Từ năm 2022 sẽ đo lường kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
Kể từ năm 2022, kinh tế số chính thức được đưa vào Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Luật Thống kê (sửa đổi, bổ sung).

Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê (Tổng cục Thống kê), việc này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế số ngày càng đóng góp quan trọng vào GDP.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành mới chỉ áp dụng được 5 năm. Thưa ông, vì sao lần này lại sửa đổi, bổ sung quá nhiều chỉ tiêu?

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê (Tổng cục Thống kê)
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê (Tổng cục Thống kê)

Danh mục hiện hành có 186 chỉ tiêu, nhưng Danh mục sửa đổi áp dụng kể từ năm 2022 chỉ giữ 128 chỉ tiêu, bổ sung 58 chỉ tiêu, bỏ 14 chỉ tiêu và sửa tên 44 chỉ tiêu, nên Danh mục mới có tổng cộng 21 nhóm chỉ tiêu với 230 chỉ tiêu thành phần. Như vậy, Danh mục mới có sự thay đổi cơ bản so với Danh mục hiện hành, ngay cả việc sửa tên 44 chỉ tiêu không chỉ đơn thuần là sửa tên gọi, mà là thay đổi cả nội hàm của chỉ tiêu thống kê để phản ánh sát thực hơn, chính xác hơn, bao phủ rộng hơn hoạt động kinh tế nào đó.

Việc sửa đổi là do Danh mục ban hành kèm theo Luật Thống kê năm 2015 thiếu nhiều chỉ tiêu phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó thiếu các nội dung liên quan đến kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, trong khi kinh tế số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế.

Kinh tế số là khái niệm rất khó đo lường, đưa chỉ tiêu kinh tế số vào Danh mục thống kê quốc gia liệu đã phù hợp?

Kinh tế số đúng là rất khó đo lường vì vẫn trong giai đoạn hình thành và phát triển, nhưng trên thế giới nhiều nước đã đo lường được. Việt Nam chưa đo lường được mức độ đóng góp của kinh tế số vào GDP vì chưa được đưa vào Danh mục thống kê để tính toán. Sau khi đã luật hóa chỉ tiêu kinh tế số trong Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các bộ, ngành đưa ra các tiêu chí đo lường cụ thể vì đã có cơ sở pháp lý cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố thông tin thống kê về kinh tế số, nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Khi đã đo lường, tính toán và công bố hoạt động của kinh tế số, các bộ, ngành, địa phương mới biết được mình đang đứng ở đâu, đã đạt được bao nhiêu phần trăm trong mục tiêu được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra về kinh tế số. Cụ thể, đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP, đến năm 2030, đạt khoảng 30% GDP.

Đến năm 2025, kinh tế số đóp góp vào GDP 25%, tức là mức độ đóng góp gấp 2 lần khu vực nông nghiệp. Thưa ông, vậy cần tới bao nhiêu chỉ tiêu thành phần để đo lường kinh tế số?

Trong Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được áp dụng kể từ năm 2022, riêng nội dung về kinh tế số có 22 chỉ tiêu.

Kinh tế số là khái niệm còn khá mới, song đã phát triển chóng mặt trong thời gian gần đây và khái niệm về kinh tế số sẽ ngày càng được mở rộng hơn, nhưng trong thời điểm hiện tại, lựa chọn 22 chỉ tiêu để đưa vào Danh mục đều là những chỉ tiêu cốt lõi, phản ánh toàn diện nhất về kinh tế số ở tầm vĩ mô. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng, lồng ghép các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số trong các cuộc điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và sử dụng hồ sơ hành chính cho mục đích thống kê.

Chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP” trong Danh mục là một chỉ tiêu hoàn toàn mới. Theo ông, việc đo lường các chỉ tiêu này có khó khăn gì?

Kinh tế số là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Một nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Đây là một mô hình kinh tế mới và dưới góc độ kỹ thuật việc xác định, đo lường quy mô của nền kinh tế số rất khó và phức tạp. Đó là việc xác định pham vi để đo lường quy mô kinh tế số (lõi, hẹp, rộng); thiếu thông tin, dữ liệu để biên soạn; khó khăn trong việc xác định đóng góp của kỹ thuật số trong các ngành kinh tế tương ứng (theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018).

Như ông nói, đo lường quy mô của nền kinh tế số rất khó và phức tạp, vậy làm cách nào có thể đo lường chỉ tiêu “giá trị tăng thêm của kinh tế số”?

Trước mắt, tập trung biên soạn và công bố chính thức quy mô kinh tế số theo phạm vi lõi, bao gồm giá trị gia tăng của ngành công nghệ thông tin và tổng số việc làm trong ngành này.

Phạm vi này bao gồm 12 nhóm hàng hóa và dịch vụ khác nhau thuộc 2 nhóm chính gồm hàng hóa/thiết bị công nghệ thông tin (thiết bị tin học văn phòng, viễn thông, thiết bị đo lường, điện tử và quang học, máy tính) và dịch vụ công nghệ thông tin (dịch vụ viễn thông, dịch vụ phần mềm và dịch vụ thông tin). Sau đó nghiên cứu và xác định nguồn thông tin để tính kinh tế số theo phạm vi hẹp, phạm vi rộng, quy mô kinh tế số được xác định thông qua giá trị gia tăng của các “giao dịch số” và đóng góp của công nghệ thông tin vào giá trị gia tăng (chứ không phải doanh thu) của từng ngành, lĩnh vực kinh tế số.

Chẳng hạn, ngành thương mại điện tử có giá trị gia tăng được tạo ra từ các giao dịch số như đặt hàng trên nền tảng số; giao hàng trên nền tảng số và hoạt động của các nền tảng số (platform-enabled). Ngay cả ngành nông nghiệp có ít giá trị gia tăng được tạo ra bởi giao dịch số, nhưng cũng cần tính đến để đảm bảo phản ánh đầy đủ hơn.

Để “không bỏ sót, không tính trùng” nên đối với mỗi chỉ tiêu cụ thể, nội dung chỉ tiêu sẽ được chuẩn hóa theo 5 tiêu chí gồm khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

Tin bài liên quan