Trong bối cảnh tìm kiếm cơ hội đầu tư khó khăn, nhóm ngành này được coi là điểm đến cho vay của các ngân hàng và địa chỉ đầu tư của không ít NĐT. Tuy nhiên, những thông tin mà công chúng đầu tư có thể tiếp cận, từ đó đưa ra đánh giá sát hơn hiệu quả kinh doanh của DN nhóm này lại khá sơ sài.
Câu chuyện của CII
Cuối năm 2011, đầu 2012, khi lãi suất cho vay ngân hàng tăng cao lên mức trên 20%/năm, nhiều NĐT đã lo sợ về tình hình kinh doanh của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã CII). Sự lo sợ này của các NĐT không phải không có lý, khi CII có số dư nợ vay lên đến vài nghìn tỷ đồng. Nhưng với đặc thù kinh doanh của mình, câu chuyện CII không hẳn đáng ngại như những gì NĐT nghĩ!
Là đơn vị chuyên về đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật, tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông, các dự án mà CII đầu tư tập trung nhiều vào dự án BT (xây dựng - chuyển giao), dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Trong khi đó, trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho hay, các dự án đầu tư của Công ty chủ yếu được chốt tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư cố định. Điều này có nghĩa là, rủi ro về mặt lãi suất đối với quá trình triển khai các dự án này hầu như không có.
Dự án BT, BOT: mỗi dự án một kiểu
Từ câu chuyện của CII, ĐTCK đã tìm hiểu một số dự án BOT, BT khác và thấy rằng, tồn tại sự đa dạng đến khó ngờ của các dự án này, những yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận DN khi triển khai dự án.
Cụ thể, cùng là tỷ suất lợi nhuận cố định, nhưng tùy theo đặc điểm từng DN, từng dự án, mà tỷ suất sinh lời trong mỗi hợp đồng của chủ đầu tư sẽ khác nhau.
Tổng giám đốc một DN ngành đầu tư xây dựng hạ tầng cho hay, có dự án được chấp thuận mức lợi nhuận cố định trên vốn đầu tư 14%/năm, có dự án là 10%/năm, nhưng cũng có trường hợp, chủ đầu tư chấp nhận mức lợi nhuận 0%. Trường hợp chấp nhận hòa vốn, lợi nhuận mà chủ đầu tư kỳ vọng khi tham gia dự án là thu nhập từ hoạt động xây lắp. Trong các trường hợp này, DN thường không chịu rủi ro về biến động lãi suất.
Ngoài trường hợp đầu tư dự án hưởng tỷ suất lợi nhuận cố định, DN cũng có thể tham gia đầu tư dự án BT, BOT, nhưng chấp nhận kiểu lời ăn - lỗ chịu.
Trong hai trường hợp này, DN sẽ có cách hạch toán lợi nhuận khác nhau đối với dự án. Dự án BT được hạch toán ngay lợi nhuận từng năm theo thời gian triển khai, nếu cố định lãi suất. Với trường hợp lời ăn lỗ chịu, thì phải chờ đến khi kết thúc dự án mới ghi nhận lợi nhuận/lỗ.
Với dự án BOT, cách ghi nhận doanh thu/lợi nhuận mỗi năm lại khác đôi chút do theo quy định mới của Bộ Tài chính, sẽ phụ thuộc khá nhiều vào dòng tiền thu về dự án theo từng năm, dù tổng lợi nhuận của cả vòng đời của dự án có thể là không đổi (trường hợp cố định tỷ suất lợi nhuận).
Đối với các dự án BT đổi hạ tầng lấy đất, câu chuyện cũng phức tạp không kém, vì hiệu quả của dự án này còn phụ thuộc vào việc đất được định giá như thế nào? Có phải đất sạch hay không? Thời gian triển khai dự án hạ tầng có bị kéo dài? Chưa kể yếu tố, dự án bất động sản sau đó sẽ được khai thác ra sao…
Câu chuyện của các DN khác
Quá nhiều sự đa dạng, phức tạp về thông tin của các dự án BT, BOT có thể tác động đến hiệu quả đầu tư của DN đầu tư ngành này. Tuy nhiên, thông tin của các DN niêm yết trên sàn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng lại khá sơ sài.
Đối với CII, dù không thực hiện công bố thông tin chi tiết đặc thù lợi nhuận, nhưng những thông tin về đặc điểm kinh doanh dự án, ít nhất NĐT cũng có thể tìm thấy thông qua nội dung trao đổi với báo chí, NĐT tại các cuộc họp, hoặc có thể qua tài liệu giải thích liên quan đến các đề xuất của HĐQT. Nhưng với các DN khác, tình hình lại không hẳn như vậy.
Là một DN chuyên về đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, CTCP TASCO (HUT) đã và đang triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn về hạ tầng giao thông như: Dự án đầu tư BOT Quốc lộ 10, Dự án đầu tư BT Quốc lộ 21, đường Lê Đức Thọ, Dự án đường tỉnh lộ 39, Dự án BOT Quốc lộ 1A Quảng Ninh… Hiệu quả đầu tư các dự án này ra sao, hạch toán doanh thu/lợi nhuận chi tiết như thế nào cũng là những câu hỏi được các NĐT quan tâm.
Tương tự, CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (mã HTI) cũng có một số dự án như: Dự án đầu tư bổ sung một số hạng mục giao thông tuyến Quốc lộ 1A, Dự án đầu tư xây dựng đường song hành Hà Huy Giáp nối từ cầu Phú Long đến Quốc lộ 1A, quận 12, TP. HCM (BOT kết hợp BT)… Và ngoài thông tin kỹ thuật triển khai, quy mô dự án, các NĐT mù tịt thông tin chi tiết về đặc điểm sinh lợi của dự án của HTI.
Vấn đề là, NĐT muốn đầu tư vào một DN, thì ngoài kế hoạch kinh doanh đã được DN công bố hàng năm, cái họ cần là một sự chủ động đánh giá thông tin. Nhưng với các DN ngành này, ngoại trừ CII, đây quả thực là lĩnh vực… khó nhằn với không chỉ NĐT cá nhân, mà cả NĐT tổ chức. Trong khi đó, lĩnh vực này đang dần trở thành một mảng thu hút sự chú ý của đông đảo các NĐT tổ chức, bao gồm cả các ngân hàng, các quỹ đầu tư. Không lẽ NĐT cá nhân sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi vì yếu tố thông tin không đầy đủ?