Thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Quốc lộ 45. (Ảnh: Đăng Trung - PLO).
“Đây là mục tiêu không hề đơn giản, thậm chí là rất nặng nề dành cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong 6 tháng cuối năm. Ngoài việc phải nỗ lực cao độ, các đơn vị phải có giải pháp đột phá, khoa học để hoàn thành kế hoạch vốn. Tôi giao Vụ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu xây dựng bộ chế tài xử lý các đơn vị không hoàn thành kế hoạch giải ngân đã đăng ký”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT được tổ chức vào chiều 10/7.
Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ GTVT), năm 2023 Bộ GTVT được Thủ tướng giao 95.222 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đây là số vốn được giao lớn nhất từ trước tới nay của Bộ GTVT (gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021).
Tính đến hết tháng 6/2023, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 35.600 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá, tỷ lệ cao hơn 7%). Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT luôn được duy trì ở mức cao hơn trung bình cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn một số nhiệm vụ, công việc còn chưa đáp ứng yêu cầu, một số dự án còn chậm tiến độ; giá trị khối lượng hoàn thành của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 mới đạt 3.648/29.108 tỷ đồng (đạt 12,5% số vốn bố trí cho năm 2023).
Đặc biệt, với số vốn chưa giải ngân, tính bình quân mỗi ngày Bộ GTVT phải giải ngân ít nhất 330 tỷ đồng mới có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng giao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, 6 tháng cuối năm 2023, Bộ GTVT sẽ tập trung tối đa công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy mạnh hơn nữa việc đi hiện trường và làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu, từ đó mới hi vọng hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm nay.
“Từng lãnh đạo cao nhất của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải bám sát công trường, ưu tiên số 1 hiện nay là tập trung tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu cho các đơn vị thi công. Đồng thời, quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công khoa học, hợp lý, thi công “3 ca, 4 kíp” ngay từ những ngày đầu, tập trung thi công các hạng mục có giá trị sản lượng cao, không ảnh hưởng bởi nguồn nguyên vật liệu, để phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), hiện đang có 2 nút thắt lớn ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công, giải ngân các dự án hạ tầng giao thông là mặt bằng và vật liệu xây dựng thông thường.
Cụ thể, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư tại Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 và một số dự án cao tốc nằm trong Chương trình phục hồi kinh tế còn chậm; mặt bằng bàn giao không liên tục, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công (do đền bù diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân cần phải xây dựng các khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật có yêu cầu kỹ thuật cao như đường điện cao thế,…). Công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng gồm nhiều bước, nhiều thủ tục, thời gian kéo dài, nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Do có nhiều dự án quy mô lớn được triển khai cùng lúc nên nhu cầu vật liệu xây dựng tăng đột biến trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương. Đối với các mỏ mới đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các hướng dẫn nhưng thủ tục triển khai của các địa phương còn chưa đáp ứng tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẳng thắn thừa nhận rằng vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án theo nhiệm vụ được Bộ GTVT giao. Việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT đôi lúc chưa triệt để, đã có động thái xử lý nhà thầu chậm tiến độ nhưng chưa kịp thời, công tác nghiệm thu, thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành còn chậm, ảnh hưởng đến nguồn tài chính cho công trường.
“Một số nhà thầu thi công dàn trải, chưa giải quyết dứt điểm được các dự án cũ theo đúng kế hoạch dẫn tới chưa triển khai các dự án mới theo tiến độ yêu cầu; năng lực tổ chức triển khai, trang thiết bị máy móc còn hạn chế, đặc biệt là năng lực về tài chính; công tác quản lý còn nhiều bất cập, chưa chú trọng bố trí nhân sự nội nghiệp cho công tác nghiệm thu, thanh toán”, ông Lê Quyết Tiến cho biết.