhà đầu tư về một PVTrans phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững.

Nhìn chung, 2025 sẽ là một năm có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức với toàn thể ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của PVTrans, nhưng chúng tôi tin rằng, với năng lực đội tàu và những lợi thế hiện tại, PVTrans hoàn toàn có thể vượt sóng để vươn xa.

Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chiến lược đầu tư thích ứng và định hướng ESG

Ông Hoàng Đức Chính, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương - PVTrans Pacific (mã PVP)

Ông Hoàng Đức Chính, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương - PVTrans Pacific (mã PVP)

Trong những năm gần đây, ngành vận tải dầu mỏ toàn cầu chịu nhiều tác động từ xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt quốc tế, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và sự biến động không ngừng của giá dầu. Những yếu tố này khiến giá cước vận tải, giá thuê và mua bán tàu tăng cao, kéo dài trong một thời gian đáng kể. Trong bối cảnh đó, PVTrans Pacific dù đảm bảo được nguồn thu ổn định nhờ khai thác đội tàu hiện có, nhưng cũng đối mặt với thách thức lớn trong việc đầu tư mua sắm thêm tàu và tái cấu trúc đội tàu trước tình hình giá cả leo thang.

Dự báo từ các chuyên gia cho thấy, nhu cầu về dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có khả năng duy trì ổn định trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo đang ngày càng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, các chính sách môi trường nghiêm ngặt và yêu cầu giảm phát thải carbon sẽ đặt ra những áp lực lớn cho ngành vận tải dầu mỏ và các sản phẩm dầu bằng đường biển.

Tuy nhiên, PVTrans Pacific nhận thấy rằng, chính những thách thức này lại mang đến cơ hội để Công ty khẳng định vị thế, nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng trên thị trường. Với chiến lược rõ ràng, Công ty định hướng phát triển theo mô hình bền vững, tập trung vào việc mở rộng quy mô và trẻ hóa đội tàu. Cụ thể, việc gia tăng đội tàu không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, mà còn hướng đến xây dựng một đội tàu linh hoạt, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, đảm bảo hiệu quả khai thác và gia tăng giá trị cho cổ đông.

Đồng thời, PVTrans Pacific cam kết phát triển bền vững thông qua việc tích hợp các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào mọi hoạt động chiến lược và vận hành. Điều này bao gồm trách nhiệm xã hội - bảo vệ quyền lợi người lao động, thúc đẩy sự phát triển cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ giáo dục và y tế; minh bạch thông tin - duy trì và cải thiện công khai minh bạch về tài chính cũng như các hoạt động môi trường để củng cố niềm tin từ nhà đầu tư và đối tác.

Với tầm nhìn dài hạn và khát vọng vươn xa, PVTrans Pacific tin rằng, việc phát triển đội tàu linh hoạt kết hợp với định hướng ESG sẽ là chìa khóa để Công ty duy trì sự phát triển ổn định và bền vững.

Gas Shipping - Khẳng định niềm tin, nâng tầm thương hiệu

Ông Đoàn Đức Trọng, Giám đốc Công ty Vận tải sản phẩm khí Quốc tế (Gas Shipping, mã GSP)

Ông Đoàn Đức Trọng, Giám đốc Công ty Vận tải sản phẩm khí Quốc tế (Gas Shipping, mã GSP)

Năm 2024, vượt qua hàng loạt thách thức từ thị trường vận tải biển, Gas Shipping đạt được những kết quả vượt mong đợi. Trong đó, doanh thu ước đạt khoảng 2.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 135 tỷ đồng, lần lượt vượt 31% và 29% kế hoạch. Đặc biệt, đội tàu của chúng tôi được vận hành hiệu quả, với tổng khối lượng vận chuyển hơn 1,2 triệu tấn, bao gồm 744 chuyến LPG và 19 chuyến hoá chất.

Bước sang năm 2025, Gas Shipping dự báo, thị trường vận tải biển có nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức do ảnh hưởng của tình hình chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu, cùng với biến động giá dầu và điều kiện thời tiết bất thường ảnh hưởng đến các hoạt động vận tải. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết quốc tế từ COP26 về giảm phát thải CO2 sẽ tạo áp lực gia tăng chi phí và thách thức trong tái cấu trúc đội tàu. Tuy nhiên, với lĩnh vực vận tải chủ đạo là LPG/hoá chất, chúng tôi dự báo sẽ ít bị ảnh hưởng, nhờ sự ổn định của nguồn cung cầu phương tiện và nhu cầu vận tải.

Ban lãnh đạo Gas Shipping đã cân nhắc đến tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty, đồng thời đưa ra kế hoạch hợp lý cho năm nay, với mục tiêu doanh thu đạt 1.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng. Gas Shipping vẫn sẽ tập trung vào việc phát triển thị trường, linh hoạt trong các hình thức khai thác tàu, mạnh dạn mở rộng phạm vi hoạt động và tham gia vào các thị trường có yêu cầu khắt khe như Mỹ, châu Âu... Chúng tôi tiếp tục tập trung đầu tư tàu chở sản phẩm khí/hóa chất, trong đó nghiên cứu mở rộng loại hình vận chuyển sang tàu bán lạnh (SR) và tàu chở Ethylene, nhằm phát huy thế mạnh và nâng cao hiệu quả khai thác.

Song song đó, Gas Shipping đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tích cực ứng dụng các phần mềm quản lý vào hoạt động sản xuất - kinh doanh để nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa quy trình. Lấy phát triển nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu, chúng tôi tập trung thúc đẩy môi trường làm việc tích cực và hiệu quả, từ đó xây dựng thương hiệu, bản sắc và nâng cao khả năng cạnh tranh của Công ty. Mục tiêu năm 2025 của Gas Shipping là hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững, nỗ lực đưa ESG vào mọi hoạt động của Công ty như quản trị doanh nghiệp, quản trị môi trường, chăm lo đời sống cho người lao động.

Nỗ lực bứt phá trong kỷ nguyên mới

Ông Nguyễn Huy Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm VietinBank (mã VBI)

Ông Nguyễn Huy Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm VietinBank (mã VBI)

Theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, trong hành trình 16 năm qua, VBI đã không ngừng sáng tạo, đổi mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn đề cao trải nghiệm khách hàng và coi sự tin tưởng, ủng hộ của khách hàng, đối tác là động lực to lớn cho sự phát triển.

Hòa cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, VBI sẽ tiếp tục nỗ lực để khẳng định hơn nữa vai trò lá chắn bảo vệ - điểm tựa tài chính vững chắc cho các khách hàng cá nhân và tổ chức, đóng góp vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm và nền kinh tế nước nhà.

Bảo hiểm phi nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số

Ông Trần Hoài An, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (mã BIC)

Ông Trần Hoài An, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (mã BIC)

Với những kết quả tích cực năm 2024, tôi kỳ vọng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong năm 2025.

Cơn bão Yagi trong năm qua mặc dù gây ra hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, nhưng cũng góp phần khẳng định vai trò của bảo hiểm trong việc hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp và cả cộng đồng trước những rủi ro thiên tai và các rủi ro khác trong cuộc sống. Với việc nhận thức của khách hàng về lợi ích của bảo hiểm ngày càng được nâng cao, trong khi khung pháp lý cho hoạt động của thị trường bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, ngành bảo hiểm có thể kỳ vọng vào những đột phá trong năm 2025 và nhiều năm tới.

Tìm kiếm cơ hội đầu tư mới

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó tổng giám đốc Gamuda Land

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó tổng giám đốc Gamuda Land

Chúng tôi đã tham gia thị trường bất động sản Việt Nam được 17 - 18 năm, với chiến lược hợp tác và M&A. Vừa qua, chúng tôi đã xác lập thành công 5 - 6 dự án mới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với đối tác địa phương nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Thị trường bất động sản tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong vài năm qua chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung, gây ra áp lực lớn về giá. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu, việc quan trọng nhất của chủ đầu tư là chuẩn bị quỹ đất. Chính vì vậy, chúng tôi luôn ưu tiên chuẩn bị quỹ đất sạch, với đầy đủ pháp lý, đảm bảo thời gian và tính sẵn sàng để tham gia thị trường khi nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, sản phẩm bất động sản hiện nay không chỉ tập trung vào vị trí trung tâm, mà còn mở rộng ra các khu vực xa hơn, tận dụng lợi thế hạ tầng phát triển để cung cấp sản phẩm.

Triển khai nhanh chuỗi khu đô thị carbon thấp theo mô hình Green TOD

Ông Vincent Choo Wing Sung, Giám đốc Đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star

Ông Vincent Choo Wing Sung, Giám đốc Đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star

Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội đã mở ra cơ hội tự chủ rất lớn cho TP.HCM trong việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), khuyến khích doanh nghiệp TOD tập trung phát triển chuỗi dự án, chuỗi các khu đô thị carbon thấp theo mô hình Green TOD. Vận dụng tốt Nghị quyết 98 có thể giúp chúng tôi triển khai nhanh hơn 50 dự án dọc 8 tuyến Metro như kế hoạch đã đề xuất.

Chuỗi các khu đô thị carbon thấp theo mô hình Green TOD sẽ bao gồm thiết kế xanh, năng lượng sạch, vật liệu xây dựng carbon thấp hoặc hấp thụ carbon, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là tính kết nối cao với các phương tiện như tàu điện, xe bus hydrogen để giảm 50% ô tô và xe máy trong mỗi khu.

Chúng tôi mong TP.HCM quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đã tham gia phát triển các dự án Green TOD, hoàn thiện các mô hình thí điểm có thể áp dụng đại trà và thể chế hóa bằng các văn bản hướng dẫn rõ ràng, công bằng cho mọi thành phần kinh tế.

Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh và phát triển dự án, SLP Việt Nam

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh và phát triển dự án, SLP Việt Nam

Thị trường bất động sản công nghiệp năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, chính sách hỗ trợ và xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 7% trong năm 2024, nền kinh tế sẽ có nền tảng vững chắc để duy trì đà phát triển.

Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ vị trí gần các trung tâm thương mại lớn ở châu Á. Các hiệp định thương mại tự do như RCEP và CPTPP tạo cơ hội mở rộng thương mại với hơn 50 quốc gia. Đến tháng 11/2024, vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,4 tỷ USD, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ nhà đầu tư quốc tế. Xuất nhập khẩu ước tính lập kỷ lục với kim ngạch đạt 783 tỷ USD, tăng hơn 100 tỷ USD so với năm 2023.

Xu hướng chuyển dịch sản xuất tiếp tục diễn ra với sự chuyển biến cao hơn ở chất lượng cũng như đa dạng hơn các ngành nghề đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hơn 70% vốn FDI năm 2024 tập trung vào sản xuất và chế biến, là nền tảng và động lực tốt cho triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, tiêu chí sản xuất xanh và phát triển bền vững ngày càng quan trọng. Các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn môi trường như năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon, buộc các nhà phát triển hạ tầng phải nâng cấp để đáp ứng nhu cầu.

Ngoài ra, thương mại điện tử tiếp tục thúc đẩy nhu cầu kho vận và logistics. Việt Nam dự kiến đạt doanh thu thương mại điện tử 20 tỷ USD vào năm 2025, biến TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng thành các điểm nóng đầu tư.

Để đón đầu xu hướng, SLP Việt Nam sẽ phát triển quỹ đất mới song song với việc triển khai xây dựng quỹ đất hiện tại, tiếp tục đưa các thông lệ quốc tế và các tiêu chuẩn toàn cầu của GLP/SLP vào áp dụng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi tin rằng, bằng cách đón nhận và đáp ứng những thay đổi của thị trường, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Giai đoạn 2024 - 2032: Cơ hội vàng cho đầu tư bất động sản

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Sở dĩ nói giai đoạn 2024 - 2032 mang đến cơ hội vàng cho nhà đầu tư là bởi các luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở thường có tuổi đời khoảng 10 năm và các luật này đang rất mở cho các nhà đầu tư, như mua bán dễ dàng, thuế chuyển nhượng thấp, chưa đánh thuế cao với người nhiều tài sản. Sắp tới, nguồn cung bất động sản dự kiến sẽ rất lớn ở mọi phân khúc, từ nhà ở xã hội tới bất động sản nhà ở thương mại, công nghiệp, nghỉ dưỡng, đất nền... Pháp lý ngày càng minh bạch, hoàn thiện, giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn tốt.

Chu kỳ bất động sản mới tại Việt Nam đã bắt đầu, với lượng giao dịch tăng lên, tâm lý nhà đầu tư tốt hơn, Nhà nước hỗ trợ vốn, pháp lý cho ngành bất động sản phát triển. Dự báo, chu kỳ này sẽ không có phân khúc bất động sản nào là “vua”, mà từng thời điểm sẽ có phân khúc chủ đạo: 2024 là chung cư, nhà phố và bất động sản công nghiệp, giai đoạn 2025 - 2026 có thể sẽ là đất nền và bất động sản công nghiệp, 2026 - 2028 là nhà ở xã hội và bất động sản nghỉ dưỡng...

Khát vọng hóa rồng trong kỷ nguyên mới

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Novaon

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Novaon

Trước ngưỡng cửa kỷ nguyên mới, chúng tôi xác định mục tiêu “vượt vũ môn”, là một con cá nhỏ có khát vọng hóa rồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Novaon đặt quyết tâm trở thành doanh nghiệp trong VNR500, vươn ra mạnh hơn trên thị trường quốc tế, nhất là trong lĩnh vực digital marketing và thương mại điện tử.

Năm 2025, kế hoạch lớn của Novaon là niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chúng tôi đã thực hiện kiểm toán độc lập từ nhiều năm nay, minh bạch thông tin để chuẩn bị cho kế hoạch lên sàn.

Pháp lý dự án dần được tháo gỡ

Ông Dương Văn Bắc, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland (mã NVL)

Ông Dương Văn Bắc, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland (mã NVL)

Năm qua, một số dự án trọng điểm của Novaland đã đạt được các bước tháo gỡ vướng mắc pháp lý đáng kể. Công ty đang hoàn tất các thủ tục để trong năm 2025 có thể trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 7.000 căn hộ tại dự án ở TP.HCM như Sunrise Riversid, The Sun Avenue, Kingston Residence, Lucky Palace, Sunrise City, Orchard Garden.

Đáng chú ý, dự án Aqua City (Đồng Nai) dự kiến sẽ hoàn tất điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trong quý I/2025. Tính đến tháng 12/2024, Sở Xây dựng đã chấp thuận cho 1.273 căn nhà ở thấp tầng tại dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Với dự án NovaWorld Phan Thiet tại Bình Thuận, tháng 11/2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định điều chỉnh quyết định cho thuê đất dự án, nhằm điều chỉnh diện tích cho thuê đất hàng năm, làm cơ sở giải quyết nghĩa vụ tài chính đất đai tại dự án này. Đây là bước pháp lý quan trọng, gỡ nút thắt các vướng mắc pháp lý tại dự án trong thời gian qua do không tính được giá đất, dự kiến sẽ “khép sổ pháp lý” NovaWorld Phan Thiet vào đầu năm 2025.

Đầu tư công nghệ mới, tối ưu hóa sản xuất

Ông Lê Hải Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HIPT (mã HIG)

Ông Lê Hải Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HIPT (mã HIG)

Trong năm tài chính 2024 - 2025 (từ 1/4/2024 đến 31/3/2025), dự kiến doanh thu của HIPT sẽ tăng 20%, đặc biệt ở các mảng liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin, mảng an toàn thông tin và giải pháp phần mềm.

Ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều yếu tố thúc đẩy như chuyển đổi số, nhu cầu về các giải pháp công nghệ cao và sự gia tăng đầu tư từ nước ngoài. Cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành bao gồm việc cung cấp dịch vụ đám mây, phát triển phần mềm và giải pháp AI. Trong khi đó, thách thức có thể đến từ việc cạnh tranh gay gắt và yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng về chất lượng dịch vụ cũng như bảo mật thông tin.

Đối với HIPT, Công ty có định hướng đầu tư vào công nghệ mới, tối ưu hóa quy trình sản xuất và mở rộng mạng lưới đối tác. Nhiệm vụ trọng tâm bao gồm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phát triển nhân lực chất lượng cao và khai thác các thị trường tiềm năng mới.

Thị trường bất động sản sẽ phân hoá, sàng lọc và phát triển bền vững

Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG)

Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG)

Thị trường bất động sản năm 2024 chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm. Trên mặt bằng chung đó, sang năm 2025 - 2026, thị trường sẽ tiếp tục duy trì sự sôi động, tăng trưởng mang tính bền vững hơn, cùng với đó là sự phân hoá sẽ trở nên rõ rệt. Với việc hành lang pháp lý được hoàn thiện sẽ giúp hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án chuyên nghiệp hơn. Theo đó, các chủ đầu tư lớn, có uy tín, năng lực, tài chính, chuyên môn mới có thể phát triển dự án, còn các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn. Về các phân khúc, tôi cho rằng, dù nguồn cung được cải thiện khi các dự án xuất hiện nhiều hơn, nhưng chi phí đất đai, giá vốn tăng cao sẽ khiến cho giá nhà tiếp tục xu hướng tăng và sẽ hình thành mặt bằng giá mới, ổn định ở mức cao.

Nằm trong xu hướng chung, phân khúc nghỉ dưỡng đứng trước nhiều cơ hội phục hồi rõ rệt, đến từ các yếu tố như dòng vốn FDI tốt, du lịch phục hồi, các điều kiện sở hữu nhà ở được nới rộng… Thời gian qua, bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng suy thoái chung và có mức định giá thấp, điều này sẽ được cải thiện từ năm 2025. Tuy nhiên, phân khúc này cũng sẽ có sự phân hoá theo hướng, nhà đầu tư ưu tiên các dự án hiện hữu, đã hoàn thành và được quản lý vận hành, khai thác kinh doanh hiệu quả. Với các sản phẩm hình thành trong tương lai, sẽ còn không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, thời gian tới, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) sẽ tập trung nguồn lực phát triển các dự án trọng điểm, là giai đoạn tiếp theo của dự án hiện hữu như Vườn Vua Resort & Villas (Phú Thọ). Đồng thời, TIG sẽ tập trung M&A và phát triển các dự án ở nội đô Hà Nội, đặc biệt dự kiến sẽ khởi công Tháp văn phòng - căn hộ TIG tower tại 108 Nguyễn Trãi vào đầu năm 2025 và phát triển một số dự án nhà ở nội đô để có thể ra hàng ngay trong năm 2025.

TIG đã thực hiện cơ cấu lại các hoạt động đầu tư tài chính để tập trung M&A, cổ phần hóa và đầu tư tài chính chiến lược vào một số doanh nghiệp, dự án trọng điểm giá trị cao, tích luỹ quỹ đất sạch tập trung khu vực Hà Nội và lân cận để phát triển dự án trong 2 - 3 năm tới.

Sẽ có những lời đề nghị tốt hơn cho người mua

Ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc Filmore Real

Ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc Filmore Real

Thị trường bất động sản Việt Nam vào năm 2025 dự kiến sẽ minh bạch và tinh gọn hơn, thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước sau khi các luật được sửa đổi. Với luật mới có hiệu lực, niềm tin của thị trường sẽ tăng lên, dẫn đến tăng tiêu thụ sản phẩm bất động sản. Chính sách sử dụng đất linh hoạt hơn sẽ giúp dễ dàng mua và sử dụng đất cho các dự án khác nhau, dẫn đến nguồn cung sản phẩm gia tăng.

Tuy nhiên, chi phí xây dựng tăng và việc tuân thủ các quy định mới có thể gây ra thách thức cho các nhà phát triển, có khả năng ảnh hưởng đến giá bán. Với nhiều dự án được ra mắt hơn và nguồn cung tăng lên, cạnh tranh sẽ gia tăng, điều này có thể dẫn đến những lời đề nghị tốt hơn cho người mua.

Chung cư vẫn là sản phẩm đầu tư an toàn

Ông Ngô Bá Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển bất động sản Tuấn Quang

Ông Ngô Bá Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển bất động sản Tuấn Quang

Năm 2025, phân khúc nào cũng sẽ có cơ hội và lượng khách hàng riêng. Về tổng thể, năm 2025 mang đến nhiều cơ hội cho ngành bất động sản, khi các thông tin hỗ trợ thị trường đã xuất hiện và phát huy tác dụng, hàng loạt các dự án trong cả nước được “cởi trói”, các chủ đầu tư đẩy mạnh hoạt động xây dựng và dự án mới cũng sẽ nhiều hơn. Năm nay, với việc nguồn hàng nhiều, có thể sẽ xuất hiện “sóng” ở phân khúc chung cư, nhưng dự báo giá sẽ tương đương năm 2024, thậm chí giảm, vì giá đã tăng mạnh trong năm qua.

Đối với việc mua căn hộ để cho thuê, 2025 là cơ hội tốt. Thực tế, sản phẩm chung cư được các chủ đầu tư làm tốt khâu pháp lý, phòng cháy chữa cháy, tiện nghi, tiện ích đầy đủ, nên việc cho thuê thuận lợi, giá tốt.

Chính sách quản lý chặt chẽ giúp ngành bán hàng trực tiếp phát triển bền vững

Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại, Amway Việt Nam

Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại, Amway Việt Nam

Năm 2024, sức mua của toàn nền kinh tế chưa phục hồi mạnh, nhưng Amway Việt Nam có sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh. Điều này một lần nữa khẳng định việc quan tâm và chăm sóc sức khỏe chủ động cá nhân và gia đình ngày càng được chú trọng. Đây là động lực để Amway đưa ra quyết định đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng sản phẩm để phục vụ tối ưu cho nhà phân phối và khách hàng.

Bên cạnh đó, chính sách quản lý và điều hành chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước đã góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành bán hàng trực tiếp tại Việt Nam. Amway Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và sáng tạo hơn nữa để xây dựng ngành hàng phát triển vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Ngành bao bì nhựa hướng đến mục tiêu xanh

Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuận Đức (mã TDP)

Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuận Đức (mã TDP)

Ngành bao bì nhựa đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu tiêu dùng gia tăng và các chính sách thương mại tự do. Theo dự báo, thị trường bao bì nhựa toàn cầu sẽ đạt quy mô hàng chục tỷ USD vào những năm tới, với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 4 - 5%.

Ban lãnh đạo Thuận Đức xác định sẽ tập trung tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân 20%/năm. Đồng thời, nâng cao tỷ suất lợi nhuận ở mức hợp lý, nỗ lực không ngừng để đa dạng hóa khách hàng, thương hiệu được lan tỏa đến thị trường tiêu dùng.

Song song đó, chúng tôi tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ “xanh”, đưa ra thị trường những sản phẩm bao bì PP - bao bì xanh, thân thiện với môi trường, có chất lượng cao.

Kết hợp giữa bất động sản dòng tiền và du lịch

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Nhà sáng lập YLY Boutique

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Nhà sáng lập YLY Boutique

Phát triển vận hành và tối ưu hóa dòng tiền trong ngành bất động sản Việt Nam sẽ trở thành xu hướng ngày càng được quan tâm, thu hút sự tham gia của hàng loạt chủ đầu tư dự án, chủ sở hữu tài sản, nhà vận hành dịch vụ và các nhà đầu tư trên thị trường.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), giai đoạn sốt đất 2021 - 2022 chứng kiến hơn 60% giao dịch “lướt sóng”, không tạo ra giá trị dài hạn. Đến năm 2024, hàng tồn kho bất động sản tại Việt Nam được báo cáo ở mức trên 100.000 sản phẩm, một số khu đô thị lớn ghi nhận tỷ lệ sử dụng thực tế chỉ đạt 30 - 40% ngay cả sau khi bàn giao nhiều năm.

Trong khi mô hình truyền thống mắc kẹt với sự lãng phí tài sản không vận hành, tâm lý đầu cơ ngắn hạn và thiếu giá trị khai thác thực tế, bất động sản dòng tiền mang lại giải pháp toàn diện, thông qua hiệu quả vận hành mang đến dòng tiền ổn định. Sự chuyển dịch này thúc đẩy thị trường bất động sản trở nên minh bạch, bền vững hơn, đồng thời tái định nghĩa tư duy đầu tư, hướng tới giá trị lâu dài, thay vì lợi ích ngắn hạn. Bất động sản dòng tiền không chỉ dẫn dắt các quyết định đầu tư chiến lược, mà còn là cam kết xây dựng một thị trường cân bằng, giàu tiềm năng và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

Chọn mô hình kinh doanh kết hợp giữa bất động sản dòng tiền và du lịch, YLY Boutique tập trung khai thác tài sản thông qua hệ thống điểm dịch vụ lưu trú trải nghiệm, song hành với nền tảng thương mại dành riêng cho các cặp đôi xuyên suốt giai đoạn trước và sau hôn nhân. Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành thương hiệu khách sạn nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam với 150 khách sạn và 450 điểm phòng khách sạn đến năm 2033, dựa trên tiềm năng thị trường khổng lồ và mô hình kinh doanh độc đáo.

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của doanh nghiệp khi Aura Capital trở thành cổ đông cũng như đối tác chiến lược của YLY Group, cam kết mang đến những giải pháp về chiến lược và tài chính, mạng lưới các nguồn đầu tư, cùng YLY Group đồng hành phát triển theo lộ trình IPO.

Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội (HNREAL) sẽ kết nối và hình thành các điểm dịch vụ từ việc khai thác bất động sản, mang đến hiệu quả vận hành và đầu tư của từng điểm kinh doanh. Vào những ngày cuối năm 2024, chúng tôi đã ra mắt Dự án ứng dụng app YLY, với khát vọng mang đến cơ hội đầu tư bền vững cho các nhà đầu tư, muốn tối ưu hóa tài sản bất động sản nhàn rỗi, đặc biệt là nhà phố.

Tập trung mạnh mẽ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH

Ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH

Năm 2020, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn II đi vào hoạt động, nâng quy mô lên 400 giường bệnh và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên tại Phổ Yên được khai trương với quy mô 300 giường bệnh. Mới đây, Bệnh viện TNH Việt Yên Bắc Giang, quy mô 300 giường bệnh đã đi vào hoạt động. Như vậy, Tập đoàn hiện có 3 bệnh viện với tổng quy mô đầu tư xây dựng 1.000 giường bệnh, chưa kể Bệnh viện TNH tại trung tâm TP Lạng Sơn đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2025 với quy mô 300 giường bệnh.

Trong chiến lược dài hạn, TNH đặt mục tiêu nâng công suất lên khoảng 2.000 - 2.500 giường bệnh (hiện tại là 600 giường) trước năm 2030, với định hướng mở rộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… Để phát triển bền vững, chúng tôi đặc biệt coi trọng yếu tố nhân sự. Hội đồng quản trị TNH đã quyết định triển khai chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân sự giỏi, chi trả bằng tiền một lần từ 100 - 500 triệu đồng cho các bác sĩ sau khi về Công ty làm việc theo cam kết dài hạn. Ngoài ra, TNH dự kiến thành lập 2 tiểu ban trực thuộc Hội đồng quản trị, bao gồm Ủy ban Chất lượng và Ủy ban Kế hoạch - Ngân sách, đều có sự tham gia của thành viên Hội đồng quản trị độc lập là ông Romeo Fernandez Lledo - chuyên gia và nhà quản trị có nhiều năm kinh nghiệm điều hành các tập đoàn bệnh viện quốc tế lớn tại khu vực châu Á. Đến nay, tổng số cán bộ, nhân viên của TNH là trên 1.000 người, trong đó có 334 bác sĩ, gồm 3 phó giáo sư, 10 tiến sĩ, 25 bác sĩ chuyên khoa II, 102 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, 35 bác sĩ nội trú...

Công tác đào tạo, hợp tác trong và ngoài nước cũng được Tập đoàn quan tâm đặc biệt, khi thường xuyên có 60 - 70 người được cử đi đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ. Các bệnh viện của TNH đã thực hiện liên kết với các bệnh viện Trung ương, Bệnh viện Trường đại học Y Hà Nội. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, Tập đoàn đã hợp tác với một số bệnh viện nước ngoài tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan...

Tin bài liên quan