Trung thực với rủi ro
Sau 14 năm xây dựng TTCK, ngành chứng khoán đang nỗ lực thực hiện 3 mảng việc quan trọng, là phát triển các sản phẩm mới, xây dựng TTCK phái sinh và nâng hạng TTCK Việt Nam từ mức thị trường cận biên lên mức thị trường mới nổi.
Các mảng việc này nhằm mục đích mở rộng không gian đầu tư cho TTCK Việt Nam, tăng sức hấp dẫn các dòng vốn, tăng tính hiệu quả, hữu dụng của TTCK trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, kèm theo việc mở rộng không gian cho TTCK, quy chuẩn pháp lý đã và sẽ đưa ra những khái niệm mới, buộc các chủ thể tham gia phải minh bạch và minh bạch hơn nữa, giúp nhà đầu tư hiểu và nhận thức rõ các rủi ro tiềm tàng khi tham gia thị trường ở bậc cao hơn.
Ông Nguyễn Sơn cho biết, TTCK phái sinh ra đời sẽ cởi nút thắt cho các tổ chức tài chính, DN và nhà đầu tư muốn giao dịch chứng khoán phái sinh để phòng vệ rủi ro hay sinh lợi.
Trong quá khứ, CTCK VNDirect và Công ty Vàng Thế giới đã triển khai một số sản phẩm tương đồng với hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn, nhưng do chưa có cơ sở pháp lý quản lý hoạt động này, nên các sản phẩm của 2 tổ chức trên đã bị nhà quản lý buộc phải dừng triển khai.
Mở thêm không gian hoạt động mới trên TTCK, theo ông Sơn, phải đi kèm với cơ chế bảo vệ nhà đầu tư chặt chẽ hơn. Với TTCK phái sinh, ông Sơn cho biết, khung pháp lý đang xây dựng dự kiến buộc các CTCK trước khi ký hợp đồng phải cung cấp cho nhà đầu tư sự hiểu biết nhất định về chứng khoán phái sinh, cung cấp bản khuyến cáo và cảnh báo rủi ro với họ. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với giao dịch trên thị trường cơ sở, nhằm giúp nhà đầu tư nhận thức rõ các rủi ro tiềm tàng trước khi tham gia.
Phải đến năm 2016, TTCK phái sinh mới vận hành, nhưng quan điểm minh bạch với rủi ro đã bắt đầu xuất hiện trên TTCK khi quan sát sản phẩm quỹ ETF đầu tiên, dự kiến xuất hiện trên TTCK Việt Nam vào tháng 9 tới.
Bản cáo bạch chào bán quỹ hoán đổi danh mục - ETF dài gần 70 trang. Ngay trang đầu tiên, Công ty Quản lý quỹ VFM đã viết: "Nhà đầu tư nên hiểu và đồng ý rằng, giá trị chứng chỉ quỹ và thu nhập (nếu có) từ việc đầu tư vào quỹ có thể tăng lên hay giảm xuống. Việc đầu tư vào quỹ không hàm ý đảm bảo khả năng sinh lời cho nhà đầu tư, nhà đầu tư cần xem xét kỹ các yếu tố rủi ro trong việc đầu tư".
Không chỉ vậy, Bản cáo bạch viết rõ: “Đầu tư vào quỹ là đầu tư vào TTCK. Các nhà đầu tư không nên kỳ vọng thu được các khoản thu nhập trong ngắn hạn từ hoạt động đầu tư này".
Theo đó, Quỹ ETF chỉ ra 13 loại rủi ro người mua ETF phải gánh chịu, trong đó có rủi ro vĩ mô, rủi ro thị trường, rủi ro pháp lý, rủi ro đặc thù của Quỹ (rủi ro quản lý danh mục mô phỏng; rủi ro đầu tư tập trung; rủi ro thanh khoản; rủi ro mất khả năng thanh toán của đối tác...).
Việc vận hành và công bố thông tin của ETF tuân thủ quy định tại Thông tư 229/2012/TT-BTC, đang tạo nên sự bất ngờ thú vị với các thành viên thị trường, khi bản chào bán Quỹ ETF không có một dòng hứa hẹn lợi tức, giá cả hay sự tăng trưởng, mà thuần túy chỉ thông tin minh bạch, kèm theo lời khuyến cáo, cảnh báo rủi ro với người mua.
Từ ETF, soi lại cách minh bạch của DN
So với mức độ minh bạch của một bản chào bán chứng khoán ra công chúng thông thường, bản chào bán quỹ ETF có rất nhiều điểm khác biệt.
DN khi chào bán chứng khoán, luôn cố gắng làm cho hình ảnh DN mình đẹp hơn, với những con số dự báo trong tương lai đẹp đẽ.
Nhiều DN gây sự hấp dẫn bằng việc công bố tỷ lệ cổ tức cụ thể rất cao hàng năm, lợi nhuận khả quan và kế hoạch chia thưởng, nhưng nếu không thực thi được, cổ đông cũng không biết làm thế nào.
Một khoảng thiếu minh bạch khác mà DN thường mắc là công bố danh mục các dự án đang thực hiện. Dự án thì nhiều, rất hoành tráng, nhưng DN không nói rõ mình tham gia phân khúc nào của dự án, rủi ro là gì, hiệu quả dự kiến ra sao....
TTCK đã chứng kiến không ít trường hợp, DN vẽ dự án, thổi phồng kỳ vọng, huy động vốn của nhà đầu tư với những lời hứa hẹn hấp dẫn, nhưng sau đó mọi kế hoạch bị trôi vào quên lãng.
Chính sự trục lợi trên kỳ vọng kiểu này đã làm xói mòn niềm tin đích thực của nhà đầu tư, góp phần không nhỏ tạo thói quen đầu tư lướt sóng trên thị trường.
Với việc khuyến cáo, công bố rủi ro rõ ràng như trên, sản phẩm ETF đầu tiên có huy động được vốn của nhà đầu tư đại chúng hay không, đang là câu hỏi ngỏ.
Ngày 20/8/2014 là ngày cuối cùng nộp tiền mua chứng chỉ quỹ, nhưng khả năng nhà đầu tư cá nhân tham gia là rất ít, chủ yếu sẽ là sự tham gia của các công ty chứng khoán.
Sản phẩm quá mới và lời mời chào đưa ra rất thận trọng là hai lý do căn bản khiến ETF nội khó thu hút dòng tiền nhà đầu tư ngay trong đợt đầu chào bán. Tuy nhiên, điểm hay của sản phẩm là gợi lên một cách kinh doanh mới, minh bạch đàng hoàng, để nhà đầu tư tự quyết định, chứ không úp mở hay hào nhoáng quá đà như nhiều DN đại chúng muốn huy động vốn đã và đang làm để hấp dẫn vốn, rồi sau đó ra sao thì ra.
Kết quả chấm điểm quản trị công ty tại 6 nước trong khu vực ASEAN công bố mới đây cho thấy, DN niêm yết Việt Nam đứng hàng đội sổ và chưa đạt đến mức điểm trung bình.
Cùng với nỗ lực xây dựng sản phẩm mới, thị trường mới, với quy chuẩn minh bạch cao hơn, công tác giám sát sự minh bạch của DN niêm yết, tạo hành lang pháp lý buộc DN trung thực với rủi ro, có trách nhiệm với những phát ngôn của mình, là điểm nhà quản lý cần tiếp tục thúc đẩy để tạo niềm tin từ gốc DN.