Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Thưa ông, cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) lần đầu tiên được nhắc tới trong Quyết định 999/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đây có thể xem là thông điệp rất rõ ràng của Chính phủ trong việc ủng hộ các mô hình kinh doanh mới và cơ hội đang thực sự rộng mở với các doanh nghiệp?
Chính phủ không chỉ ủng hộ, mà còn có chỉ đạo rất rõ về yêu cầu thích ứng với xu thế phát triển mới. Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ xác định rõ quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện cơ chế sandbox là một trong các công việc phải làm.
Nhưng đi cùng với đó, Đề án cũng ghi rõ yêu cầu nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ....
Tôi cho rằng, cơ hội thành công của cơ chế sandbox ở Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không có sự thay đổi thực sự, thì cơ chế thử nghiệm sẽ không tạo nên động lực mới cho nền kinh tế, không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo thực sự.
Sandbox có thể là khái niệm mới, nhưng nếu nhìn vào các chính sách thí điểm của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, như thí điểm với taxi công nghệ, dường như vẫn có sự ngần ngại nào đó trong việc chấp nhận sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới?
Vấn đề ở đây là tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tư duy theo hướng phải kiểm soát, mục tiêu là doanh nghiệp làm gì, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải biết, thì cách thức quản lý nhà nước sẽ dày đặc các điều kiện kinh doanh, hệ thống thanh tra, kiểm tra.
Trong khi đó, các mô hình kinh doanh mới không có tiền lệ, thậm chí vượt qua cả sự hình dung của chúng ta. Nếu vẫn áp tư duy quản lý nhà nước như hiện tại cho các mô hình này, thì không có dư địa cho cái mới, ý tưởng kinh doanh mới.
Đây là lý do cơ chế sandbox xuất hiện, giúp các nhà hoạch định chính sách cùng với các doanh nghiệp, các start-up thử nghiệm mô hình mới, tìm kiếm cách thức hoạt động, quản lý phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, của người dân và Nhà nước.
Điểm thú vị là ở các nước cũng đang diễn ra tình trạng tương tự với các mô hình kinh doanh mới. Nghĩa là Việt Nam đang ở điểm xuất phát cùng với thế giới trong cơ hội tiếp cận các mô hình kinh doanh mới.
Nhưng, cũng chính lúc này, cơ hội sẽ đến với những nền kinh tế có thể chế sáng tạo, thể chế linh hoạt, thể chế khuyến khích và hậu thuẫn cho tư duy mới, cách làm mới.
Thể chế này không phải là làm theo quy định. Không thể là Nhà nước biết đến đâu cho dân làm đến đó. Không thể là kiểm tra, kiểm soát để các doanh nghiệp chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép, mà mở ra một thể chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp làm cách khác, làm ra sản phẩm khác, dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của xã hội.
Với quan điểm này, công ty trong ngành bưu chính - viễn thông hoàn toàn có thể cung cấp các dịch vụ thanh toán mà lâu nay chỉ ngân hàng mới làm. Hay những doanh nghiệp, đơn vị không phải là ngân hàng nhưng sẽ đi huy động vốn. Nếu không tiếp cận như trên, thì các doanh nghiệp này sẽ vi phạm pháp luật, sẽ bị thổi còi.
Các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về những rủi ro pháp lý khi họ không áp được ý tưởng kinh doanh mới vào hệ thống quy định hiện hành…
Đây là thực tế. Các mô hình mới rất dễ bị quy vào làm sai khi soi vào các khung khổ hiện tại. Nhưng việc thay đổi như mong muốn của Đề án Thúc đẩy kinh tế chia sẻ không dễ.
Chỉ đơn giản như việc công an giao thông đề nghị đeo mào cho taxi công nghệ trong nhiều cuộc thảo luận về cơ chế quản lý mô hình này cho thấy, tư duy quản lý theo kiểu bắt lỗi, thay vì hỗ trợ đang phổ biến thế nào.
Với tư duy này, việc thiết kế cơ chế, chính sách sẽ theo hướng thuận lợi nhất cho việc kiểm tra, kiểm soát, bắt lỗi doanh nghiệp vi phạm. Thậm chí, càng nhiều quy định rắc rối, khó khăn cho doanh nghiệp càng tốt.
Trong khi đó, trong kinh tế thị trường, quản lý nhà nước phải theo nguyên tắc rủi ro, chỉ tập trung vào một số đối tượng có rủi ro cao. Với nguyên tắc này, kiểm tra, thanh tra không phải để bắt lỗi mà là hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ. Nguyên tắc thiết kế, xây dựng cơ chế, chính sách cũng theo hướng dễ tuân thủ, chi phí thấp.
Chìa khóa để doanh nghiệp đi nhanh hay chậm, thành công hay không trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là thể chế, hay cụ thể hơn là tư duy quản lý nhà nước có thay đổi thực sự theo xu thế hay không, thưa ông?
Doanh nghiệp Việt Nam có thể không thuộc nhóm đi đầu trong công nghệ, mà phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong nhóm đi theo, nhận, áp dụng công nghệ.
Nhưng chúng ta cần doanh nghiệp tin vào cơ hội lớn lên từ đổi mới, sáng tạo, tin là được hậu thuẫn bởi cơ chế, chính sách với các ý tưởng, sáng tạo mới. Chỉ khi thực sự có niềm tin, doanh nghiệp mới sẵn sàng đầu tư cho đổi mới, sáng tạo, cho các mô hình kinh doanh phi truyền thống, không có tiền lệ...
Để làm được, thể chế, nghĩa là Nhà nước phải thay đổi trước. Nếu còn cơ chế xin - cho, còn thanh, kiểm tra để bắt lỗi, thì doanh nghiệp sẽ không đổi mới, sáng tạo hoặc dịch chuyển đến địa điểm khác để thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh mới.