Cùng một vấn đề, mỗi công ty kiểm toán, mỗi kỳ kiểm toán một khác
Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm tài chính 2015-2016 của CTCP Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) là một sự kiện gây sốc cho nhà đầu tư, khi Công ty công bố lỗ lên tới gần 1.336 tỷ đồng. Nhiều vấn đề của JVC được phanh phui, nhưng thị trường còn bất ngờ hơn khi đọc kỹ báo cáo kiểm toán công ty này qua các thời kỳ.
Cùng là câu chuyện sử dụng vốn của JVC, cùng là một công ty kiểm toán, nhưng chỉ đến báo cáo tài chính năm, việc JVC sử dụng vốn sai mục đích mới được công bố. Cụ thể, khoản trả nợ ngân hàng sai mục đích sử dụng vốn thu được từ phát hành phát sinh ngày 23/6/2015 - trước khi có báo cáo soát xét báo cáo bán niên, nhưng không được lưu ý về mục đích sử dụng vốn. Khoản sử dụng tiền thu được để trả nợ trị giá gần 104 tỷ đồng cũng có tới 40% khoản chi phát sinh từ kỳ kế toán trước soát xét, thậm chí trước cả thời điểm bắt đầu năm tài chính 2015-2016, nhưng đơn vị kiểm toán chỉ lưu ý nhà đầu tư vào báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015-2016.
Ngoài trường hợp JVC, ở nhiều doanh nghiệp khác, sự thận trọng của kiểm toán dường như cũng chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Việc sử dụng vốn sai mục đích tại JVC khiến thị trường nhớ đến câu chuyện của 3 doanh nghiệp khoáng sản là CTCP Khoáng sản Luyện kim màu (KSK), CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long (KHL) đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt do sử dụng vốn sai mục đích. Có những câu chuyện đã phát sinh từ lâu, nhưng chỉ đến khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt thì thị trường mới nắm được thông tin về những sai phạm này.
Vậy đơn vị kiểm toán của JVC đã quá thận trọng trong kỳ kiểm toán báo cáo sau này (báo cáo năm tài chính 2015 - 2016) so với các kỳ kiểm toán/soát xét trước đó, so với các công ty kiểm toán khác, hay các kỳ trước của đơn vị này và các công ty kiểm toán các doanh nghiệp khoáng sản nói trên chưa làm đủ phận sự của mình?
Thay kiểm toán sẽ lột tả tình hình tài chính doanh nghiệp?
Kể từ sau sự kiện ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) bị bắt tạm giam cuối năm 2014, OGC gần như tê liệt hoạt động. Thế nhưng, chỉ đến kỳ báo cáo tài chính từ năm 2014, những vấn đề của OGC mới được phát hiện. Cùng một đơn vị kiểm toán cho OGC, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng, (từ giữa năm 2014 đến cuối năm 2014), tình trạng của OGC với các khoản phải thu đã có sự thay đổi.
Theo đó, đối với khoản hỗ trợ vốn với một số doanh nghiệp có tổng giá trị hơn 721 tỷ đồng, được kiểm toán lưu ý từ báo cáo kiểm toán năm 2014 về việc thiếu bằng chứng thu hồi và đang được hạch toán trên cơ sở bù trừ công nợ với các đối tác dù chưa có thỏa thuận, nhưng tại báo cáo soát xét bán niên 2014, thời điểm phần lớn các khoản công nợ này đã xuất hiện, đơn vị kiểm toán vẫn ra báo cáo “sạch”. Nhìn vào thực trạng tài chính của OGC tại báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2016, thị trường còn e ngại nhiều hơn nữa.
Không giống như OGC, câu chuyện CTCP Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), NTACO (ATA) với hàng loạt sai phạm, bao gồm cả hàng tồn kho, chất lượng các khoản phải thu, các giao dịch bán hàng… chỉ được phát hiện khi có sự thay đổi cổ đông, Ban lãnh đạo, thay kiểm toán. Vậy điều gì xảy ra nếu không có cuộc thâu tóm của các cổ đông mới?
Rất nhiều khâu hoạt động của thị trường, trong đó có chấp thuận phát hành, niêm yết và cả giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư được thực hiện dựa trên cơ sở là báo cáo tài chính kiểm toán. Thế nhưng, những câu chuyện như TTF, ATA và hàng loạt doanh nghiệp khoáng sản khác, thậm chí là JVC, OGC… khiến thị trường đặt câu hỏi: nên quy trách nhiệm của kiểm toán đến đâu trong những tình huống thiệt hại do báo cáo kiểm toán chưa đủ trung thực?