Tuy nhiên, lượng cổ phiếu BID bị khối ngoại bán ít hơn hẳn so với ước tính. Cùng với đó, nhiều cổ phiếu được thêm vào/tăng tỷ trọng hay cổ phiếu bị bán, có xu hướng về giá (mức biến động) lại trái với suy tính của nhiều nhà đầu tư (NĐT), khiến không ít người đang bối rối chưa biết nên định hình giải ngân như thế nào.
Có lẽ, điểm hồi hộp nhất là BID khi nhà đầu tư phải chuẩn bị tâm lý cổ phiếu này sẽ tiếp tục bị bán sàn, do hai quỹ ETF đã lỡ "mua nhầm" hơn 9 triệu cổ phiếu trước đó. Thực tế, trong phiên cuối tuần, BID chỉ bị bán ròng hơn 6,68 tỷ đồng (325.090 cổ phiếu, trong đó khối lượng bán ra là hơn 1,6 triệu cổ phiếu). Lý giải điều này, lãnh đạo CTCK lớn cho rằng, giao dịch của các quỹ ETF dường như đã linh động hơn.
Trường hợp BID, không phải là tái cơ cấu danh mục, mà là một hành động mua nhầm, do vậy, có khả năng các quỹ sẽ xử lý theo cơ chế đặc biệt. Do vậy, không ngoại trừ trong tuần này, họ sẽ bán túc tắc nhằm giảm BID trong danh mục và cũng là tránh tình trạng bị lỗ đau nếu bán tống, bán tháo dẫn đến giá giảm sâu. Điểm tích cực là, việc bán BID sẽ giúp hai quỹ có một lượng tiền để phần phối lại theo tỷ lệ cho các phần còn lại trong danh mục.
Một số cổ phiếu được hai quỹ ETF thêm vào trong lần cơ cấu danh mục vừa qua đều đạt giá trị mua ròng khá lớn trong phiên cuối tuần. Nổi bật là cổ phiếu NT2 đã khớp lệnh 6,6 triệu cổ phiếu, HAG khớp 5,5 triệu cổ phiếu, VCB khớp 2,5 triệu cổ phiếu chỉ trong trong phiên khớp lệnh liên tục.
Riêng đối với PDR, khối lượng khớp lệnh toàn phiên cũng khoảng 6,5 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, các cổ phiếu được nâng tỷ trọng trong kỳ cơ cấu như HAG, KDC cũng được mua vào khá nhiều với 5,4 triệu đơn vị và 1,2 triệu đơn vị.
Theo lập luận thông thường, những mã được thêm mới hoặc tăng tỷ trọng sẽ có mức tăng giá mạnh và những mã bị bán ra sẽ giảm mạnh trong 1-2 phiên cuối cùng của kỳ review, khi mà các quỹ ETF buộc phải thực hiện việc tăng giảm tỷ trọng để đảm bảo danh mục mô phỏng đúng chỉ số. Tuy nhiên, cuối tuần qua, xu hướng giá và mức độ biến động giá của các cổ phiếu lại có những bất ngờ.
Cụ thể, TTF, PDR lọt vào danh mục của FTSE Vietnam ETF và cả 2 đều được khối ngoại mua vào khá mạnh trong phiên nhưng kết phiên giao dịch cả 2 cổ phiếu này đều giảm điểm, trong đó TTF được khối ngoại mua vào hơn 6,6 triệu cổ phiếu, kết phiến ở mức 17.500 đồng/CP, tương đương mức giảm 2,2%. Với PDR giảm sàn xuống 15.000 đồng/CP, dư bán gần 2,5 triệu đơn vị giá sàn ngay trong phiên buổi sáng.
Còn với NT2, cổ phiếu được thêm vào danh mục V.N.M ETF cũng được khối ngoại mua vào 6,6 triệu đơn vị và đóng cửa phiên giao dịch, NT2 tăng không đáng kể 600 đồng/CP, lên mức 25.000 đồng/CP. Theo dõi kỹ hơn, NT2 chỉ giữ sắc xanh lúc mở cửa và khớp lệnh liên tục, diễn biến trong phiên chủ yếu là sắc đỏ hoặc tham chiếu. Thậm chí phiên liền kề trước đó, NT2 đã giảm 800 đồng, tương đương mức giảm 3,17%.
Trong khi đó, với những cổ phiếu bị ETF giảm tỷ trọng đầu tư thì lại có một phiên giao dịch với thanh khoản khá và có mức biến động giảm không đáng kể. Cổ phiếu VCG bị giảm tỷ trọng từ 2,67% xuống 1,57%, do vậy, trong phiên VCG đã bị bán ròng 4,2 triệu đơn vị nhưng vẫn kết điểm trong sắc xanh. Tương tự, DRC sau khi bị loại khỏi danh mục V.N.M ETF cũng bị bán ròng với giá trị 37 tỷ đồng trong phiên cuối tuần và giá chỉ giảm 0,9% xuống 44.500 đồng/CP.
Với những diễn biến nằm ngoài dự báo như trường hợp BID, hay PDR, nhiều NĐT đã thốt lên rằng “từ nay nghỉ chơi theo ETF ngoại”. Một điểm cần chú rằng, khoảng thời gian công bố danh mục đến khi thực hiện giải ngân của quỹ ETF diễn ra khá xa nhau (FTSE 2 tuần và Van Eck 1 tuần), đã khiến các NĐT trong nước chuẩn bị tâm lý để đua theo ETF. Tuy nhiên, ETF lại chỉ thường giải ngân trong 1-2 ngày cuối cùng trong kỳ. Điều này dẫn đến tình trạng số lượng NĐT đua theo ETF quá lớn, hơn hẳn cả số lượng ETF dự tính mua vào, đây cũng là nguyên nhân chính làm PDR giảm mạnh.
Như vậy, dường như chiến thuật mua và nắm giữ cổ phiếu đế bán trong ngày cuối cùng cho các ETF là không hiệu quả. Theo khuyến nghị của một số chuyên gia, chiến thuật “dễ ăn” hơn là NĐT, nếu có thể đoán trước danh mục, hoặc tham khảo các dự báo danh mục của CTCK, để đưa ra lựa chọn cổ phiếu phù hợp và bán ra khi các quỹ thông báo chính thức.
Nhìn diễn biến của những mã cổ phiếu thêm vào, bớt ra danh mục ETF ở trên, NĐT có thể có chiến thuật dễ chơi hơn là canh mua những cổ phiếu lớn bị bán ra với giá tốt. Tuy vậy, đầu tư muốn bớt rủi ro, cần theo sát hiệu quả của DN, chứ nếu cứ “đi tắt đón đầu” động thái của ETF, sẽ dễ nhận thêm những bài học cay đắng sau bài học về BID lần này.