Thưa ông, bối cảnh hiện tại với những tác động vô cùng lớn từ đợt dịch Covid-19 dường như lại là thời điểm để khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân thể hiện rõ vai trò của mình, mà theo ông từng nói là “rường cột” của nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân là rường cột của kinh tế quốc gia, không thể khác được.
Trong những ngày này, khi chúng ta đang kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc Khánh - Tết Độc lập, tự hào về chiến thắng của chiến tranh nhân dân, cũng là lúc thấy rõ khát vọng hùng cường, thịnh vượng của dân tộc.
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền kinh tế hùng cường và tự chủ. Không tự chủ về kinh tế thì khó giữ được một nền độc lập quốc gia thực sự. Tôi tin rằng, vũ khí bách chiến, bách thắng cho cuộc chiến mới này cũng là bốn chữ: Kinh tế tư nhân - kinh tế nhân dân.
Kinh tế tư nhân - kinh tế nhân dân là rường cột của nền kinh tế. |
Trải qua 35 năm kể từ khi đổi mới vào năm 1986, đội ngũ doanh nhân và khu vực tư nhân ở Việt Nam đã có những bước tiến thần kỳ. Cho đến thời điểm này, khu vực tư nhân đang tạo ra 85% tổng số việc làm, đã đóng góp trên 42% GDP của nền kinh tế...
Nếu nhìn cả chiều dài của công cuộc đổi mới, thì sự phát triển của khu vực tư nhân là cứu cánh đưa hàng chục triệu đồng bào ta thoát khỏi đói nghèo và đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh. Chính khu vực tư nhân là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế.
Bên cạnh một cộng đồng kinh doanh đông đảo với hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh, chúng ta đã có trên 800.000 doanh nghiệp tư nhân đang có mặt trên mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.
Chúng ta cũng đã có những doanh nghiệp lớn, sánh vai các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và khu vực, góp phần làm rạng danh đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập toàn cầu.Hơn thế, trong thời điểm Covid-19 đang gây nên những tổn thất vô cùng lớn cho người dân, cho xã hội, nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã cố gắng dũng cảm, kiên cường trụ vững để đóng góp vào tăng trưởng, lo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách.Và ngay trong bối cảnh thua lỗ, khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đi đầu trong việc ủng hộ cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19, cho các hoạt xã hội từ thiện, ủng hộ cho người lao động, người nghèo những đối tượng yếu thế với kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng…Có doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư sản xuất thiết bị y tế, vắc-xin, bất chấp lỗ lãi, miễn là góp được phần bảo đảm tự chủ nguồn cung ứng vắc-xin cho đồng bào mình...
Các nhà tư sản dân tộc là giới chức xã hội đầu tiên được Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh tiếp tại Bắc Bộ phủ, ngày 18/9/1945. |
Đúng thời điểm này 76 năm trước, cả dân tộc việt Nam cũng trong không khí góp công, góp của cho nước Việt Nam non trẻ. Tình thần dân tộc đã được truyền qua nhiều thế, trong đó có đội ngũ doanh nhân Việt Nam, thưa ông?
Không gian khác, hình thức khác nhưng tinh thần và nghĩa cử vì dân tộc, vì đất nước vẫn như vậy. Trong Tuần lễ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát động, để quyên góp tài chính cho hoạt động của Chính phủ lâm thời, các nhà tư sản dân tộc là lực lượng chủ công trong công cuộc quyên góp này.
Riêng gia đình ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến cho cách mạng hơn 5.000 lượng vàng (tương đương với hơn 90% tài sản của gia đình và gấp đôi số tiền trong ngân khố Chính phủ lâm thời lúc đó…).
Còn rất nhiều những minh chứng như vậy cho lòng yêu nước cháy bỏng của giai cấp tư sản dân tộc, góp phần duy trì hoạt động của Chính phủ, bảo vệ nền độc lập nước nhà từ những ngày còn trong trứng nước.
Giờ đọc lại Bản Tuyên ngôn độc lập, tôi còn thấy một câu Bác đã nhắc đến các nhà tư sản dân tộc trong đoạn nói về tình trạng của nền kinh tế Việt Nam. Bác viết: “Chúng (thực dân Pháp) không để cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Rồi ngày 13/10/1945, Bác Hồ gửi thư cho giới công thương kêu gọi các doanh nhân tham gia Công Thương cứu quốc đoàn. Trong bức thư lịch sử này, Người viết: “việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng.”.
Bác luôn trân trọng các nhà tư sản dân tộc và các nhà tư sản dân tộc không phụ lòng tin của Bác.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Trong rất nhiều nghiên cứu, trao đổi về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, có chuyên gia đã nói rằng, cứ mỗi khi đất nước gặp khó, cần có những bước xoay chuyển, thì khu vực doanh nghiệp tư nhân trỗi dậy, làm nên nhiều điều kỳ điệu. Ông nghĩ thế nào?
Thực tế đã chứng minh điều này và đây là lý do tôi luôn muốn nhấn mạnh vai trò rường cột của kinh tế tư nhân, kinh tế của người dân.
Đây cũng là cơ sở để chúng tôi đề nghị hãy trọng các doanh nhân (kinh doanh có trách nhiệm) như hiền tài và nguyên khí quốc gia. Hãy coi bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của người dân, bảo vệ nền độc lập và tự chủ của đất nước.
Hãy “tận tâm giúp giới doanh nhân” như Bác Hồ đã dạy. Chúng ta đánh giá cao những khẩu hiệu giản dị mà có sức cổ vũ đang lan toả ở một địa phương như: “Doanh nghiệp phát tài thì địa phương phát triển”. “Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền”…
Tất nhiên, chúng ta cũng chưa thể yên tâm khi số lượng doanh nghiệp lớn và vừa trong nền kinh tế nước ta còn quá ít. Khoảng 98 - 99% các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thuộc quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn chưa cao, định hướng phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm xã hội chưa trở thành hệ giá trị phổ cập trong cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam, nhìn chung vẫn chưa kết nối có hiệu quả được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và điều đáng nói là khu vực FDI rất thiếu liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Nhìn ra nước ngoài, chúng ta thấy không một nền kinh tế nào có thể trở nên hùng cường chỉ trông cậy vào các FDI, nhưng cũng không một nền kinh tế nào có thể trở nên hùng cường nếu không kết nối được cộng đồng doanh nhân dân tộc với cộng đồng doanh nhân quốc tế.
Chúng ta giang tay, kết nối bốn phương, nhưng phải trụ vững trên đôi chân của chính mình. Đó là điều chúng ta đang ngộ ra, đang trải nghiệm, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại, cuộc cách mạng 4.0.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên mong manh hơn, thị trường quốc tế dễ trở nên đứt gãy, các nhà đầu tư và các thương hiệu hàng đầu đang trở về chính quốc, các nền kinh tế Mỹ, châu Âu đang trở lại với tiến trình tái công nghiệp hoá, thị trường nội địa được đề cao, doanh nghiệp dân tộc trở thành điểm tựa…
Trong xu thế này, việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp dân tộc phải là quốc sách.
Đề án Chiến lược Phát triển doanh nghiệp đến năm 2030 đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển khu vực kinh tế tư nhân cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và một đề án phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân đang được khẩn trương soạn thảo.
Cộng đồng doanh nghiệp mà trước hết là các doanh nghiệp tư nhân cần chung tay với các cơ quan Chính phủ chuẩn bị dự án này. Đề án không chỉ là sáng kiến và tầm nhìn của các cơ quan Chính phủ mà trước hết phải là tầm nhìn và định hướng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nhân chủ động, Chính phủ chung tay. Tinh thần đối tác công tư cũng phải thể hiện mạnh mẽ hơn trong công việc hệ trọng này.