Theo Điều 476 của Bộ luật Dân sự thì lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản tại thời điểm trả nợ. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, quy định này không còn phù hợp với thực tế vì từ tháng 6/2002 đã bãi bỏ quy định các tổ chức tín dụng phải ấn định lãi suất cho vay theo lãi suất cơ bản cộng biên độ, mà thực hiện cho vay trên cơ sở cung cầu vốn trên thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay.
"Trên thực tế, lãi suất cơ bản thường thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng nên vi phạm quy định khống chế mức lãi suất cho vay tối đa bằng 150% như Bộ luật Dân sự quy định", ông Giàu giải thích về sự cần thiết phải sửa đổi quy định này và cho rằng, để phù hợp thì cần phải sửa đổi lại là: "Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 300% lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm cho vay. Lãi suất huy động và cho vay của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp thì áp dụng lãi suất TPCP trước thời điểm đến hạn trả nợ".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển rất băn khoăn về đề nghị này. Theo ông Hiển, lãi suất TPCP phổ biến hiện nay vào khoảng 9%/năm, nếu tăng "trần" lãi suất cho vay như trên thì doanh nghiệp, người dân phải trả tới 27%/năm. Nhiều doanh nghiệp đã không thể vay được vốn ngân hàng vì nhiều lý do khác nhau, buộc phải đi vay ngoài để đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà lại mở rộng trần lãi suất như trên thì một mặt không hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, mặt khác tác động xấu tới thị trường tiền tệ và gián tiếp ủng hộ các cuộc chạy đua lãi suất mỗi khi thị trường tiền tệ biến động.
"Tôi tin rằng, bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động sản xuất - kinh doanh chân chính cũng không thể có khả năng trả hơn lãi 2%/tháng. Với mức lãi suất cao như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp sẽ phá sản và ngân hàng cũng bị ảnh hưởng xấu vì trong vốn kinh doanh của doanh nghiệp có vốn của ngân hàng. Nếu ngân hàng nào đó bị đổ vỡ thì hệ thống ngân hàng, nền kinh tế và một bộ phận dân cư sẽ bị ảnh hưởng rất lớn", ông Hiển lo lắng và cảnh báo.
Số doanh nghiệp phải vay vốn bên ngoài do không thể vay được vốn ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng khá cao, chính vì vậy, đề xuất của NHNN cho phép các tổ chức, cá nhân bên ngoài được cho vay tối đa tới 300% lãi suất TPCP cũng khiến ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật hết sức lo lắng vì không biết doanh nghiệp kinh doanh cái gì để có thể trả được 27% lãi suất/năm. Nếu kinh doanh có hiệu quả đi chăng nữa thì giá vốn (lãi vay) được đổ vào giá thành, khi đó người tiêu dùng phải chịu và các biện pháp kiềm chế tăng giá, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm mà Chính phủ đang cố gắng thực hiện sẽ giảm ý nghĩa.
"Tôi thấy quy định này xa rời thực tế", ông Thuận nhận định và kiến nghị, tự do hóa lãi suất nhưng phải có sự quản lý, không nên vì nhất thời thị trường tiền tệ biến động mạnh mà sửa hẳn cả một bộ luật quan trọng như Bộ luật Dân sự.
Việc sử dụng lãi suất TPCP làm căn cứ để xác định lãi suất tối đa, theo ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế là không có cơ sở khoa học vì kỳ hạn TPCP và kỳ hạn giao dịch dân sự khác nhau rất nhiều. TPCP có thời hạn ít nhất là 1 năm, trong khi giao dịch vay mượn dân sự có khi chỉ một vài tuần, một vài tháng. "Thời điểm phát hành TPCP không phải lúc nào cũng có, nếu áp lãi suất TPCP 3 - 4 tháng trước thời điểm giao dịch dân sự diễn ra thì không phù hợp trong bối cảnh lãi suất trên thị trường tiền tệ dao động từng tuần, thậm chí là từng ngày", ông Ngoạn chứng minh thêm.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất thì khi trình ra Quốc hội khó có thể thuyết phục được Quốc hội thông qua", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết và nhấn mạnh, tài chính - ngân hàng là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế cũng như đời sống người dân. Lĩnh vực này hết sức nhạy cảm, bởi thực tế cho thấy, hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới đều bắt nguồn từ lĩnh vực tài chính - ngân hàng nên phải tính toán, cân nhắc hết sức thận trọng khi xây dựng, sửa đổi bổ sung các vấn đề liên quan đến hoạt động tài chính - ngân hàng.