Tù mù chờ công bố kết quả thanh tra giá sữa

Tù mù chờ công bố kết quả thanh tra giá sữa

Đã qua hơn 1 tháng kể từ khi Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính đi kiểm tra 5 doanh nghiệp sữa lớn nhất trên thị trường, gồm: Mead Johnson, Nestlé Việt Nam, Vinamilk, Friesland Campina Việt Nam và Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A - nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott.

Điều mà doanh nghiệp và người dân chờ đợi nhất lúc này là kết quả thanh tra, để giải tỏa nghi vấn về việc có hay không các doanh nghiệp này bắt tay nhau đẩy giá sữa lên quá cao và nếu câu trả lời là có, thì hướng xử lý ra sao?

Việc chờ đợi kết quả thanh tra tại 5 doanh nghiệp sữa của người dân là hoàn toàn có lý, bởi họ chỉ còn biết chờ đợi vào sự ra tay của các cơ quan quản lý, làm rõ trắng - đen trong câu chuyện sản xuất, kinh doanh của các “ông lớn” ngành sữa đang thống trị thị trường sữa trong nước.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của nước ta không ngừng tăng qua các năm. Năm 2012, nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 771 triệu USD, năm 2013 nhập khẩu xấp xỉ 1 tỷ USD.

Một thị trường sữa lớn như vậy, nhưng thời gian qua, việc quản lý các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa “được phân đều” cho Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, nên dù sữa được đưa vào nhóm hàng thuộc diện phải có sự kiểm soát đăng ký giá, nhưng thực tế, doanh nghiệp sữa vẫn tăng giá ngay cả khi cơ quan quản lý giá chưa chấp thuận. Rõ ràng, việc quản lý giá sữa chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Trở lại câu chuyện thanh tra giá sữa, dấu hiệu về một cuộc họp “công bố kết quả thanh tra” vẫn còn mù mờ. Theo đại diện Bộ Tài chính, cơ quan Thanh tra rất muốn hoàn thành sớm để có thể thông tin kịp thời đến báo chí và người dân, nhưng sau khi thanh tra xong còn phải thẩm định, đánh giá, rà soát kết quả.

Hơn nữa, việc thanh tra này do Thủ tướng chỉ đạo, nên sau khi hoàn thành, theo đúng trình tự, sẽ phải báo cáo Thủ tướng trước khi công bố.

Ai cũng hiểu, kết quả thanh tra phụ thuộc vào sự hợp tác của doanh nghiệp sữa và trách nhiệm cũng như sự quyết liệt của cơ quan thanh tra. Nhưng xem ra, việc làm hết trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý vẫn chưa đủ để khiến người dân yên lòng, khi mà nghi án doanh nghiệp “bắt tay” tăng giá sữa chưa qua, chưa được làm rõ, thì kết quả thanh tra của Tổng cục Thuế năm 2013 đã chỉ ra rằng, 8 công ty sữa lớn có thương hiệu trên thị trường phải nộp thuế nợ đọng lên tới 486 tỷ đồng!

Cả 8 doanh nghiệp nợ đọng thuế này đều có thương hiệu trên thị trường, kinh doanh tại cả 3 khâu nhập khẩu, sản xuất nội địa và phân phối.

Một điều khó hiểu là, trong khi cơ quan quản lý đang hướng tới sự minh bạch, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, thì tại một cuộc thanh tra cụ thể và do một cơ quan cụ thể thực hiện, thì danh tính của 8 doanh nghiệp sữa vi phạm về nợ thuế lại không được nêu đích danh?

Mức nợ đọng thuế gần 500 tỷ đồng mà 8 doanh nghiệp này bị cơ quan thuế kiến nghị phải nộp vào ngân sách là khoản tiền quá lớn, cho thấy sự không sòng phẳng, nhập nhèm, cố tình chây ì của doanh nghiệp.

Ở một góc nhìn khác, câu chuyện nợ đọng gần 500 tỷ đồng tiền thuế của 8 doanh nghiệp còn khiến người ta nghi ngờ về thái độ hợp tác của các doanh nghiệp sữa. Và chính sự bất hợp tác này càng khiến việc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng tại doanh nghiệp khó hơn.

Để minh bạch hóa thị trường sữa, trước hết, các cơ quan quản lý phải làm tốt nhiệm vụ được giao, nhưng những diễn biến hiện nay cho thấy, thái độ hờ hững và sự bất lực của chính các cơ quan quản lý. Chỉ khi nào, việc quản lý thị trường sữa được thực hiện như quân lệnh, thì mới hy vọng lấy được lòng tin của người tiêu dùng.

Cần phải nói thêm, ngay cả khi kinh tế khó khăn, sữa vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng khá, và dù giá sữa không ngừng tăng, thì đại bộ phận người dân vẫn phải thắt chặt chi tiêu mặt hàng khác để mua sữa cho con.

Tin bài liên quan