Đây là một trong những nội dung trong công văn số 5555/BC –BGTVT về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ký gửi các Đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến tiến trình đầu tư đầu tư mới, cải tạo các cảng hàng không, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó 21 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư phát triển.
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được bố trí để cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cải tạo mở rộng đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không Côn Đảo.
Nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước - ACV đã tập trung để đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) đạt công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm; xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm; mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất 5 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hàng hóa và mở rộng sân đỗ máy bay; mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm và xây dựng đường cất hạ cánh mới; xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với công suất 5,0 triệu hành khách/năm và mở rộng sân đỗ máy bay; xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với công suất 5,0 triệu hành khách/năm và mở rộng sân đỗ máy bay…
Ngoài ra, ACV cũng đã bố trí nguồn lực để mở rộng nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, mở rộng sân đỗ máy bay và các công trình hạ tầng tại một số cảng hàng không khác.
Trong giai đoạn tiếp theo, ACV cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư, mở rộng một số công trình thiết yếu tại các cảng hàng không theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu khai thác như: xây dựng nhà ga hành khách tại các cảng hàng không Thọ Xuân, Vinh, Đồng hới, Chu Lai, Tuy Hòa, Phù Cát…; các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác.
Đối với đề xuất xây dựng sân bay các địa phương, Bộ GTVT cho biết là thời gian vừa qua, sau khi hoàn thành kết quả nghiên cứu quy hoạch, một số địa phương (10 tỉnh) kiến nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới (Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Nông, Tây Ninh).
Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát nhu cầu và khả năng quy hoạch các cảng hàng không mới theo đề xuất của các địa phương. Qua nghiên cứu sơ bộ về kỹ thuật, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch của các địa phương có thể bố trí được cảng hàng không.
Tuy nhiên, về nhu cầu vận tải, hệ thống cảng hàng không dự kiến quy hoạch (30 cảng hàng không đến năm 2030 và 33 cảng hàng không đến năm 2050) sẽ đáp ứng được theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các vùng trong kỳ quy hoạch (Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Nông, Tây Ninh).
Trường hợp các địa phương có kế hoạch phát triển đột phá về du lịch, khu kinh tế, khu công nghiệp công nghệ cao… dẫn tới có sự gia tăng lớn về nhu cầu vận tải và thu hút được nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách thì sẽ đánh giá kỹ lưỡng thêm về tổ chức vùng trời, xây dựng phương thức bay… để xem xét bổ sung vào quy hoạch.
Vì vậy, dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xác định đây là các vị trí tiềm năng và đề xuất tiếp tục giao địa phương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội để chủ động lập đề án đánh giá tính khả thi, khả năng huy động nguồn vốn xã hội báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định, bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện.