Tự do kinh doanh thế nào để có thể an toàn, thưa ông?
Tự do kinh doanh luôn là tự do hữu hạn, tức là tự do trong khuôn khổ pháp luật. Vượt ngoài khuôn khổ pháp luật, đó không còn là quyền tự do của doanh nhân và có thể dẫn đến họ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO.
Tôi cho rằng, muốn hiểu được ranh giới của sự tự do, doanh nhân cần hiểu được đúng về bản chất của pháp luật.
Đừng hiểu pháp luật chỉ đơn thuần là những quy định pháp quy như Luật, thông tư... Trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, pháp luật cần phải được hiểu bao gồm cả ba vế: các quy định, cách thức quản lý của các cơ quan nhà nước và cách thức xử lý của các cơ quan tư pháp.
Nếu hiểu đúng và vận dụng đúng, doanh nhân có cơ hội tận dụng tối đa quyền tự do kinh doanh mà vẫn an toàn cho bản thân và cho doanh nghiệp của mình.
Đối với doanh nhân, mục tiêu kiếm được doanh thu, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, việc am hiểu pháp luật có thực sự cần thiết?
Người kinh doanh nhỏ lẻ có thể ít va vấp với pháp luật, nhưng một doanh nhân thực thụ thường không coi thường sự am hiểu pháp luật.
Đã từng có những bài học cho các doanh nhân về mối quan hệ giữa kinh doanh với pháp luật. Vài năm trước, báo chí từng đăng tải trường hợp thông tin về một nhóm doanh nhân trẻ triển khai ý tưởng kinh doanh thú vị - chợ hàng hóa công ten nơ.
Tuy nhiên, sự nghiệp kinh doanh đã bị đình lại ngay từ khâu khởi sự, chỉ bởi vì nhóm doanh nhân trẻ này chưa tiến hành thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.
Đó là một ví dụ điển hình cho sự cần thiết tối thiểu về việc thực thi quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật.
Cho đến hôm nay, có thể khẳng định rằng, doanh nhân tiến hành kinh doanh mà không chú trọng đến pháp luật thì đương nhiên đối mặt với nhiều rủi ro.
Công sức nhiều năm xây dựng doanh nghiệp có thể bị sụp đổ vì những sai phạm pháp luật như về thuế, về bảo hộ thương hiệu, về quản lý lao động, về quản lý rủi ro giao kết hợp đồng.
Mà điều quan trọng nhất, có những doanh nhân sau một thời gian dài mới thấy mình đã bỏ qua quá nhiều cơ hội kinh doanh bởi một thứ: không am hiểu để vận dụng tốt cơ hội từ pháp luật.
Tiêu chí nào để doanh nhân nhận thức rằng, họ hiểu biết pháp luật để thực thi quyền tự do kinh doanh?
Hãy chú ý đến hai vế còn lại của pháp luật, cách thức quản lý của các cơ quan nhà nước và cách thức xử lý của các cơ quan tư pháp. Phải nói rằng, so với những thị trường phát triển như tại châu Âu, Mỹ và một số nước phát triển tại châu Á, thì Việt Nam là thị trường mới nổi với nhiều cơ hội.
Cơ hội thường đến từ những lĩnh vực mà ở đó, pháp luật mới chỉ đơn thuần là những quy định nguyên tắc. Khoảng trống của cơ hội kinh doanh do thiếu vắng các quy tắc quản lý cụ thể từ cơ quan nhà nước sẽ kéo nhiều doanh nhân lao vào tự do kinh doanh.
Có những doanh nhân không màng rủi ro pháp lý, chỉ chú trọng đến cơ hội kinh doanh. Trong số họ, nhiều người tự xác định cho mình quyền được nhận định mọi vấn đề đúng sai pháp luật theo ý mình.
Có những vụ án, ra đến tòa án, nhận bản án đã tuyên, nhiều doanh nhân vẫn quyết liệt cho rằng họ đúng.
Tuy nhiên, có những doanh nhân thực thi quyền tự do kinh doanh một cách thận trọng. Họ cân nhắc đến các tình huống sai phạm, đến đặc thù của mội trường kinh doanh, đến hậu quả xấu nhất.
Họ tìm tòi giải pháp bằng năng lực của mình, bằng nguồn lực tham vấn cần thiết để đánh giá đúng mức khẩu vị rủi ro pháp lý trong cơ hội kinh doanh. Đa phần trong số họ đã tồn tại và phát triển được doanh nghiệp của mình.
Một tiêu chí nữa để nhìn nhận sự hiểu biết pháp luật của các doanh nhân chính là cách mà họ đối mặt với nguy cơ về một hậu quả pháp lý trong kinh doanh.
Có những doanh nhân khi kinh doanh bất tuân pháp luật, lách qua mọi giới hạn trong quản lý nhà nước, tận dụng mọi thực trạng xấu để tạo dựng cơ hội doanh thu.
Đến khi đối diện với công lý, thì họ lại đòi hỏi mình được xét xử theo những chuẩn mực công bằng pháp lý của những quốc gia tiên tiến nhất. Điều đó là cách hành xử ngược với những doanh nhân có bản lĩnh và có giải pháp linh hoạt trong quản lý rủi ro và đối diện với hậu quả.
Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nhân khi họ thực thi các quyền tự do kinh doanh của mình?
Luôn nhận thức rằng, cơ hội và rủi ro pháp lý là song hành trong quá trình thực thi quyền tự do kinh doanh. Để quản lý được rủi ro, trước hết cần chấp nhận những thực trạng từ pháp luật, từ sự quản lý nhà nước để có giải pháp đúng đắn.
Sự an toàn của doanh nhân đến từ việc tự mình hoặc cùng với đội ngũ cố vấn của mình đánh giá đúng đắn giới hạn của quyền tự do và giới hạn của những rủi ro pháp lý đã nhận biết.