Tăng trưởng cao làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo tại TQ

Tăng trưởng cao làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo tại TQ

Tư hữu hóa kiểu Trung Quốc: Chi phí tiềm ẩn

Vụ tai nạn tàu cao tốc gây chết người ở Ôn Châu (Trung Quốc - TQ) hồi tháng 7 không chỉ là một thảm họa. Nó còn là một cảnh báo về mâu thuẫn trong mô hình kinh tế đang được TQ áp dụng.

Đánh giá mô hình nền kinh tế theo định hướng nhà nước của TQ là rất khó. Bởi vì, các chương trình hành động của chính phủ ẩn mình dưới hàng vạn bí mật và không dễ gì có thể đo đếm được.

 

Dưới thời Mao Trạch Đông, đó là việc đơn giản. Chính phủ kiểm soát mọi việc và hoạt động không công khai.

 

Nhưng từ năm 1993, Bắc Kinh đã khuyến khích áp dụng “gaizhi” ở doanh nghiệp (DN) nhà nước, với nghĩa “thay đổi hệ thống”.

 

Từ năm 1995 đến 2001, số lượng các DN nhà nước và DN do Nhà nước quản lý đã giảm gần hai phần ba, từ 1,2 triệu xuống còn 468.000, và lao động thành thị làm việc cho khu vực nhà nước giảm gần một nửa, từ 59% xuống còn 32%.

 

Nhưng “gaizhi” không đơn thuần là uyển ngữ ám chỉ quá trình “tư nhân hóa”, mà còn ám chỉ các công ty nửa nhà nước - nửa tư nhân. Bên cạnh đó là các DN khổng lồ do nhà nước kiểm soát thuộc các lĩnh vực mà chính phủ coi là “chiến lược” như ngân hàng, viễn thông hoặc vận tải.

 

Những công ty này bán cổ phần thiểu số cho các nhà đầu tư tư nhân, còn bản thân họ thì hoạt động gần giống như các bộ của chính phủ. Ví dụ điển hình là Ngân hàng Xây dựng TQ - đơn vị hậu thuẫn chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

 

Hình thức thứ hai là liên doanh giữa công ty tư nhân (thường là nước ngoài) và các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn. Liên doanh kiểu này là phổ biến ở lĩnh vực chế tạo ô tô, giao vận và nông nghiệp.

 

Nhóm công ty thứ ba có vẻ hoàn toàn là tư nhân, chính phủ không trực tiếp có cổ phần trong những công ty này. Tuy nhiên, nhóm này vẫn phải chịu sự can thiệp thường xuyên thông qua nhiều biện pháp khác nhau.

 

Nếu họ được hậu thuẫn, các ngân hàng công sẽ cung cấp cho họ các khoản tín dụng với lãi suất thấp và các quan chức sẽ giúp họ loại bỏ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Can thiệp kiểu như trên phổ biến trong các lĩnh vực như năng lượng và internet.

 

Kiểu công ty thứ tư chính là các công ty do chính quyền địa phương đầu tư, thường thông qua vốn liên doanh thuộc sở hữu của chính quyền hoặc các quỹ đầu tư cá nhân. Những quỹ này thường hỗ trợ các DN theo đuổi công nghệ sạch hoặc thuê nhân công địa phương.

 

Những loại hình công ty này cùng với sự ảnh hưởng khác nhau của chính phủ có một vài điểm mạnh. Họ kiên nhẫn đầu tư và không chịu ảnh hưởng ngắn hạn của thị trường chứng khoán.

 

Họ giúp các chính phủ theo đuổi các mục tiêu dài hạn, chẳng hạn như việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch; xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống, đập, cảng và đường sắt mà TQ cần để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nó.

 

Nhưng áp dụng các mô hình DN với sự can thiệp của nhà nước đang khiến TQ trả giá rất đắt. Trước tiên là tham nhũng. Khi các công ty lớn trong nước có thể giao hợp đồng cho các công ty con của họ, hối lộ sẽ lây lan nhanh như cúm gia cầm.

 

Đôi khi các công ty có mối quan hệ tốt giành được hợp đồng, cắt lại lợi nhuận rồi giao công việc cho các nhà thầu phụ mà không giám sát tiêu chuẩn chất lượng. Vấn đề thứ hai là các công ty lớn được nhà nước bảo trợ sẽ lấn át các DN nhỏ. Họ nuốt vốn mà các công ty tư nhân chân chính có thể sử dụng hiệu quả hơn nhiều.

 

Họ cũng lừa đảo theo nhiều cách khác nhau, tận hưởng quyền tiếp cận đất đai và cấp giấy phép. Việc gia tăng của các quỹ liên chính phủ địa phương tạo ra nhiều cơ hội hơn cho việc lạm dụng vốn. Sự can thiệp ngày càng tăng của chính phủ vào mọi lĩnh vực từ mỏ than cho đến internet đã đẻ ra cụm từ “quốc tiến dân thoái”, nghĩa là “nhà nước tiến lên, DN tư nhân thụt lùi”.