Doanh nghiệp nhỏ thường muốn “co mình”
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Việt Nam phấn đấu đạt con số 1 triệu doanh nghiệp, nhưng sự tăng lên về lượng không có nghĩa là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng lên.
Thực tế, 97% số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (lao động dưới 100 người, vốn dưới 10 tỷ đồng), trong đó 60% hoạt động không có lãi, không có khả năng đóng thuế cho Nhà nước.
Trong khi mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp là lợi nhuận, thì số doanh nghiệp hoạt động lỗ hoặc không lãi lại đang chiếm đa số. Thực trạng này là vì các chủ doanh nghiệp vẫn muốn duy trì việc làm và chờ đợi một cơ hội khả quan hơn.
Lĩnh vực đông nhất và cũng mang lại thành công nhất sau 30 năm Đổi mới là nông nghiệp, nhưng TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp phát triển chưa đúng với tiềm năng.
Tình trạng được mùa, mất giá, giải cứu liên tục các sản phẩm nông nghiệp cho thấy, các chủ thể hoạt động trong ngành này vừa yếu, vừa thiếu định hướng, hoạt động cầm chừng, ngắn hạn. Thực tế, doanh nghiệp nào cũng có khát vọng vươn lên, nhưng tại sao doanh nghiệp Việt lại mong manh, vừa nhỏ, vừa thiếu liên kết, vừa kém hiệu quả như vậy? Ở đây có vấn đề ở nhiều phía, không chỉ do riêng doanh nghiệp.
TS. Kim Sơn mô tả, đối trọng cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trước đây là các doanh nghiệp nhà nước. Nay khối doanh nghiệp này đang phải đối diện với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Cuộc cạnh tranh diễn ra trong bối cảnh thách thức ngày một lớn.
Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp không rõ ràng, nền tảng khoa học công nghệ lạc hậu (đi sau 2 - 3 thế hệ), ý thức người lao động kém, chế độ đãi ngộ có vấn đề, khả năng mở rộng liên kết để tăng khả năng cạnh tranh yếu kém...
Đó là 5 thách thức chính. Những câu chuyện quá khứ như các doanh nghiệp ngành gạo, cá tra… thiếu sự liên kết, tự phá giá, dẫn đến cùng “lôi nhau đi xuống”, cần được các doanh nghiệp nhìn rõ và coi như bài học đắt giá trong tư duy phát triển.
Muốn phát triển không thể đi một mình. Doanh nghiệp phải giải được một bài toán dường như nghịch lý: Vừa liên kết, dựa vào nhau để hoạt động, vừa xây dựng lợi thế riêng để có chỗ đứng trên thương trường.
Vượt qua những điểm yếu
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện có gần 30 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD, trong đó có nhiều doanh nghiệp có gốc tư nhân như Hòa Phát, Vingroup, Vietjet…
Ở ngoài sàn, Tân Hiệp Phát là một doanh nghiệp vươn lên tầm tỷ USD (năm 2013, một doanh nghiệp trong ngành nước giải khát của Mỹ đã đề nghị mua lại Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỷ USD), với khởi đầu chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ.
Câu chuyện của Tân Hiệp Phát được ông Nguyễn Đức Kiên dẫn ra trong cuộc tọa đàm về năng lực cạnh tranh quốc gia, mang thông điệp khích lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào điểm yếu và xử lý điểm yếu để củng cố từ nội lực và vươn lên.
Theo ông Kiên, Tân Hiệp Phát thành công bởi họ chọn được đúng khoảng trống thị trường và vì thế xây dựng được thị phần thật. Tư duy phát triển của doanh nghiệp này là “đi thẳng vào hiện đại”, tức là đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại như các nước tiên tiến nhất, chứ không dùng lại hàng F2, F3.
Xuất phát là công ty gia đình, ý thức rõ điểm yếu là chất lượng quản trị, Tân Hiệp Phát đã thuê chuyên gia nước ngoài xây dựng hệ thống quản trị Tập đoàn và vận hành theo các chuẩn mực mới. Bằng cách tự hoàn thiện mình trong khát vọng phát triển dài hạn, cỗ máy của doanh nghiệp mới vận hành trơn tru và có cơ hội ghi dấu ấn trên thương trường.
Vậy Nhà nước nên làm gì để giúp các doanh nghiệp nhỏ vươn lên? Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước có vai trò kiến tạo, tạo thuận lợi cho mọi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Luật Cạnh tranh, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Quốc hội ban hành. Chính phủ kiên định cắt giảm các điều kiện kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp bằng những giải pháp hợp lệ.
“Nhà nước không hỗ trợ doanh nghiệp bằng miễn thuế hay trợ giá cước vận tải, vì làm như thế doanh nghiệp quốc tế sẽ kiện. Sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ thông qua các hoạt động đào tạo, thúc đẩy liên kết ngành, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội”, ông Kiên nói.
Nền kinh tế sẽ vận hành hiệu quả hơn nếu chuỗi liên kết sản xuất được xây dựng với trụ cột là các doanh nghiệp lớn, thành danh; các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh, còn người lao động được đào tạo nâng cao ý thức làm việc, lấy hiệu quả công việc và chất lượng môi trường sống làm thước đo.