Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những quan điểm chỉ đạo rất rõ ràng. Bây giờ là lúc bắt đầu phải bàn tới việc thực thi, thưa ông?
Tôi đặc biệt quan tâm đến việc triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW và đưa nghị quyết này vào cuộc sống. Đó mới là điều quan trọng nhất, nhằm tạo ra những động lực mới và tạo tiềm năng cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm đầu tiên cần phải làm vẫn là thể chế. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, đầu tiên phải nói đến thể chế về dữ liệu. Dữ liệu là một loại tài sản, phải có thể chế đảm bảo cho dữ liệu được thu thập, được truyền tải, được sử dụng, được quản lý phục vụ cho phát triển. Bên cạnh đó, cũng phải bảo vệ được quyền riêng tư của người dân.
Điểm thứ hai là thể chế đó phải rất linh hoạt để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và thúc đẩy phát triển loại hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới, ngành nghề kinh doanh mới, sản phẩm mới. Sẽ có những mô hình kinh doanh chúng ta chưa lường hết được, có thể áp dụng mô hình thí điểm trong việc quản lý nhà nước, từ đó, những mô hình kinh doanh mới, cách thức quản lý mới và sản phẩm mới được xuất hiện.
Điểm thứ ba cũng rất quan trọng, đó là nền tảng của hạ tầng, đặc biệt là công nghệ thông tin để kết nối và cho dữ liệu vận chuyển, vận hành và chia sẻ được giữa các bên có liên quan trong xã hội.
Tôi cho rằng, những yếu tố đó mang tính chất nền tảng để chúng ta có thể tận dụng được những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từ khi nó xuất hiện.
Thêm nữa, bản chất của cuộc cách mạng này là tạo ra sự dịch chuyển số hóa trong toàn bộ xã hội, doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Số hóa doanh nghiệp là công việc cần tập trung nhiều hơn, cũng là lĩnh vực Nhà nước có thể hỗ trợ chuyển đổi số, đồng thời tạo ra cơ hội mới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra những ngành nghề mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới... Đó chính là cơ hội cho Việt Nam bứt phá.
Tất cả những công việc phải làm trên chắc hẳn sẽ phải thực hiện rất nhanh, quyết liệt?
Trong cuộc cách mạng này, đơn vị đo lường là tốc độ, bởi sự thay đổi rất nhanh. Vì vậy, thể chế, chính sách cũng phải thay đổi rất nhanh, đúng hơn là phải thực sự linh hoạt, tiến kịp cùng với sự thay đổi của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.
Trong bối cảnh này, tư duy sẽ quyết định tốc độ. Nếu dùng tư duy quản lý nhà nước theo kiểu phải làm theo quy định, áp đặt tư duy cũ thì sẽ không có tốc độ nào thay đổi cả, thậm chí triệt tiêu sáng tạo, đổi mới. Vì sẽ có những thứ chưa có quy định, chưa thể gọi tên, nên cần tư duy mới để tiếp cận.
Cách tiếp cận ở đây cần đi cùng với các doanh nghiệp, đi cùng với các nhà đầu tư, từ đó tạo ra đối tác trong việc giải quyết các vấn đề phát triển.
Nghị quyết 52-NQ/TW có đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm...
Những nghiên cứu, đánh giá gần đây của chúng tôi cho thấy, nếu áp dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi một số ngành hiện hành, đặc biệt trong những ngành đang chiếm tỷ trọng lớn trong GDP như chế biến, chế tạo, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thì có thể làm GDP tăng từ 6% đến 16% vào năm 2020 và tạo ra khoảng 3,1 triệu việc làm mới.
Sự thay đổi này thúc đẩy rất lớn đối với chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự thay đổi về cách thức tăng trưởng.
Nhưng Việt Nam thay đổi thì thế giới cũng thay đổi. Trong cuộc đua này, ông nghĩ thế nào về cơ hội thắng của chúng ta?
Đây là nói đến chuyện chúng ta làm tăng GDP của chúng ta, tăng thêm việc làm cho người dân.
Tất nhiên, thế giới thay đổi sẽ kéo theo yêu cầu, nhu cầu thay đổi, từ đó thúc đẩy sự phát triển. Chính sự phát triển này tạo ra các cơ hội phát triển mới.
Tôi cho rằng, trong cuộc đua này, mọi người cùng thắng, vì thay đổi là yêu cầu tất yếu.