Những tiêu chuẩn không rõ ràng, gây nhầm lẫn giữa nước mắm sản xuất theo phương pháp công nghiệp và nước mắm theo phương pháp truyền thống khiến doanh nghiệp không thể an tâm ngay cả khi được cơ quan quản lý nhà nước giải thích đây là các khuyến nghị, không bắt buộc phải áp dụng. Họ lo bị triệt tiêu bởi hệ lụy của tư duy không rõ ràng sẽ là những phương thức quản lý, cơ chế chính sách không rõ ràng…
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải chỉ đạo, yêu cầu các quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đang bất an với các quy định, các đề xuất chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.
Suốt hai năm trời, kể từ năm 2016, khi Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được Bộ Giao thông - Vận tải bắt tay sửa đổi, Grab và taxi vẫn sống trong tâm trạng chờ đợi.
Rất nhiều cuộc họp, đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, các chuyên gia nghiên cứu được tổ chức, nhưng đến giờ, mọi việc vẫn đang treo.
Grab không biết có bị các cơ quan quản lý gò vào khung khổ hiện có của các loại hình taxi truyền thống không, có bị tước đi những ưu thế của thời đại kinh tế số hay không. Taxi truyền thống không biết có được tháo bớt những điều kiện đang gây bất bình đẳng so với những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tương đồng hay không…
Đáng nói là không phải chỉ có các doanh nghiệp nước mắm truyền thống, các doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ rơi vào tình thế bấp bênh, không rõ ràng về cơ chế, chính sách này. Những đợt rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đều cho thấy những cách thức quản lý không hợp lý, thậm chí đi ngược lại xu thế phát triển của thị trường, của công nghệ… Trong bối cảnh này, rất khó cho doanh nghiệp tính bài toán dài hơi.
Phải nhắc lại phương châm hành động của Chính phủ năm 2019, đó là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Các doanh nghiệp, các động lực tăng trưởng sẽ không thể bứt phá nếu luôn phải đối mặt với rủi ro chính sách, với những lấn cấn với các bài toán cũ về cơ chế quản lý nhà nước.
Thể chế không thể bứt phá nếu tư duy chính sách, tư duy quản lý không theo kịp với yêu cầu của thời đại, của nền kinh tế số, của cuộc cách mạng 4.0.
Môi trường kinh doanh không thể thuận lợi, minh bạch nếu chỉ cắt giảm những điều kiện, thủ tục hiện có, mà không tạo nên những thiết chế mới phù hợp với mô hình kinh doanh mới, không gắn kết với đòi hỏi thực tiễn của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Một lần nữa, những đòi hỏi về đổi mới tư duy mạnh mẽ, triệt để càng trở nên cấp bách…