Để tồn tại và phát triển trong môi trường này, yêu cầu đầu tiên đối với các DN là phải đẩy mạnh tự động hóa, liên tục đổi mới, sáng tạo.
Thế giới không chờ chúng ta
DN Việt Nam đang ở đâu trong quá trình chuyển dịch số là vấn đề được nhiều thành viên thị trường quan tâm tại Diễn đàn Kinh tế số do Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức.
Đưa ra cái nhìn thực trạng về nền kinh tế số tại Việt Nam, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư công nghệ, Quỹ VinaCapital cho rằng, Việt Nam đang có nguy cơ đi thụt lùi trong nền kinh tế số. Bởi vậy, các DN vừa và nhỏ nội địa đang cần sự giúp đỡ để bắt nhịp vào nền kinh tế số, từ đó có đóng góp cho sự phát triển quốc gia.
Thực tế, trên toàn cầu, nền kinh tế số đang thay đổi sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, có thể kể đến các tên tuổi lớn mạnh nhờ công nghệ như Facebook, Tencent, Netflix, Uber, Amazon, Alibaba…
Nhiều DN khởi nghiệp đã bứt phá, vươn lên nhờ ứng dụng công nghệ như Tesla trong sản xuất ô tô, SpaceX trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, AWS, Google Cloud chiếm ưu thế trong lĩnh vực công nghiệp truyền thông, hạ tầng tin học. Các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Thế giới không chờ đợi chúng ta”- Giám đốc đổi mới sáng tạo Ngân hàng Société Générale, ông Aymeri Hoang khẳng định và cho biết thêm, điều này buộc các DN phải liên tục đổi mới, không ngừng học hỏi, sáng tạo để vươn lên nếu không muốn bị đứng ngoài cuộc đua của nền kinh tế số.
Cụ thể, DN cần coi kinh tế số là động lực tăng trưởng, bởi nó không những giúp DN giảm chi phí, tìm ra các sản phẩm mới, mô hình kinh tế hiệu quả hơn, mà còn giúp DN Việt nhanh chóng hiện diện trên toàn cầu.
“Nếu chỉ tập trung vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản phẩm là chưa đủ. DN cần phải đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, có những bước tiến vững mạnh trong thời đại kinh tế số. Trong tương lai có rất nhiều thay đổi mà bản thân DN không thể biết trước, nên cần phải học hỏi để kịp thích nghi”, ông Aymeri Hoang cho biết.
Mọi lĩnh vực phải tự động hóa
Muốn phát triển kinh tế số tại Việt Nam cần phải tự động hóa trong mọi lĩnh vực, kể cả khu vực DN, Nhà nước và người tiêu dùng để tạo kết nối nhanh, miễn phí, ông Thân Trọng Phúc kiến nghị. Cùng với đó, cần có chính sách để các công ty trong nước hợp tác bằng công nghệ, chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp Fintech đang tiến hành tự động hóa lĩnh vực tài chính. Đồng thời, Chính phủ cần có chủ trương đầu tư, giảm thuế nhằm hỗ trợ các công ty phát triển từ kinh tế số.
Đây cũng là vấn đề được các diễn giả đến từ Pháp đặc biệt lưu tâm khi chia sẻ với các DN Việt Nam. Ông Aymeri Hoang nhấn mạnh, DN muốn đi nhanh, đi trước cần cố gắng số hóa tất cả các quy trình và không phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào khi tham gia phát triển trong nền kinh tế số. Tại Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc…, các DN đã và đang thực hiện điều này, giúp họ có thể liên tục tìm đối tác mới trong thế giới phẳng.
Bên cạnh đó, một yếu tố đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế số là việc sử dụng nguồn lực như thế nào cho hiệu quả. Ông Bertrand Hassani, Giám đốc về khoa học dữ liệu Công ty Capgemini Consulting cho rằng, cần giao quyền cho các nhân sự nếu muốn có những đổi mới, sáng tạo tại công ty. Kinh nghiệm điều hành của ông cho thấy, việc mạnh dạn giao việc cho nhân viên sẽ thúc đẩy các sáng kiến, nâng cao hiệu quả của công việc.
“Quá trình số hóa ngày càng phức tạp nhưng DN cần lưu ý, đổi mới sáng tạo bao gồm khai tử các yếu tố cũ, xây lại mô hình mới bởi tất cả các mô hình kinh doanh đều phải thay đổi khi xã hội thay đổi, nếu không DN khó có thể tồn tại”, vị giám đốc đến từ Pháp nhấn mạnh.
Hội nghị dự báo, trong tương lai, 100% giao dịch tài chính sẽ thực hiện qua online và 85% giao dịch mua bán hàng sẽ được thực hiện trực tuyến, có đến 65% con em sinh ra ở thời điểm hiện tại không làm những công việc mà bố mẹ chúng đang làm. Số hóa thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thay đổi công việc kinh doanh của DN. Bởi vậy, trong thế giới kinh tế số, DN cần mạnh dạn đổi mới và tham gia vào xu hướng công nghệ số.
Giai đoạn then chốt để bắt kịp làn sóng số hóa
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân
Tại Việt Nam, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải hay Facebook, Viber trong lĩnh vực thông tin truyền thông đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.
Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn với mô hình doanh nghiệp truyền thống. Với viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài để giúp DN Việt Nam đủ tính cạnh tranh khi nền kinh tế tham gia ngày càng bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây không chỉ là áp lực, thách thức hoặc cơ hội phát triển cho riêng DN hay một ngành nghề nào tại Việt Nam mà trên hết là bài toán chiến lược của Chính phủ, là giai đoạn then chốt đưa ra những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị cả về chiến lược, cũng như mạnh dạn dấn bước cho một sự chuyển đổi số cấp độ quốc gia.
Cần chiến lược đào tạo nhân lực bài bản
Ông Nguyễn Đức Khương, Giáo sư tài chính tại Đại học IPAG (Pháp) kiêm thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ
Cần có chiến lược chuyển đổi ngành nghề cho người lao động vì thế giới đang chuyển hướng sang những ngành công nghiệp thông minh hơn, sử dụng nhiều tri thức, có sự đầu tư lớn. Việc xác định xu hướng kinh tế số hóa của Việt Nam cần bao gồm chiến lược chuyển đổi người lao động sang những vị trí công việc mới với yêu cầu kỹ năng mới.
Hiện nay, các ngành nghề phải đối mặt với sự thay đổi về yêu cầu đối với người lao động, do đó, cần có nghiên cứu sâu về tác động của kinh tế số tới các lĩnh vực ra sao, 30 năm nữa thì chu trình công nghệ này thay đổi thế nào để có sự thích ứng. Điều này đặt ra bài toán phải tìm chiến lược đào tạo thường xuyên, gắn liền với chiến lược và động cơ tăng tưởng trong kinh tế số hóa.
Hiện tại, tốc độ phát triển kinh tế số hóa Việt Nam rất nhanh, xếp thứ 22 trong tổng số 60 nước có nền kinh tế số hóa phát triển trên thế giới. Theo đó, sự thay đổi cơ cấu ngành nghề, năng lực và chất lượng lực lượng lao động sẽ thay đổi rất nhanh. Để tạo nguồn lực nhân sự đáp ứng yêu cầu, đầu tiên cần cập nhật kiến thức cho sinh viên và nguồn lực lao động mới, sau đó đào tạo đội ngũ cán bộ trong ngành công nghiệp số hóa mà mình ưu tiên phát triển.
Khu vực DN và Nhà nước cần tự động hóa mạnh hơn
Ông Nguyễn Phúc Sinh, Giám đốc Công ty An Bình Food (Hải Dương)
Hiện nay, An Bình Food đã áp dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý và sản xuất sản phẩm nấm, rau sạch như canh tác thuỷ canh, khí canh, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, hơi nước, từ đó cung cấp dinh dưỡng, tăng năng suất gấp 2 lần so với trồng đất truyền thống. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp doanh nghiệp tận dụng được tối đa lợi thế và tối ưu hoá lợi nhuận.
Theo tôi, để bắt kịp xu hướng kinh tế số cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc khẩn trương kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Muốn phát triển kinh tế số tại Việt Nam, phải tiến hành tự động hoá nhiều lĩnh vực, từ đó giảm chi phí, tạo lập thị trường, giúp các sản phẩm công nghệ trong nước tiếp cận khách hàng. Thực tế, khu vực DN và Nhà nước cần tự động hoá mạnh hơn, bởi lực lượng người tiêu dùng đang tự động hóa với tốc độ nhanh chóng nhờ khả năng tiếp cận internet, đội ngũ dân số trẻ, ưa thích công nghệ.
Bên cạnh đó, cần chính sách hợp tác giữa các công ty trong nước bị ảnh hưởng nhiều của công nghệ như ngân hàng, tài chính, các công ty công nghệ cao, nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, Chính phủ cần có một số chính sách giảm thuế, đầu tư giúp các DN trong nước thống lĩnh thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài.