Hơn ngàn tỷ đồng ở JVC đi đâu?
Từ mức vốn chủ sở hữu hơn 1.892 tỷ đồng đầu năm tài chính 2015 - 2016 (tại ngày 1/4/2015), đến ngày 31/3/2016, vốn chủ sở hữu JVC giảm mạnh còn 556,42 tỷ đồng, do thua lỗ trong kỳ lên đến gần 1.336 tỷ đồng. Đây là một cú sốc cho những người đã tin tưởng đầu tư vào JVC giai đoạn trước. Điều đáng nói là, yếu tố tạo nên thua lỗ này không phải do hoạt động kinh doanh chính.
Năm tài chính 2015 - 2016, có nhiều biến động dẫn đến doanh thu của JVC giảm mạnh, nhưng nếu loại bỏ các yếu tố khác, Công ty chỉ lỗ khoảng 30 tỷ đồng từ hoạt động chính. Khoảng gần 1.307 tỷ đồng thua lỗ được tạo nên từ việc trích lập dự phòng, bao gồm 3 khoản lớn là: dự phòng phải thu ngắn hạn khách hàng (264,37 tỷ đồng), dự phòng trả trước người bán ngắn hạn (325 tỷ đồng), dự phòng phải thu ngắn hạn khác (479 tỷ đồng), 183,603 tỷ đồng dự phòng khoản đầu tư vào công ty con (đã bị âm vốn chủ), công ty liên kết (có liên quan đến lãnh đạo tiền nhiệm), tăng giá vốn hàng bán thêm 65,2 tỷ đồng do trích lập giảm giá hàng tồn kho và điều chỉnh giá trị hàng bảo trì, chi phí hoạt động công ty liên kết trích trước.
Toàn bộ các khoản công nợ được trích lập dự phòng này, theo giải trình của Ban lãnh đạo JVC, đều liên quan đến lãnh đạo tiền nhiệm của Công ty và được trích lập dựa trên đánh giá khả năng thu hồi của các khoản này.
Vậy số tiền này đã đi đâu?
Rõ ràng, việc tập trung quá nhiều tài sản của một doanh nghiệp vào hoạt động của các công ty có liên quan là điều chưa phù hợp.
Nghi vấn sử dụng vốn sai mục đích
Theo báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 - 2016 của JVC được cung cấp bởi Công ty TNHH KPMG, ngày 9/1/2015, JVC đã hoàn tất việc phát hành hơn 50 triệu cổ phiếu ra công chúng, thu về 749,72 tỷ đồng. Ngày 19/11/2015, JVC đã có Nghị quyết số 01/2015-NQ-ĐHĐCĐ phê duyệt kế hoạch sử dụng vốn điều chỉnh. Tuy nhiên, JVC đã sử dụng khoản vốn này để thực hiện chi trả cho một số hoạt động không nằm trong kế hoạch sử dụng vốn sửa đổi nêu trên như: chia trả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản phạt chậm nộp thuế với tổng giá trị là 103,942 tỷ đồng; góp vốn 500 triệu đồng vào công ty liên kết.
Phần còn lại trị giá 645,278 tỷ đồng theo kiểm toán, do JVC chưa hoàn tất hồ sơ sử dụng vốn chi tiết, nên không thể xác định được có được sử dụng đúng mục đích hay không, không thể xác định được các ảnh hưởng có thể có với báo cáo tài chính riêng của Công ty.
Theo giải trình của Ban lãnh đạo JVC, do tài liệu liên quan đến giao dịch vốn bị cơ quan quản lý nhà nước thu giữ phục vụ quá trình điều tra liên quan đến lãnh đạo tiền nhiệm, nên Ban lãnh đạo đương thời đang tiến hành thu thập các tài liệu để thực hiện việc kiểm toán vốn và báo cáo cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Như vậy, phần vốn trị giá hơn 104 tỷ đồng trong tổng số 749,72 tỷ đồng chưa được JVC sử dụng đúng mục đích huy động. Đối với phần vốn còn lại (645,278 tỷ đồng), phía KPMG chưa đánh giá được tính đúng đắn của hiệu quả sử dụng và chưa xác định được các ảnh hưởng, hiện cũng đang tạo ra khúc mắc cho cổ đông JVC.
Báo động chất lượng sử dụng vốn
Trên thực tế, JVC đã có thông báo về sự thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
Tháng 10/2015, JVC cho biết, do sự kiện ông Lê Văn Hướng - nguyên Chủ tịch HĐQT bị tạm giam, Công ty bị yêu cầu tất toán các khoản nợ ngắn và dài hạn tại Vietinbank để đưa dư nợ tại đây về bằng 0, nên Công ty buộc phải thay đổi mục đích sử dụng vốn, theo hướng tăng đầu tư cho công ty liên kết, bỏ mục đích tổng thầu vật tư tiêu hao và dành 235 tỷ đồng trả nợ.
Số tiền thu về từ phát hành tại JVC có thể không bị mất đi, vì ít nhất, giảm dư nợ Vietinbank là điều được thị trường nhìn thấy trên báo cáo tài chính và số tiền hơn 104 tỷ đồng được chi để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác của Công ty. Thế nhưng, nỗi lo ngại của thị trường vẫn đang hiện hữu. Đó là nỗi lo về chất lượng minh bạch thông tin, vì nếu kiểm toán không tham gia, thì cổ đông không thể biết được JVC đã sử dụng tiền của họ như thế nào. Ngoài JVC, có thể có các doanh nghiệp khác rơi vào tình trạng tương tự.
Ngay sau khi báo cáo tài chính của JVC được công bố, giá cổ phiếu này giảm sàn. Phiên sau đó (9/8), cổ phiếu JVC tiếp tục được bán giá sàn với khối lượng áp đảo lượng mua, cho thấy phản ứng gay gắt của thị trường với những thông tin tiêu cực về sử dụng vốn tại JVC. Từ sự kiện JVC, thị trường đặt câu hỏi: còn bao nhiêu trường hợp gian lận tương tự chưa được phát hiện và trách nhiệm của ban lãnh đạo doanh nghiệp đến đâu?
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ 6 tháng 1 lần tiến độ sử dụng vốn thu được từ các đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Để đảm bảo linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các quy định pháp lý hiện thời cho phép doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng vốn, nhưng phải đảm bảo tuân thủ pháp luật và minh bạch thông tin về việc thay đổi này. Nhưng JVC, ngoài việc công bố thông tin về việc thay đổi này, đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày phát hành thành công, vẫn không có báo cáo về kết quả sử dụng vốn.
Thực tế cho thấy, thời gian từ khi doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn đến khi huy động vốn thành công đôi khi kéo dài cả năm, vì thế việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ phát hành có thể xảy ra. Hàng loạt doanh nghiệp đã làm như vậy, nhưng thị trường cần minh bạch thông tin, bởi nếu không làm tốt điều này, chức năng huy động vốn của thị trường chứng khoán có nguy cơ giảm dần do thị trường bị suy giảm niềm tin.
Nhìn toàn bộ cơ chế vận hành của thị trường chứng khoán, kiểm toán đóng vai trò đặc biệt quan trọng, cả ở khâu niêm yết cổ phiếu mới cũng như phát hành ra công chúng, duy trì điều kiện niêm yết… Thế nhưng, sự kiện bốc hơi cả nghìn tỷ đồng hàng tồn kho của CTCP Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF), hay câu chuyện của Khoáng sản miền Trung (MTM) cho thấy, dường như, kiểm toán chưa thực sự làm tốt vai trò của mình.
Sau sự kiện MTM, UBCK đã đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận với 2 kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long – TDK và 2 kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính Quốc tế. Đến bao giờ, những kiểm toán khác sẽ bị phanh phui?
Điểm b, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định: “Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nhưng không thông qua Đại hội đồng cổ đông hoặc không có ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Điểm d, khoản 2, Điều 4 quy định phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng với trường hợp doanh nghiệp thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhưng không thông qua Đại hội đồng cổ đông hoặc không có ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông.