Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế cấp giấy tiếp nhận đăng ký cho 24.643 thực phẩm chức năng

(ĐTCK) Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin tại phiên chất vấn trước Quốc hội chiều 11/11.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế cấp giấy tiếp nhận đăng ký cho 24.643 thực phẩm chức năng

Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, chiều 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đối với vị trưởng ngành thứ hai là Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Nhóm vấn đề chất vấn của Bộ trưởng Đào Hồng Lan bao gồm: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Vi phạm thực phẩm chức năng: Bộ Y tế phạt 16,8 tỷ đồng; các địa phương phạt 123,8 tỷ đồng

Trong báo cáo dài 22 trang gửi tới Quốc hội trước phiên chất vấn, về vấn đề quản lý thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%.

Đã cấp 201 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Việt Nam là quốc gia đầu tiên của ASEAN áp dụng GMP thực phẩm bảo vệ sức khoẻ).

Tỷ lệ số mẫu được giám sát không đạt giảm qua các năm: Năm 2022 là 7,67%; năm 2023 là 1,69%; 10 tháng đầu năm 2024 là 0,31%.

Tỷ lệ (%) số chỉ tiêu được thử nghiệm có kết quả không đạt so với tổng số chỉ tiêu đã được thử nghiệm cũng giảm: Năm 2022 là 2,28%; năm 2023 là 0,97%; 10 tháng đầu năm 2024 là 0,47%.

Bộ Y tế cũng đã cấp 6.653 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm tới Bộ Công thương để xử lý theo thẩm quyền.

Đồng thời, Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Theo đó, Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng. Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bao gồm thực phẩm chức năng), trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.

Nhận xét về các vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, một số vi phạm đã phát hiện trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng bao gồm:

Sản xuất thực phẩm chức năng giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ); Sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; Sản xuất thực phẩm chức năng ở nơi không bảo đảm vệ sinh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/Thực hành sản xuất tốt GMP; Quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng...

Đề xuất phạt tiền theo thu nhập đối với thực phẩm chức năng vi phạm

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay hoạt động quản lý thực phẩm chức năng đang gặp một số khó khăn cụ thể sau:

Một là: Việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, đặc biệt khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.

Hai là: Khó khăn trong quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng qua một số hình thức mới như: Bán thực phẩm chức năng thông qua hình thức tư vấn qua điện thoại, đe dọa, nghiêm trọng hoá tình trạng bệnh nhằm bán thực phẩm chức năng; việc tư vấn, bán hàng qua hình thức này chỉ có người nghe và người tư vấn biết thông tin nên không giám sát, kiểm soát được; bán thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử, website bán hàng mà chưa được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố...

Ba là: Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại còn nhiều khó khăn do nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để quản lý.

Bốn là: Việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn chiều 11/11

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn chiều 11/11

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Để tồn tại những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng do một số nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ quan là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cá nhân còn kém, vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

"Nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng cao nên cố tình sản xuất thực phẩm chức năng giả, nhập khẩu thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc về dán nhãn, mác các dòng sản phẩm uy tín..., cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp", báo cáo nêu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là năng lực phát hiện và xác định chủ thể vi phạm quảng cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa theo kịp kỹ thuật và công nghệ truyền thông, tiếp thị quảng cáo hiện nay, đặc biệt khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.

Nêu giải pháp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo hướng thống nhất giữa các quy định pháp luật, tháo gỡ những khó khăn bất cập trong quản lý, đáp ứng thực tiễn.

Đồng thời, phối hợp sửa đổi Luật Quảng cáo để khắc phục các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng như trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo, quảng cáo xuyên biên giới.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội; công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, xem xét quy định phạt tiền theo thu nhập phát sinh từ quảng cáo vi phạm để đảm bảo tính răn đe.

Tin bài liên quan