Các công ty chứng khoán bật chế độ bảo mật
Trong cả phiên giao dịch ngày 25/3, nhà đầu tư không thể đăng nhập và giao dịch trên ứng dụng của CTCK VNDirect. Trên website Công ty, thông báo về tình trạng sự cố khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng vì chưa có giải pháp khắc phục.
Trước đó, 10h sáng ngày 24/3, hệ thống của VNDirect bị tấn công. Phía Công ty cho biết, đội ngũ công nghệ đã xử lý khắc phục được toàn bộ và đang trong quá trình kết nối trở lại để kịp thời gian giao dịch. Tuy nhiên, quá trình hồi phục dự kiến sẽ mất thời gian nên Công ty sẽ tiếp tục cập nhật với khách hàng. Đến chiều 25/3, các nhà đầu tư vẫn không thể truy cập được vào hệ thống của VNDirect.
Đến chiều 25/3/2024, hệ thống của VNDirect vẫn chưa thể khắc phục |
Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tạm ngắt kết nối giao dịch của VND tới HNX. Tới cuối giờ giao dịch chiều, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cũng có thông báo ngắt kết nối với VND.
Trước sự việc tại VNDirect, nhiều công ty chứng khoán bật chế độ rà soát bảo mật dù đây là nhiệm vụ hàng ngày của bộ phận công nghệ thông tin.
Một chuyên gia công nghệ chứng khoán cho biết, rất nhiều bên liên lạc với ông để trao đổi và hỏi thăm về hệ thống của Công ty hiện tại. Theo đánh giá của chuyên gia này, để an toàn, HOSE cũng nên tạm thời ngắt kết nối với VND.
Về lý thuyết, kẻ xấu khó có thể qua đường truyền của VND tấn công vào hệ thống giao dịch của Sở, nhưng nếu không ngắt kết nối, có thể dẫn đến tình trạng đẩy lệnh, đặt mua bán loạn xạ từ công ty chứng khoán này nếu kẻ xấu am hiểu được cách thức “nói chuyện” từ Sở giao dịch và các công ty chứng khoán.
Trong phiên 25/3, rất nhiều khách hàng của VND bức xúc vì không thể giao dịch. Sự việc này cũng đặt ra bài toán cấp thiết hiện nay khi giao dịch trực tuyến ngày càng mang yếu tố sống còn thì việc công ty chứng khoán cần phải có một cơ chế đảm bảo tính liên tục của dịch vụ là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi và cơ hội của nhà đầu tư.
Các quỹ đó IPA quản lý hoạt động ra sao?
Không chỉ VND, các doanh nghiệp khác có liên quan tới doanh nhân Phạm Minh Hương cũng đồng loạt bị tấn công hệ thống, gồm các doanh nghiệp như Bảo hiểm PTI, trong khi Homefood và IPA hiện khách hàng không thể truy cập vào website của doanh nghiệp. Theo công bố của PTI, công ty đã bị tấn công hệ thống từ 10h sáng ngày 24/3 và đến hiện tại vẫn đang nỗ lực xử lý. Hai doanh nghiệp là Homefood và IPA cũng đang gặp phải sự cố tương tự, hiện khách hàng không thể truy cập vào dịch vụ của hai doanh nghiệp này.
Hệ thống mạng của Bảo hiểm PTI bị tấn công, chưa đánh giá được mức độ thiệt hại
Được biết, VNDirect hiện là cổ đông lớn thứ 2 của PTI, sở hữu hơn 16 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 20% vốn PTI, chỉ xếp sau Công ty TNHH Bảo hiểm Dongbu nắm giữ 30 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 37,32%). Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI, cũng là Chủ tịch của VNDirect.
Các website của 3 doanh nghiệp có liên quan tới bà Phạm Minh Hương đều không thể truy cập |
Về Công ty Quản lý quỹ IPA (IPAAM), ra đời từ rất sớm, vào năm 2008, hiện IPAAM đã có 13 năm hoạt động trên thị trường. Nhờ từng là tài sản thuộc Công ty Chứng khoán VNDirect, IPAAM có lợi thế trong việc thừa hưởng mạng lưới thông tin đầu tư cùng các mối quan hệ trong mạng lưới khách hàng. Hiện tại, IPAAM đã được chuyển giao lại cho Tập đoàn IPA, tập đoàn mẹ của VNDirect.
IPAAM hiện đang quản lý 3 quỹ mở bao gồm Quỹ đầu tư chủ động VND (VNDAF), Quỹ đầu tư trái phiếu VND (VNDBF) và Quỹ đầu tư trái phiếu linh hoạt VND (VNDCF).
Hiệu suất đầu tư của các quỹ thuộc IPAAM trong thời gian qua |
Quỹ đầu tư chủ động VND (VNDAF) là quỹ tập trung đầu tư vào thị trường cổ phiếu, có chiến lược đầu tư chính là chủ động trong việc quản trị rủi ro đầu tư để có thể chiến thắng thị trường của chỉ số VN30 và VN-Index. Tập trung đầu tư vào các danh mục cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng đồng thời có vốn hóa đứng đầu thị trường.
Theo báo cáo mới nhất, tính tới cuối tháng 2/2024, Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VNDAF bao gồm HPG (9,34%), VPB (9,28%), MBB (5,73%) STB (5,21%) và MWG (5,09%).
Xét theo ngành, nhóm ngân hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của quỹ (chiếm 35,89%), vật liệu xây dựng đứng thứ hai với 9,34% - bằng tỷ trọng của cổ phiếu HPG trong danh mục. Tiếp theo đó là bất động sản 6,89% và tiện ích 6,43%.
2 quỹ trái phiếu còn lại của IPAAM có điểm chung là đang nắm giữ phần lớn tài sản dưới dạng tiền và tương đương tiền.
Danh mục đầu tư lớn tính tới cuối tháng 2 của Quỹ đầu tư trái phiếu VND (VNDBF) bao gồm trái phiếu CVT122008 của Công ty cổ phần CMC (17,92%), trái phiếu VHM121025 của Công ty cổ phần Vinhomes (12,87%), trái phiếu MSN123008 của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (7,32%), trái phiếu LPB7Y202205 của LPBank, trái phiếu MML121021 của Công ty cổ phần Masan Meatlife (6,29%).
Các trái phiếu này chiếm phần lớn tổng danh mục đầu tư của VNDBF, bởi tính tới cuối tháng 2/2024, quỹ này chỉ đầu tư 55,33% vào trái phiếu, nắm giữ 43,18% tài sản là tiền và tương đương tiền.
Quỹ đầu tư trái phiếu linh hoạt VND (VNDCF) cũng đang nắm tỷ trọng lớn các mã trái phiếu kể trên, bao gồm CVT122008 (!2,06%), MSN123008 (8,8%), VHM121025 (6,98%) và còn lại là trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của Agribank.
Tính tới cuối tháng 2/2024, VNDCF chỉ đang đầu tư 37,05% tài sản vào trái phiếu, trong khi 61,89% tài sản là tiền và tương đương tiền.
Hiện tại các chứng chỉ quỹ mở thuộc IPAAM đang được phân phối tại một số kênh bao gồm công ty chứng khoán, các ứng dụng Fintech như Fmarket, Momo... Việc đặt lệnh giao dịch thực hiện qua các kênh sẽ được ghi nhận và trả kết quả sau 1-3 ngày phụ thuộc lịch hoạt động của quỹ.