20 năm qua, Báo Đầu tư luôn đồng hành cùng UBCK trong nỗ lực thúc đẩy TTCK phát triển ngày càng minh bạch. (Trong ảnh: Nguyên Chủ tịch UBCK Lê Văn Châu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Báo Đầu tư).

20 năm qua, Báo Đầu tư luôn đồng hành cùng UBCK trong nỗ lực thúc đẩy TTCK phát triển ngày càng minh bạch. (Trong ảnh: Nguyên Chủ tịch UBCK Lê Văn Châu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Báo Đầu tư).

Tự hào Việt Nam xây dựng thành công thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Ở cái tuổi 90 xưa nay hiếm, trong khi nhiều người đang vui thú điền viên, an hưởng tuổi già, nguyên Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Lê Văn Châu vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu và đưa ra tham luận góp sức xây thị trường chứng khoán (TTCK).

Ông chia sẻ rằng, với ông, điều quan trọng nhất là được sống và cống hiến hết mình cho việc phát triển TTCK Việt Nam. 

Được gặp ông trong một buổi chiều tháng 10/2016, vẫn với sự minh mẫn, trí tuệ, ông kể chi tiết về ngày đầu “gieo hạt và ươm mầm” cho TTCK Việt Nam, dù câu chuyện đã diễn ra  25 năm về trước.

Ông kể rằng, giai đoạn đó là khi Việt Nam đã nối lại quan hệ vay mượn với quốc tế, sau thời gian dài bị bao vây kinh tế. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, từng khoản tiền họ cho vay chỉ có mức độ, phụ thuộc vào từng giai đoạn và dự án. Trong khi đó, dù hệ thống ngân hàng trong nước đã hình thành 2 cấp là Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng cổ phần, một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được cấp phép…, nhưng vẫn không thể giải quyết đủ nhu cầu vốn.

Lúc đó, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cùng với Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư Đậu Ngọc Xuân, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư Đỗ Quốc Sam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế và ông Châu cùng ngồi lại để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Ý tưởng ban đầu là thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ. Thế nhưng vấn đề ở chỗ, phát hành cho ai, tiền thu về đưa vào đâu? Trước đó, các ngân hàng Việt Nam chỉ mua tín phiếu kho bạc ngắn ngày. Cuối cùng phải tính đến việc phát triển TTCK để đưa hàng vào đó mà bán. Bởi khi phát hành trái phiếu chính phủ, nếu các ngân hàng mua buộc phải có thị trường đấu giá thì giá cả mới được hình thành.

Do từng làm việc trong Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, lại tiếp cận vấn đề rất sớm từ những năm 1967-1968 và đặc biệt, được học tập và rèn luyện tại các nền kinh tế có TTCK phát triển như Hồng Kông, Singapore và sau giải phóng là Mỹ, nên ông Châu đề xuất xây dựng thị trường vốn, TTCK để huy động vốn cho đất nước và nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào thời điểm đó như nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Sau khi được chấp thuận của Bộ Chính trị về chủ trương, ông Châu cùng một số cán bộ bắt tay vào làm. Năm 1993-1994, Ngân hàng Nhà nước thành lập Ban Nghiên cứu thị trường vốn Việt Nam, còn Bộ Tài chính, Viện Kinh tế TP.HCM cũng có nhóm nghiên cứu để chuẩn bị cho đề án phát triển thị trường vốn. Sau đó, tất cả các nhóm được tập hợp lại, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để sẵn sàng phát triển thị trường.

Ngày 28/11/1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/CP về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, có ý nghĩa quyết định cho sự ra đời của TTCK sau đó hơn 3 năm.

Với kết luận của Bộ Chính trị về mô hình TTCK, UBCK bắt đầu triển khai công tác xây dựng thị trường. UBCK dự thảo Nghị định về chứng khoán và TTCK, trình Chính phủ ban hành vào năm 1998 với tên gọi là Nghị định số 48. Việc ban hành Nghị định thay cho luật hay pháp lệnh nhằm bảo đảm tính linh hoạt cho khung pháp lý trong giai đoạn đầu của thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ còn quyết định thành lập 2 trung tâm GDCK tại TP. HCM và Hà Nội, với tôn chỉ trong giai đoạn đầu chỉ nên thành lập trung tâm đơn giản, sau đó nâng cấp thành Sở GDCK. Trong thời gian này, Sở GDCK Hàn Quốc đã hỗ trợ rất tích cực cho UBCK trong việc tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng cơ sở pháp lý.

Tự hào Việt Nam xây dựng thành công thị trường chứng khoán ảnh 1

 Ông Lê Văn Châu

TTCK ra đời sau quá trình gian nan và đầy áp lực, mà như ông chia sẻ, đó là “một quá trình chuyển biến từ nhận thức thành chiến lược phát triển thị trường vốn”. Ông có thể nói rõ hơn về điều này không, thưa ông?

Sự ra đời của thị trường dựa trên yếu tố quan trọng đầu tiên là quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Nếu không có sự thúc đẩy đó thì không thể làm được, hoặc phải rất lâu mới có thể thành lập TTCK tại Việt Nam.

Thứ hai, các cơ quan Chính phủ giao nhiệm vụ và đặc biệt là UBCK khi thành lập cũng đã nắm bắt được nhiệm vụ quan trọng, tổ chức ngay bộ máy hoạt động. Chúng tôi đã hình thành 12 vụ, cục để lo từng công việc cho thị trường.

Do đó, chỉ trong gần 2 năm, tất cả các mặt về tổ chức, cán bộ, luật lệ… đã hình thành. Lập các tổ chức trung gian thì không có vốn nên phải dựa vào ngân hàng, đồng thời cho phép thành lập thêm một vài công ty, trong đó có công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Kế đến là sự tin tưởng của các doanh nghiệp. Với số lượng cả nghìn doanh nghiệp niêm yết cho tới thời điểm này, có thể khẳng định rằng, TTCK Việt Nam cơ bản đã hình thành một thị trường huy động vốn chuyên nghiệp, có nhiều đóng góp cho sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế thời gian qua.

Ông nói về sự tin tưởng của doanh nghiệp, nhưng thực tế, UBCK và Sở GDCK TP.HCM được thành lập từ lâu, nhưng tại sao vài năm sau các doanh nghiệp mới chính thức lên sàn, thưa ông?

Cần hiểu rõ việc thành lập thị trường là một chặng đường dài. Sau khi hoàn tất về tổ chức quản lý, cán bộ, luật lệ và khung pháp lý cho thị trường, chúng tôi mới bắt đầu chuẩn bị hàng cho thị trường. Gần 200 cán bộ được điều chuyển về Ủy ban và các sở để đào tạo, sau đó đi hết các tỉnh thành vận động doanh nghiệp lên sàn. Ban đầu, có khoảng 15 doanh nghiệp dự tính lên sàn, nhưng khi thị trường mở cửa thì chỉ còn 2 công ty là REE và SAM.

Mặc dù các doanh nghiệp đều ủng hộ, nhưng chưa niêm yết là bởi họ thực sự chưa hiểu TTCK là gì, cũng như chưa quen với những yêu cầu mới khi phải niêm yết. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề, mà điều quan trọng là liệu mình có tiếp tục nỗ lực thuyết phục không và bằng cách nào? Do đó, tôi đã yêu cầu anh em đi tận nơi, tìm hiểu thật kỹ và cặn kẽ phân tích cho doanh nghiệp hiểu.

Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nhận ra lợi ích của việc niêm yết và rồi số lượng doanh nghiệp niêm yết dần tăng lên, từ 2 thành viên ban đầu lên 50 thành viên năm trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo là 100, 200 rồi 500 doanh nghiệp và đến nay đã đạt hơn 1.000 doanh nghiệp trên cả 3 sàn là HOSE, HNX và UPCoM.

So với lúc mới thành lập, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu đã đạt được của thị trường hiện tại?

Nhìn lại quá trình 20 năm qua, tôi tự hào là chúng ta đã có một TTCK tương đối đầy đủ và cơ bản như hiện nay, có đóng góp không nhỏ trong quá trình huy động vốn cho sự phát triển của nền kinh tế thông qua việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Về chức năng huy động vốn, có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt việc niêm yết để tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ như VNM, FPT, VIC, REE, HPG… Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, cũng có doanh nghiệp gặp khó khăn do vốn dĩ việc kinh doanh của họ là chưa tốt, chỉ “mông má cho đẹp” để phát hành cổ phiếu, song đây chỉ là số ít. Nhìn chung, vai trò kênh dẫn vốn của TTCK đã được thể hiện một cách tích cực thông qua vốn hóa thị trường hiện chiếm khoảng gần 40% GDP, trong khi việc huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng là một trong những nguồn quan trọng trong đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và địa phương.

Về phía nhà đầu tư, nhìn chung, cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có một môi trường tốt, có thể mang lại nhiều giá trị lợi ích. Sau 16 năm kể từ khi TTCK chính thức được thành lập, các nhà đầu tư đã có nền tảng kiến thức vững vàng hơn rất nhiều và có đóng góp không nhỏ trong sự thành công của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Đây chính là điều cần thiết cho một TTCK chuyên nghiệp.

Vậy còn mặt chưa được thì sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, sau 20 năm, những chức năng cốt lõi của TTCK là tạo “chợ” mua bán, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản, tạo kênh huy động vốn và tăng tính minh bạch về cơ bản là đã đạt được. Ngoài ra, còn nhiều tính năng và sản phẩm mới được ra đời, như chứng khoán phái sinh, T+0…

Tất nhiên, chưa thể nói là TTCK Việt Nam đã thực sự chuyên nghiệp, mà chỉ đang đi những bước đầu tiên. Để có được một thị trường chuyên nghiệp, hiện đại như TTCK Mỹ, Singapore, Hồng Kông…, chứng khoán Việt Nam cần rất nhiều năm nữa mới đạt được.

Điều quan trọng nhất là hiện nay, TTCK đã thể hiện được vai trò là một kênh dẫn vốn, bên cạnh hệ thống ngân hàng và sắp tới sẽ còn quan trọng hơn nữa khi hệ thống ngân hàng sẽ chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Do đó, muốn tạo nguồn vốn trung và dài hạn thì phải phát triển thị trường vốn. Đây vừa là mục tiêu, vừa là cơ hội để thúc đẩy TTCK phát triển hơn nữa, thể hiện rõ hơn vai trò là hàn thử biểu, là kênh dẫn vốn trực tiếp của nền kinh tế.

Vậy ông kỳ vọng bao giờ chúng ta sẽ có bước nhảy vọt như các TTCK nêu trên?

Việc này đòi hỏi cả một quá trình phát triển và thực hiện được rất nhiều việc, từ chất lượng hàng hóa đến tính minh bạch thông tin trên thị trường. Nếu cùng một lúc đạt hết các tiêu chí đó thì tuyệt vời, nhưng theo tôi, điều này là không thể. Bởi trong quá trình phát triển luôn có những biến cố, cho nên thị trường cần thời gian để tích lũy, để trải nghiệm, để sửa chữa, bổ sung rồi mới vận hành ổn định được.

Thời gian vừa qua, Chính phủ mới đã đặt trọng tâm vào việc phát triển TTCK, với mục tiêu đưa thị trường trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ lực của đất nước. Đây là điều tốt, cho thấy vai trò của TTCK đã được đánh giá cao hơn trong việc phát triển kinh tế đất nước. Tuy vậy, vẫn cần thời gian để kiểm chứng việc chúng ta thực hiện đến đâu và như thế nào.

Hiện tại, UBCK và các cơ quan quản lý đang nỗ lực thay đổi các chính sách và khung pháp lý cho TTCK như nới room, ban hành các sản phẩm mới, hay thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa và niêm yết trên sàn… Nếu thực hiện thật sự tốt những điều này, tôi tin rằng, mục tiêu đặt ra sẽ không quá khó để đạt được.

Tin bài liên quan