Vị thế ngày càng lớn
Các văn kiện đại hội Ðảng trực tiếp hoặc gián tiếp đều chú trọng đến việc hình thành, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðại hội VII tháng 6/1991, đại hội VIII tháng 7/1996, đại hội IX tháng 4/2001, đại hội X tháng 4/2006, đại hội XI tháng 1/2011, đại hội XII tháng 1/2016 đều đề cập đến chủ trương này.
Ði cùng với chủ trương, đã có nhiều chuyển biến quan trọng với khu vực kinh tế tư nhân, từ chấp nhận kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, chủ trương vận hành theo kinh tế thị trường, đến kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Ðảng và Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Từ chủ trương phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế, rồi đến các hành động cụ thể để hiện thực hóa chủ trương này. Hiện nay, có thể nói, kinh tế tư nhân mà nòng cốt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đánh giá đúng vai trò và được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.
Nhờ đó, hệ thống pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa chủ trương của Ðảng. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Hải quan, Luật Ðầu tư công, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng rất nhiều nghị định, nghị quyết, thông tư…
Pháp luật đã từng bước thể chế hóa chủ trương của Ðảng, doanh nghiệp từ vị trí bị quản lý chuyển dần sang vị trí được phục vụ; từ chỗ chỉ được kinh doanh những gì pháp luật cho phép nay được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.
Những chuyển biến này sẽ thúc đẩy đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng, khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về tài chính, tín dụng, đất đai, công nghệ, xúc tiến thương mại…; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ; bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư.
Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như cung cấp thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, tín dụng, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường, mua sắm, cung ứng dịch vụ công…
Những chính sách ưu tiên này dành cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí gồm số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân dưới 200 người hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng, được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ.
Bởi vậy, có thể tin tưởng rằng, sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa là xu thế tất yếu. Thực tế cho thấy, trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn phát triển, tăng trưởng. Khối doanh nghiệp này dần có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.
Sự phát triển của các DNNVV Việt Nam.
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế như tạo việc làm (trên 50% tổng số lao động, thu nhập bình quân 6,18 triệu đồng/lao động/tháng, tạo hơn 1 triệu việc làm mới), đóng góp ngân sách nhà nước (trên 32% tổng thu ngân sách, có xu hướng ổn định và ngày càng tăng), đóng góp cho tổng vốn đầu tư xã hội (gấp khoảng 1,8 lần tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp lớn, bình quân 3,05 tỷ đồng/doanh nghiệp, số liệu năm 2015)…
Hành động để thúc đẩy
Vai trò quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội ghi nhận, coi trọng. Kinh tế tư nhân mà nòng cốt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá thông quan sự đóng góp không phân biệt thành phần sở hữu, chính sách pháp luật hướng đến mục tiêu nhất quán và xuyên suốt, hướng đến mục tiêu đơn giản, minh bạch và bình đẳng, Nhà nước tập trung vào kiến tạo, phục vụ.
Ðể doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển trong giai đoạn mới, cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, doanh nghiệp cần hệ thống pháp luật phù hợp, tiên tiến hơn, ví dụ coi trọng quyền sở hữu tài sản tư nhân.
Nếu quyền sở hữu tài sản không rõ ràng thì doanh nhân, doanh nghiệp khó có thể tâm huyết để phát triển doanh nghiệp theo lộ trình đường dài. Ðồng thời, doanh nghiệp cần nền hành chính tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển thị trường, công nghệ, hạ tầng giao thông, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vốn, mặt bằng sản xuất… Ðó có thể coi là những yếu tố đầu vào của doanh nghiệp.
Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp có nhiều yếu tố phải chú ý như quản trị doanh nghiệp, kỹ thuật lành nghề, áp dụng công nghệ tiên tiến, nghiên cứu, phát minh, sáng chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thuế, lương.
Còn về đầu ra, cần chú ý đến những yếu tố như tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới, khai thác cơ hội từ các hiệp định song phương, đa phương…
Bên cạnh đó là khả năng liên kết của doanh nghiệp với nhau. Doanh nghiệp nhỏ liên kết với nhau mới tạo quy mô lớn. Câu hỏi đặt ra hiện nay là cái gì làm họ liên kết được với nhau? Có nhiều cách, nhưng đó có thể là hoạt động của các tổ chức, hội đoàn đại diện, một tổ chức mà doanh nghiệp thấy được mình trong đó và qua đó thể hiện được tiếng nói tới các cơ quan quản lý.
Nhìn chung, còn nhiều việc cần làm để doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và kinh tế tư nhân nói chung phát triển. Trong đó, nổi lên các vấn đề buộc chúng ta cùng suy ngẫm để trả lời cho những câu hỏi như quá trình xây dựng thể chế chính sách có dài quá và liệu có thể rút ngắn được không? Chính sách pháp luật cần bổ sung những gì để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh mẽ hơn?… Chúng ta chỉ có thể hóa giải thách thức nếu nhận diện được thách thức sẽ là gì.