Ngành công nghiệp “vàng”
Rốt cục thì Nguyễn Hà Đông, “cha đẻ” game Flappy Bird đình đám đã quyết định gỡ xuống game Flappy Bird. Tuy vậy với những thông tin về doanh thu từ quảng cáo mà Flappy Bird mang lại lên tới 50.000 USD mỗi ngày hay công ty game của Hà Đông có giá xấp xỉ 600 triệu USD cũng đang đặt ra câu chuyện về một mỏ vàng khổng lồ nếu doanh nghiệp Việt Nam biết cách khai phá.
Việt Nam hiện là thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á và trở thành một trong 10 thị trường game online có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Theo các số liệu thống kê của Deutsche Welle, Việt Nam có hơn 13 triệu game thủ và ngành công nghiệp giải trí này đang phát triển nhanh chóng. Đây cũng là thị trường game trực tuyến lớn nhất (tính theo giá trị) ở Đông Nam Á, với doanh thu khoảng 200 triệu USD trong năm 2012, so với mức 150 triệu USD của năm 2011, hay 120 triệu USD hồi năm 2009.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hết năm 2013, công nghiệp nội dung số của Việt Nam (bao gồm cả game) đạt mức tăng trưởng 6%, doanh thu hơn 1,2 tỷ USD và còn tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.
Ngoài doanh thu trực tiếp từ game online, doanh thu gián tiếp từ thị trường này cũng lên đến 20.000 tỷ đồng. Game online cũng thu hút sự tham gia của khoảng 40 công ty phát hành game, giải quyết việc làm cho hơn 7.500 người.
Ai đang “cầm cơ” thị trường game Việt?
Có tiềm năng và tốc độ phát triển mạnh nhưng thị trường game Việt đang mang tới hơn 70% doanh thu về cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các game của doanh nghiệp Việt tự sản xuất, chủ yếu là các trò chơi đơn giản trên mạng xã hội, game mobile đơn giản hay game đánh bài mà chưa có nhiều sự đột phá. Thực tế này đã khiến cho các game đến từ Trung Quốc hay Hàn Quốc lên ngôi. Nói cách khác, các game thủ Việt đang chơi các trò chơi của những nhà phát hành game Trung Quốc, Hàn Quốc.
Sự tràn ngập của game đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc trên thị trường đã khiến game thủ Việt phải chơi theo trào lưu của các game thủ nước ngoài và dần mất đi quyền được lựa chọn game theo sở thích.
Không những vậy, các game Việt còn bị cạnh tranh khốc liệt từ game lậu (online và offline), các trò chơi trực tuyến bất hợp pháp có thu phí. Ngoài ra, sự ảnh hưởng từ chính sách dừng cấp phép các trò chơi trực tuyến từ cuối 2010 đến cuối 2013 cũng tác động không nhỏ tới nguồn thu của các công ty game Việt.
Cơ hội của game Việt
Sau hiện tượng Flappy Bird, những quan niệm game là thứ gây hại cho xã hội đã có những thay đổi. Các nhà sản xuất game cũng cho rằng, việc Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ, động viên cha đẻ game Flappy Bird Nguyễn Hà Đông là sự động viên quý hơn vàng cho ngành công nghiệp sản xuất game Việt.
Ông Phạm Công Hoàng, Phó tổng giám đốc FPT Online nhận xét, năm 2014 sẽ là năm đầu tiên thể hiện sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường game online sau khi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet với thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1/9/2013. Các doanh nghiệp đã có một hành lang rõ ràng hơn để tạo dựng niềm tin và đẩy mạnh đầu tư. Bên cạnh những công ty game đang có trên thị trường, dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều gương mặt mới. Đây sẽ là nhân tố tạo ra sự bất ngờ của thị trường game trong năm 2014.
Ông Ngô Tuấn Kiệt, Giám đốc điều hành VGG cho hay, sự phát triển thần tốc của mảng game mobile với sự tiện dụng và đánh đúng thị hiếu của khách hàng trẻ sẽ là mảnh đất màu mỡ mà hiện tại chưa đơn vị nào có ưu thế tuyệt đối.
Với sự gia tăng đến chóng mặt của số lượng smart phone, game trên di động cũng sẽ tăng trưởng mạnh với dự kiến chiếm tối thiểu 20% tổng doanh thu thị trường game trong năm 2014.
Dự kiến doanh thu ngành game năm 2014 sẽ là 12.000 tỷ đồng và tăng trưởng chính nằm ở phân khúc game trên di động. Với những động thái cởi mở hơn về chính sách cùng với cú huých và hiệu ứng từ hiện tượng game Flappy Bird, hy vọng năm 2014 sẽ là mở ra một trang mới cho ngành công nghiệp game Việt.