Chân lý ấy cũng phổ biến trong đời thường, hay bất cứ ngành nghề kinh doanh nào, kể cả thị trường bất động sản.
Sau một thời gian dài loạng choạng bước đi dưới bóng nợ nần và cạn kiệt thanh khoản, càng về cuối năm 2013, những tiếng nói “vun vào” cho thị trường bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều. Nói như ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5 là, có rất nhiều cơ sở để đánh giá thị trường đã có tín hiệu phục hồi. Từ các chính sách hỗ trợ ở tầm vĩ mô đến việc các DN, chủ đầu tư chủ động điều chỉnh lại sản phẩm cho phù hợp với thị trường...
“Từ những động thái đó, niềm tin của khách hàng đã dần quay lại”, ông Khánh tự tin khẳng định!Sự tự tin này được chứng minh bằng những con số cụ thể. Tại TP. HCM, chỉ tính riêng quý IV/2013, lượng căn hộ giao dịch thành công tăng 70,5% so với quý trước đó. Ở đầu cầu Hà Nội, trong cùng thời điểm, theo báo cáo của Sở Xây dựng, giá căn hộ chung cư ở hầu khắp các quận, huyện đều tăng.
Nhưng liệu có phải nước nổi thì mọi con thuyền đều nổi?
Trên thực tế, vài năm trước, tư duy đó là phổ biến. Đó là thời điểm bất cứ ai, làm bất cứ ngành nào, cứ có được tờ quyết định chấp thuận về chủ trương đầu tư là tiền đổ vào ùn ùn. Mọi ánh mắt nhà đầu tư đều nhìn vào nhà đất, mọi dòng tiền nóng đều hướng vào thị trường bất động sản!
Hiện nay, thị trường đã không còn “xấu đều”, nhưng chỉ ở diện “tốt lỏi”. Và đó là điều hợp quy luật! Những chủ dự án thuộc dạng tay mơ, hớt váng sẽ không có đất sống, dù thị trường được cho là… đang trên đường hồi phục.
Điều quan trọng nhất, theo GS.TS Đặng Hùng Võ là, bối cảnh mới buộc những người làm bất động sản phải thay đổi tư duy coi đó là ngành siêu lợi nhuận. Hiện phải coi bất động sản là ngành kinh doanh bình thường như bao ngành khác.
Chỉ có điều, nói thì dễ, còn làm được lại rất khó! Làm ăn bài bản, bền vững, giữ uy tín, tiến độ và chất lượng… là những điều chủ đầu tư nào cũng biết và tự quảng bá cho mình. Trên thực tế, hiện tại, đã có những dự án căn hộ của Đất Xanh, của Him Lam hay Hưng Thịnh… khan hàng, thậm chí những dự án như Times City của Vingroup, Madarin Garden của Hòa Phát… nhúc nhích tăng giá. Ngược lại, phần đông dự án, kiểu như Dự án N03T1, Khu Ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) của CTCP Thi công cơ giới xây lắp… vẫn im lìm với những động thái “câu giờ” của chủ đầu tư.
Trở lại câu chuyện “chú chim mặt ngu”. Chơi Flappy Bird cực đơn giản, chỉ có nhấn và nhấn. Đồ họa tương đương với những trò chơi từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Tại sao nó có thể làm mê hoặc cả thế giới?
Vấn đề là sự khác biệt. Và đó là triết lý thứ hai mang lại từ trò chơi này!
Flappy Bird cung cấp độ khó đủ để người chơi say mê, cay cú, ăn thua và lao vào chơi, thay vì tập trung vào đồ họa như cách hầu hết các nhà phát triển game đang làm.
Với thị trường bất động sản, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp từng nói rằng, nếu nói tới những điểm sáng của thị trường, cần tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân mà DN đó đã tạo nên sự khác biệt.
Sự khác biệt có thể từ những đợt quảng bá rầm rộ, tặng 10 năm phí dịch vụ, miễn phí bể bơi, chỗ đỗ xe… như Vingroup đang làm. Có thể là những gói vốn hỗ trợ với lãi suất bằng 0 hoặc rất thấp trong cả chục năm. Có thể là những động thái chứng minh uy tín như việc lắp camera trực tuyến để khách hàng theo dõi tiến độ dự án của Tập đoàn Đất Xanh…
Tất nhiên, mỗi sự khác biệt hay một lối đi riêng, nhất là đối với việc lựa chọn phân khúc bất động sản, luôn cần dựa trên sự tính toán, điều nghiên kỹ càng của những chủ đầu tư làm ăn bài bản và chuyên nghiệp.
Với những người phát triển phần mềm game. Thành công và được tung hô như Nguyễn Hà Đông - cha đẻ Flappy Bird là cực hiếm. Thống kê cho thấy, chỉ 5% số người đang “cày ải” viết game thành công từ nghề này.
Cũng tương tự như thế, một con đường không hề trải đầy “hoa thơm và mật ngọt” cũng đang hiển hiện trước mắt người làm bất động sản trong cả hiện tại và tương lai!