Cách đây 5 năm khi Viettel tuyên bố chuyển đổi từ một công ty viễn thông trở thành một công ty dịch vụ với sứ mệnh là đưa công nghệ thông tin (CNTT) kết hợp với viễn thông tới mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Thời điểm ấy, không có nhiều người chú ý đến điều này bởi Tập đoàn viễn thông quân đội vốn nổi tiếng với việc phổ cập dịch vụ thông tin di động.
Người nông dân chăn trâu ngoài đồng với chiếc điện thoại di động là một hình ảnh kinh điển cho cuộc cách mạng di động mà tập đoàn này đã tạo ra.
Thế nhưng hình ảnh đó rồi cũng trở nên quen thuộc đi kèm với sự tăng trưởng cực mạnh, rồi sau đó là bão hoà của thị trường viễn thông. Và sự chuyển mình của Viettel khi kết hợp CNTT và viễn thông cho thấy một chiến lược khác biệt.
Nếu đơn thuần làm các sản phẩm CNTT gia công cho các công ty trong nước hoặc nước ngoài, chắc tập đoàn sẽ còn lâu mới có thể vượt được các tên tuổi hàng đầu trong nước cũng như nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.
Thay vì giải quyết những bài toán nhỏ, đơn giản, công ty từng tạo cuộc cách mạng về alo đã chọn những bài toán số lớn, phức tạp, có thể phục vụ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người như đã làm với viễn thông di động và sử dụng được hạ tầng viễn thông hiện có. Đây là điều mà chưa công ty nào tại Việt Nam nghĩ đến hoặc có đủ nguồn lực phù hợp để thực hiện.
Bắt đầu với ý chí quyết tâm làm chủ công nghệ và xử lý các bài toán số lớn, khá phức tạp trong nội bộ Viettel, tập đoàn này đã tạo ra được những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Và những sản phẩm mang đậm chất Viettel từng làm với di động đã ra đời trong lĩnh vực giáo dục (Sổ liên lạc điện tử SMS Parent, hệ thốngPhần mềm quản lý nhà trường SMAS); y tế (Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, Hệ thống quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế SHI.ONE), Chính phủ điện tử, an toàn thông tin trên mạng (Safenet), Big Data (Hệ thống xử lý và khai thác dữ liệu tập trung Viettel BI 2.0)…
Viettel luôn chấp nhận đầu tư lớn trước, cho người dùng thử nghiệm cho tới khi hài lòng mới bắt đầu thu phí, theo đúng triết lý “hạ tầng đi trước, dịch vụ thu phí đi sau”.
Đây cũng là lý do sau 5 năm khởi động, chiến lược đưa CNTT kết hợp với viễn thông đến mọi ngõ ngách cuộc sống của Tập đoàn viễn thông quân đội đã có những kết quả rất rõ ràng trong thực tế.
Tuy nhiên, câu chuyện đưa CNTT kết hợp với viễn thông tới mọi ngõ ngách cuộc sống đang có sự thay đổi lớn.
Trong buổi lễ trao giải Sao Khuê 2017 vừa diễn ra cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ, với cuộc cách mạng 4.0, điều đó phải đi kèm với siêu băng rộng và “niềm tự hào” về hình ảnh người nông dân chăn trâu ngoài đồng với chiếc điện thoại di động đã là quá khứ.
Vậy Viettel sẽ làm gì kế tiếp khi mà cuộc chơi có thay đổi lớn?
Vào ngày 18/4, Tập đoàn này đã khai trương mạng 4G có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 36.000 trạm BTS (nhiều hơn cả 2G), với công nghệ 4TX/4RX (4 thu, 4 phát) – công nghệ mới có 10% nhà mạng trên thế giới áp dụng, giá rẻ hơn 3G….
Đi kèm với 4G, chiến lược đưa CNTT kết hợp với viễn thông tới mọi ngõ ngách cuộc sống cũng có thay đổi quan trọng. Nguồn tin từ tập đoàn này tiết lộ, thay vì tự làm tất cả Tập đoàn viễn thông quân đội sẽ kết hợp với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tính sáng tạo cao, cùng phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT tiện ích với đời sống của hàng chục triệu người dân Việt Nam.
Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ: “Khi kết hợp với chúng tôi, họ sẽ có được nhiều thế mạnh của một tập đoàn lớn, khả năng thành công cao hơn.
Chúng tôi hy vọng có thể huy động được sức sáng tạo khổng lồ từ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển cùng Viettel và ngành CNTT đất nước”.