Từ Quốc hội của Việt Nam thống nhất đến bầu cử Quốc hội khóa XV

0:00 / 0:00
0:00
Những ngày cuối tháng 4, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đang bước vào giai đoạn quan trọng, cử tri tiếp xúc với các ứng cử viên để lựa chọn người xứng đáng đại diện cho mình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở Quảng Ninh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở Quảng Ninh.

Với các bậc cao niên, không khí đó gợi nhớ về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất của 45 năm trước, ngày 25/4/1976.

Người dân quan tâm đến việc nước

Tại sảnh chung cư một khu đô thị mới ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Miên đang chăm chú xem danh sách cử tri được niêm yết tại bảng tin cư dân. Bà kể, ngay từ đầu tháng, người của tổ dân phố đã đến từng căn hộ để lấy danh sách những người đủ tuổi đi bầu cử và nhắc cư dân tham gia bỏ phiếu đầy đủ.

Đứng cạnh bà Miên, chị Vũ Thị Mai góp chuyện, chưa đến 6h sáng một ngày trong tuần đầu tháng Tư, chị giật mình khi nghe tiếng chuông cửa dồn dập. Khi mở cửa, vị đại diện tổ dân phố cho biết, đã đến nhà mấy lần nhưng không gặp được chị, nên đành phải đến sớm như thế, để hỏi xem chị có tham gia bầu cử ở phường hay không.

“Tất nhiên rồi, dù mới chuyển đến, chưa kịp chuyển hộ khẩu, song tôi vẫn đi bầu cử ở đây”, chị Mai cho biết.

Bầu cử đại biểu Quốc hội là việc lớn của đất nước. Và người dân quan tâm đến việc nước, đó không phải chỉ là câu chuyện của hôm nay.

Theo lịch sử Quốc hội, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25/4/1976 có tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại.

Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử thì công nhân chiếm 16,26%; nông dân 20,33%; thợ thủ công 1,22%; cán bộ chính trị 28,66%; quân nhân cách mạng 10,97%; tri thức 18,5%; nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%; đại biểu nữ 26,21%; đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28%.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi nhìn lại cả chặng đường 75 năm của Quốc hội Việt Nam, kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946) đã nhấn mạnh: Cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 được tổ chức thành công, đã bầu ra Quốc hội khóa VI là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội khóa này đã đổi tên nước thành nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô của nước Việt Nam là TP. Hà Nội, đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM và thông qua bản Hiến pháp 1980, hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

“Suốt chặng đường 75 năm phát triển, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 14 khóa Quốc hội là một quá trình liên tục, kế thừa và phát triển, không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khóa trước luôn là bài học quý cho việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội khóa sau”, bà Ngân khái quát.

Chưa đầy 1 tháng trước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã bàn giao trọng trách cho người kế nhiệm - tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông Huệ cũng thay bà Ngân làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia với một trong các nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Chất lượng đại biểu phụ thuộc lựa chọn của cử tri

Đất nước đã qua 35 năm đổi mới, nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Xa hơn, đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, thực hiện cho được những mục tiêu trên, vai trò của Quốc hội khóa XV không hề nhỏ. Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đi kiểm tra công tác bầu cử đã trao đổi với cử tri rằng, chất lượng hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu, còn chất lượng của đại biểu phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri.

Cử tri cần sáng suốt, nhưng sự sáng suốt này cần có nền tảng từ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử.

Đã tham gia hiệp thương bầu 3 khóa Quốc hội, GS-TS. Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận, cùng với xu thế dân chủ hóa của xã hội thì vai trò giám sát và phản biện của mặt trận các cấp cũng như vai trò của nhân dân trong cuộc bầu cử càng cần được coi trọng.

Nhìn lại kết quả bầu cử của Quốc hội khóa VI, tỷ lệ trí thức trúng cử là 18,5%. Theo ông Hưng, đặt trong yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội thì cần có nhiều hơn tiếng nói của tầng lớp trí thức, những người có chuyên môn giỏi, đại diện được cho cử tri.

Bởi thế, ông Hưng cho rằng, xét riêng ở danh sách 205 ứng viên ở Trung ương (những người được đưa ra hiệp thương tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) thì tỷ lệ các nhà khoa học, các trí thức có tên tuổi chưa được như mong muốn. Đại biểu Quốc hội phải có trình độ, có năng lực tham gia công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và trên hết là phải có khả năng làm người đại diện cho nhân dân.

“Trong điều kiện có thể thì nên đưa thêm các ứng viên là trí thức có đủ năng lực, trình độ ra ứng cử”, ông Hưng đề nghị.

Quan điểm của ông Đỗ Quang Hưng không phải là thiểu số và có lẽ cũng là một trong các lý do để tân Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói ở Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba rằng, nhiều ý kiến tại đó không chỉ có ý nghĩa với cuộc bầu cử lần này, mà còn có tác dụng lâu dài trong công tác của Mặt trận Tổ quốc.

Trở lại câu chuyện với cử tri Nguyễn Thị Miên, bà kể, mấy chục năm đã trôi qua, nhưng bà vẫn nhớ như in câu thơ nôm na, giản dị anh cán bộ văn hóa xã miền núi (ngày ấy bà chưa về sống tại Hà Nội) đọc khi đến từng thôn vận động dân đi bầu cử Quốc hội khóa VI: “Quốc hội mạnh, nước non giàu/ Là do ý hợp, tâm đầu của dân”.

Người dân chưa khi nào thờ ơ với việc lớn của đất nước, song vẫn còn có những việc cần làm chỉn chu hơn để cử tri có thể giám sát tốt hơn những người đại diện cho mình.

Mới 1 tháng trước thôi, trải lòng sau 20 năm làm đại biểu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc so sánh rằng, Quốc hội khóa I được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở một nước thuộc địa phong kiến vừa giành độc lập, nhưng khi đó đã có một tập quán cực kỳ quan trọng là để cho dân tiếp cận với hoạt động của mình. Nhà hát Lớn, nơi Quốc hội họp dành toàn bộ tầng trên cùng để cho không chỉ báo chí, mà mọi người dân có quyền đến xem. Còn ngày nay, Quốc hội có cả một tòa nhà hoành tráng, nhưng vắng bóng người dân. Ông Quốc bày tỏ, mong một ngày không xa, người dân được vào nhà Quốc hội không chỉ để tham quan, mà được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội.

Có lẽ, đó cũng là mong muốn của nhiều cử tri, những người chuẩn bị thực hiện quyền công dân: bầu ra đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Các mốc thời gian quan trọng của bầu cử Quốc hội khóa XV

Chậm nhất là ngày 28/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử): Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

10 ngày trước ngày bầu cử (ngày 13/5/2021): Ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

Trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 22/5/2021): Kết thúc vận động bầu cử.

Ngày 23/5/2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Chậm nhất là ngày 12/6/2021 (20 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội.

Tin bài liên quan