Sáng 21/11, Quốc hội bước vào phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) đề cập những con số có 1,1 triệu người thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản năm 2017 (chiếm hơn 98% số đối tượng phải phủ) nhưng việc xác minh bản kê chỉ thực hiện được với 78 người, phát hiện được 5 trường hợp vi phạm.
Theo đại biểu, chính số lượng người phải kê khai tài sản lớn như vậy gây khó khăn cho việc thẩm tra, xác minh, đảm bảo ý nghĩa phòng ngừa tham nhũng của biện pháp. Ông Bình cho rằng, sửa luật PCTN cần cần thu hẹp đối tượng phải kê khai tài sản để biện pháp này thực tế, có ý nghĩa hơn.
Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đề cập khía cạnh khác của việc kê khai tài sản. Đó là chỉ cơ quan quản lý cán bộ mới được tiếp cận bản kê khai.
Theo ông Thế, quy định như vậy không phù hợp vì một cơ quan như vậy phải quản lý bản kê của nhiều người, khó thẩm tra, lại thêm tâm lý cùng cơ quan đơn vị thì dễ bao che cho nhau. Ông Thế đề nghị giao cho cơ quan khác thực hiện việc giám sát này như HĐND cấp huyện, tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề cập thực trạng thu hồi tài sản trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng hiện rất khó khăn. Theo bà Thuỷ, đó là vì pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm với tài sản tham nhũng.
Bà Thuỷ phân tích, pháp luật hiện bỏ ngỏ, chưa xử lý được với tài sản của cán bộ công chức được kê khai không đúng. Cụ thể, nếu phát hiện vi phạm trong việc kê khai tài sản, cơ quan chức năng cũng chỉ có thể phạt, kỷ luật hành chính người đó chứ không thể thu hồi tài sản của họ. Việc đó muốn thực hiện được phải thông qua một vụ án hình sự, qua rất nhiều khâu và quá trình đó tài sản có thể đã bị tẩu tán hết.
Với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hình thành tình hình cũng tương tự. Nếu có, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở chế tài hành chính với chủ tài sản như sắp được bổ nhiệm thì thôi bổ nhiệm, bổ nhiệm rồi thì xem xét tiếp các hình thức kỷ luật chứ với khối tài sản không chứng minh được nguồn gốc hình thành cũng không thể làm gì.
Nghịch lý là độ ẩn của tội phạm tham nhũng rất cao, lắt léo, khó chứng minh mà quy trình xử lý hình sự phải tuân thủ theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Việc chứng minh tội phạm là nghĩa vụ của các cơ quan tư pháp.
Theo đại biểu, nếu không có quy định đặc biệt vượt lên luật pháp thông thường khác thì rất khó xử lý được vấn đề ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng. Đại biểu đề xuất một quy chế đặc biệt để xử lý sớm với tài sản “nghi” tham nhũng theo quy trình do toà án thực hiện, quyết định phong toả để chờ kết luận chứ không thực hiện qua con đường hành chính để đảm bảo tính khả thi, không vi phạm quyền tài sản – quyền hiến định của người dân.
Bà Thuỷ cũng dẫn nhiều thông tin để so sánh như quy định về việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc ở nhiều quốc gia hiện nay. Như Trung Quốc, dù không có luật riêng về PCTN nhưng việc xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc hình thành lại được nước này đưa vào Điều 395 Bộ luật Hình sự. Tài sản không chứng minh được, theo đó, được cho là tài sản bất hợp pháp và luật quy định rõ là phải tịch thu.
“Quy định như thế để buộc người tham nhũng không thể chiếm giữ được chút tài sản gì đã lấy cắp của người dân, xã hội. Cần thu đến cả đồng hồ, bút máy đắt tiền vì chỉ có tham nhũng mới dễ dàng vung tiền chi tiêu phung phí, tiêu xài xa hoa, tẩu tán dưới các hình thức để người thân, gia đình đứng tên.
Việc tịch thu cũng cần tính theo giá trị thực tế của tài sản. Ví dụ, dùng tiền tham nhũng mua ô tô 1 tỷ nhưng dùng mấy năm thì khi bị thu, giá trị tài sản chỉ được tính là 600-700 triệu đồng chứ không coi là đã thu được 1 tỷ đồng” – bà Thuỷ dẫn chứng.
Theo đại biểu, vấn đề này mới, không đơn giản để quy định nhưng là yêu cầu của người dân, xã hội. Và thực tế các nước đều phải tìm cơ chế riêng của mình để xử lý. Trung Quốc đã áp dụng tịch thu tài sản không chứng minh được từ 2011, Nga cũng thực hiện từ 2012. Nữ đại biểu khuyến cáo, vấn đề này, Việt Nam cần nên đặt ra, thảo luận thấu đáo.