Từ đảo xa, nghĩ về sức mạnh niềm tin

Từ đảo xa, nghĩ về sức mạnh niềm tin

(ĐTCK) Trường Sa những ngày này không yên tĩnh trước những hành động càng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc. Ở nơi đó và trên mọi dải biên cương của Tổ quốc, có những người lính đang ngày đêm là “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền.

Có mặt trên những vùng biển đảo thiêng liêng ấy mới thấy, những người lính biển vẫn luôn bình thản với mọi tình huống vì họ có niềm tin rằng, ở đằng sau mình là triệu triệu trái tim Việt cùng một nhịp đập. Và ngược lại, họ cũng mang đến cho người đất liền, cho những ai một lần được ra với đảo một niềm tin rằng, sóng dẫu có động nhất thời, nhưng sâu thẳm trong lòng, biển muôn đời vẫn bình yên.

Niềm tin là gì? Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi đó? Nhưng thật khó có thể có một định nghĩa đúng cho tất cả mọi người. Có thể với người này, niềm tin phải đến từ hai phía, sau khi trao đi phải ngay lập tức được nhận lại.

Với người khác, niềm tin lại là một điều gì đó bất biến và họ sống, cống hiến vì những điều bất biến đó. Nhưng dù là một cá nhân đang trải qua những “khúc cua”, những ngã rẽ của cuộc sống, hay là một doanh nghiệp đang trong những bước ngoặt tái cơ cấu chính mình, niềm tin chính là bánh lái và là cả mái chèo để ta đi đúng đường, vững vàng tiến về phía trước.

Đối với những chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương, dường như trong họ có những điều không bao giờ thay đổi, đó là lòng yêu nước nồng nàn và niềm tin tuyệt đối vào hậu phương vững chắc của gần 100 triệu người dân Việt Nam luôn sát cánh và song hành với họ.

Trong những ngày tháng 5 đầy sôi động vừa rồi, 60 cán bộ của Tập đoàn Bảo Việt cùng nhiều đơn vị khác đã vượt qua hàng trăm hải lý đường biển đến thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Trong suốt hải trình vì Trường Sa với những cái tên đầy thân thuộc: Song Tử Tây - Đá Nam - Sơn Ca - Nam Yết - Sinh Tồn - Len Đao -Trường Sa Đông - Đá Tây -Trường Sa - DK1/15 Phúc Nguyên..., chúng tôi đã được thấy, được chứng kiến những câu chuyện bình dị mà thẫm đẫm sự hy sinh của những người lính biển.

Để sóng và gió và niềm tin của họ “thanh lọc”, khiến trong lòng mỗi người chúng tôi niềm tin về tương lai phía trước trở nên hiện hữu hơn. Dù với cả lãnh đạo hay nhân viên trong doanh nghiệp, thương trường luôn là chiến trường nhiều thử thách.

Dẫn đầu đoàn công tác của Bảo Việt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, ông Đào Đình Thi không giấu niềm xúc động khi chia sẻ rằng: “Trên những vùng biển đảo xa xôi, trong đó có Trường Sa luôn có sự hy sinh lớn lao của những người lính. Họ đang không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm bảo vệ từng tấc đất biên cương, mang lại cuộc sống hòa bình cho người dân.

Sự ổn định, an bình để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng kinh tế có một phần công sức không nhỏ của họ.

Là Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm có truyền thống lịch sử hơn nửa thế kỷ hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế đất nước, trong đó có nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, Bảo Việt luôn biết ơn những chiến sỹ không quản ngại gian khổ, đổ mồ hôi và cả xương máu, ngày đêm đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ từng tấc đất, mét đảo quê hương”.

Và không chỉ có những người lính biển, ở nơi đảo xa, còn cả “những người lính không quân hàm”. Đó là những bà mẹ, em bé ở Trường Sa lớn, những ngư dân lênh đênh đi tìm luồng cá hay những người gác đèn biển… Sự hiện diện can trường của họ thực sự là những cột mốc chủ quyền trên biển.

Ở đảo Sinh Tồn, tôi nhớ mãi lần gặp Duy, một thanh niên còn rất trẻ. Người cán bộ của trạm hải đăng ấy có nụ cười thật đẹp với làn da rám màu đồng và ánh mắt cương nghị. Tôi bỗng nhận ra niềm tin trong đôi mắt ấy vẫn luôn hướng về tổ quốc, về sự bình an và vẹn toàn lãnh thổ trước mọi sự nhòm ngó, thù địch… Trong suốt hải trình mười mấy ngày đêm, chúng tôi luôn bắt gặp những nụ cười và ánh mắt biết nói ấy.

Nhằm tận dụng tiềm năng biển, cũng như củng cố thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, công tác đầu tư cho Trường Sa và các vùng biển đảo của đất nước nói chung đã được định hướng từ lâu.

Cả nước đã dấy lên phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”, vì biển đảo quê hương. Với sức mạnh tổng lực đó, Trường Sa hôm nay đã phát triển rất nhiều so với một khoảng thời gian không xa về trước. Khi chúng tôi đến thăm, rất nhiều điểm đảo đã được phủ lên những màu xanh ngút ngàn của dừa, của phong ba và đặc biệt là màu xanh của những cây bàng vuông bất khuất.

Ở Trường Sa lớn, nếu bạn đến vào sáng sớm hay chiều tà, bạn còn có niềm hạnh phúc được nghe những tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy hay ngắm mẹ con đàn lợn nằm lộc ngộc dưới những tán cây xanh.

Sẽ không khác bao nhiêu cảm giác khi ta rời chốn thị thành, thôi úp mặt vào máy tính, Ipad…, tìm về quê mình lắng nghe những âm thanh trong trẻo của hương đồng gió nội. Nhưng đặc biệt hơn, khi đứng ở đảo, giữa những âm thanh quen thuộc ấy, ta phóng mắt ra xa nhìn muôn trùng sóng nước và thấy biển sóng quê hương thân thuộc lạ kỳ.

Có lẽ một trong những chuyến thăm mang lại cảm xúc nhất của đoàn công tác là chuyến ghé thăm các đảo chìm như Len Đao, Đá Nam…

Đảo chìm đương nhiên còn nhiều gian khó, người ở đảo và người đất liền chia nhau từng ngụm nước ngọt, từng khay rau muống, rau mùng tơi, rau húng thơm… dường như có tác dụng như những “chậu bon sai” ở đất liền, chứ không chỉ là thêm chút rau xanh trong mùa hè đỏ lửa.

Thời điểm chúng tôi ra đảo là giữa hạ. Xung quanh nắng gió chang chang, nhưng  tôi vẫn thấy mát lòng bởi những nụ cười thân thiện của lính, những bàn tay rắn chắc nắm với nhau thật chặt, đủ để chúng tôi cảm nhận rõ ràng sự gần gũi của những con người chung một gia đình lớn, những câu chuyện chẳng dứt, những nụ cười như không bao giờ tắt, những lời hỏi thăm về đất liền tưởng chừng dài vô tận khiến chúng tôi như xích lại gần nhau hơn.

Dường như ở đây không có chuyện vùng miền, không còn phân biệt Bắc -Trung - Nam, ở đây chỉ có một quê hương và niềm tin duy nhất, quê hương tổ quốc Việt Nam!

Một hình ảnh khiến tôi không thể quên trong giờ chia tay các chiến sỹ đảo Trường Sa lớn, đó là những nụ cười toả sáng rạng rỡ trên môi họ... Những bàn tay rắn rỏi vẫy theo giai điệu của "Khúc quân ca Trường Sa, Nối vòng tay lớn..." và những giọt nước mắt, những cái ôm thật chặt. Rất nhiều người đã khóc khi đứng trên con tàu HQ571 vẫy tay chào tập thể quân dân trên đảo Trường Sa lớn. Người đứng ở cầu tàu, người ở bên mạn tàu cùng nhau hát vang những bài hát quen thuộc mà không nỡ rời xa…

Tàu đi xa dần, những người ở lại hô vang “Hẹn gặp lại...” khiến ai nấy đều xúc động nghẹn ngào. Cảm ơn các anh, những người lính kiên cường nơi biển đảo đã cho chúng tôi hiểu được thế nào là sự hy sinh và thế nào là niềm tin bất biến. Ở khoảnh khắc chia tay đầy cảm xúc ấy, chúng tôi đã tự nhủ rằng sẽ cố gắng thật tốt trong công việc để mãi là hậu phương vững chắc của các anh.

Kết thúc cuộc hành trình, mỗi thành viên trong đoàn công tác của Bảo Việt thêm thấu hiểu về cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn gian khổ của quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Vẫn biết các anh còn gặp nhiều khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng khi được trực tiếp tiếp xúc với lính biển, được nhìn vào những đôi mắt cương nghị, được nắm những đôi bàn tay rắn rỏi, tôi nhận thấy một niềm tin lớn lao rằng, tổ quốc, dân tộc, gia đình và cả các thế hệ mai sau chắc chắn sẽ được bảo vệ bởi những chiến sĩ ấy, những con người sẵn sàng hy sinh bản thân để mang đến một cuộc sống yên bình cho người hậu phương.

Tin bài liên quan