Từ những chuyến tàu ra đảo…

Từ những chuyến tàu ra đảo…

(ĐTCK) Sóng gió là một phần tất yếu của đại dương, cũng như khó khăn là một phần tất yếu của đời người, của một thực thể kinh tế.

Từ những chuyến tàu ra đảo… ảnh 1

Với mỗi người dân đất Việt, Trường Sa luôn là cái tên thiêng liêng, xa xôi mà gần gũi. Đặc biệt, với những người làm báo, khi niềm hạnh phúc trong nghề là được đặt chân lên nhiều miền đất, được gặp và hiểu những cảnh đời, cảnh người, thì Trường Sa - núm ruột tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, luôn là địa chỉ muốn đến, muốn về…

Là dân làm báo kinh tế, quanh năm ‘vật lộn’ với những con số khô khan và phức tạp, không có nhiều dịp ‘vi vu’ như các đồng nghiệp làm báo xã hội. Thế nên, được một lần ra với đảo xa là niềm mơ ước. Vào một ngày giữa năm 2012, nhận được lời mời của VPBank ra đảo Trường Sa Lớn nhân Lễ khánh thành lá cờ Tổ quốc bằng gốm do Ngân hàng tài trợ, tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc xen lẫn bồn chồn!

Sở dĩ có thêm tâm trạng bồn chồn là chỉ có vài ngày chuẩn bị hành trang, nhưng tôi đã đối mặt với cơ man là những lời ‘doạ dẫm’, chân tình có, vui đùa có, của ‘những người đi trước’ về chuyến hải trình khó nhọc với một người phụ nữ chưa một lần lênh đênh sóng nước. Người thì bảo, lên tàu đừng có ‘phởn’ mà ra boong ngắm cảnh, kẻo nó lắc cho như nhảy Gangnam; kẻ lại khuyên, cứ lân la các anh nuôi trên tàu để xin ít cơm cháy ăn cho đỡ say sóng…

Nhưng lịch đã định. Ngày giờ đã lên. Ngày đầu tiên của hải trình, trời nắng đẹp, sóng dịu êm, nước biển một màu xanh rất khác so với cái xanh nhờ nhờ ven bờ ven bãi … Chỉ có điều, ra với Trường Sa không phải là một chuyến nghỉ mát. Và chỉ khi trời sâm sẩm tối, tôi đã thấm điều ấy. Gió bắt đầu mạnh dần. Rồi mưa và biển chuyển màu xám xịt. Từng cơn sóng lừng quật vào mạn tàu, tràn cả lên boong, mũi tàu như chúc xuống đáy biển rồi múc lên những khối nước lớn… Con tàu lắc lư như người say. Trên buồng lái, máy định vị vệ tinh nối một đường thẳng tắp từ nơi xuất phát đến điểm đến, thỉnh thoảng con tàu chệch hướng, thậm chí phải đi hình chữ Z để đè sóng…

Cả đêm đối mặt sóng dữ, chả riêng những người chân yếu tay mềm mà hầu hết đều lử đử. Chỉ riêng thủy thủ đoàn vẫn tươi tỉnh và thoăn thoắt những việc cần làm.

Sóng gió là một phần tất yếu của đại dương. Cũng như khó khăn, thách thức là một phần tất yếu của một đời người, của một thực thể kinh tế. Cứ nhìn kinh tế Việt Nam năm qua thì rõ,  chúng ta cũng như con tàu gặp mùa sóng dữ. Những con sóng từ xa, nào là tin xấu nợ công châu Âu, suy thoái Nhật Bản, bất ổn Hoa Kỳ… dội về. Ở trong nước, tín dụng nhà băng hết nóng rồi lại lạnh; các đại gia tưởng chừng ‘quá lớn để đổ vỡ’ cũng như con tàu Titanic đâm phải tảng băng thị trường khổng lồ, rồi kẻ xộ khám, người phá sản; chứng khoán - bất động sản như hai anh em sinh đôi, từng béo phì vì dòng tiền nóng, cứ dần teo tóp đến... tê liệt. Đặc biệt nguy hiểm là lòng tin của DN, nhà đầu tư và người dân về các thị trường này cũng băng băng… lùi về mệnh giá.

Từng có chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam là ‘nền kinh tế thuyền thúng’. Chúng ta ra khơi bằng những phương tiện lạc hậu và mỗi người chỉ biết đánh bắt một mình. Đương nhiên, thuyền thúng làm sao bắt được ông mập, ông voi… Rồi thì lúc sóng gió bão bùng, lấy đâu tiềm lực để trụ giữa biển khơi. Chưa kể đến việc, thuyền nọ còn chèn ép thuyền kia để tranh giành luồng cá…

Mất mát lớn nhất là mất lòng tin và điều khó lấy lại nhất cũng là lòng tin. Điều đáng mừng là năm qua, từ các cấp lãnh đạo cao nhất đến hầu hết DN đã thấu điều này. Biến chuyển lớn nhất về tư duy là chúng ta đã xác định lại mục tiêu ưu tiên, lấy vững chắc, ổn định làm nền tảng. Các cụ xưa có câu, ‘ném đá dò đường’ thể hiện sự cẩn trọng trong mỗi hành trình. Con tàu kinh tế Việt Nam chở trên nó gần 90 triệu dân thì mỗi sự cẩn trọng đều là cần thiết, nhất là khi vào mùa biển động…

Như một lẽ bù trừ, biển động thường nhiều tôm cá. Nhưng bội thu chỉ đến với những thủy thủ đoàn vững tay chèo lái. Và quan trọng hơn, cần lắng nghe ‘thời tiết, thiên tai’ để vạch hải trình ra khơi, vào lộng an toàn…

Với riêng tôi, 10 ngày ra với đảo đã để lại nhiều điều. Tàu cập bờ và chúng tôi lại đối mặt với những lo toan thường nhật, những câu chuyện bài vở, những sự kiện kinh tế phức tạp và nhạy cảm của một năm nhiều sóng gió. Nhưng lạ là khi ở trên tàu thì vật vã với cái sóng, cái gió, nhưng vào đất liền thì lại nhớ biển. Tẩn mẩn nghĩ lại những câu chuyện bình dị mà cảm động của lính đảo, thấy đôi lúc những toan tính, những bon chen đời thường của mình thật là nhỏ nhặt.

Ở đảo, chỉ khi cùng nhìn về một hướng, coi đồng đội như anh em ruột thịt, chỉ khi sáng mắt sáng lòng, những người lính mới có thể chắc tay súng trong cảnh thiếu thốn đủ bề. Lại nghĩ về trận chiến kinh tế mà đất nước đã và đang đối mặt, con tàu tái cơ cấu dường như mới chỉ rú hồi còi để rời bến. Phía trước còn là muôn trùng sóng cả. Những con sóng dữ xa xôi và cả những đợt sóng ngầm âm ỉ nội tại. Để hải trình an toàn, thủy thủ đoàn luôn cần sức mạnh cộng hưởng và… nhìn về một hướng.