"Tự bơi" trong phát triển bền vững, doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất gặp thách thức

0:00 / 0:00
0:00
Trước áp lực từ yêu cầu của thị trường, ngành gỗ đang liên tục tìm kiếm nhiều giải pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để giảm phát thải trong quá trình sản xuất, tiến tới phát triển bền vững.
Doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất hướng đến phát triển bền vững.

Doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất hướng đến phát triển bền vững.

Đẩy mạnh giảm phát thải tại nhà máy

Ngày 29/11, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp ngành gỗ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính và sản xuất bền vững.

Bà Nguyễn Thị Truyền, Chuyên gia cao cấp Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho hay, hiện nay, một số nhà máy đã được kiểm kê và đánh giá tiềm năng giảm phát thải thông qua việc sử dụng điện, đốt tĩnh, vận tải sử dụng sản phẩm và chất thải. Qua kiểm kê và đánh giá tiềm năng giảm phát thải của các doanh nghiệp, việc phát thải khí nhà kính từ tiêu thụ điện chiếm hơn 90% và phát thải trực tiếp dưới 10%.

Do đó, dư địa để tối ưu hoá năng lượng nhằm cắt giảm khí nhà kính tại các doanh nghiệp trong ngành là rất lớn. Theo đó, các đơn vị có thể áp dụng các giải pháp đầu tư như tăng cường quản lý nội vi nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát điện, đầu tư máy nén tích hợp, lò sấy gỗ năng lượng mặt trời, đầu tư máy CNC tự động, lắp hệ thống điện mặt trời lên công suất 200 kWp…

Bà Truyền nêu ví dụ, như tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành, sau quá trình tư vấn, doanh nghiệp tìm hiểu thông tin và định hướng phát triển bền vững, Đức Thành đặt mục tiêu giảm 75% khí thải nhà kính vào năm 2025.

Hiện Đức Thành đã lên kế hoạch rất chi tiết như: Chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa giờ vận hành, cải tiến quy trình sản xuất, lắp đặt hệ thống điện mặt trời… Ngoài ra, chúng tôi cam kết sử dụng gỗ cao su – một loại gỗ tái sinh từ cây đã hết khả năng khai thác mủ và nói không với việc sử dụng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên.

Có thể thấy, tín hiệu tích cực trong ngành gỗ hiện nay là nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai kiểm kê khí nhà kính để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường trong ESG. Không chỉ riêng doanh nghiệp lớn mà đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhỏ. Ngoài chuyển đổi xanh, nhiều đơn vị còn đẩy mạnh chuyển đổi số - một mô hình chuyển đổi kép để nâng cao hiệu quả trong tiến trình giảm phát thải trong tương lai.

Ông Phạm Duy Doanh, Giám đốc mua hàng Công ty Mộc Phát thông tin, với mô hình quản lý và vận hành cũ, Mộc Phát thường xuyên ghi nhận hàng hoá bị nhầm lẫn dẫn đến khách hàng phàn nàn; quá trình làm việc và kết nối bị giới hạn bởi không gian, thời gian; dữ liệu không đảm bảo thời gian thực; gánh nặng trong vận hành…

“Do đó, chúng tôi hiểu chuyển đổi số và tầm quan trọng của hành động này là gì. Việc chuyển đổi số giúp Mộc Phát làm chủ dữ liệu, tối ưu hoá chi phí và lợi nhuận. Đồng thời, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp giảm tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng, minh bạch nguồn gốc gỗ hợp pháp…”, ông Doanh chia sẻ.

Cần những đơn vị tiên phong

Theo ông Lê Xuân Tân, Giám đốc điều hành Công ty gỗ Hạnh Phúc, để có nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp đã phải trải qua rất nhiều gian nan, trong đó có những thách thức về chính sách pháp lý, tiếp cận vốn đầu tư, tìm kiếm công nghệ phù hợp… Đôi khi doanh nghiệp phải tự bơi trong “mớ hỗn độn” mà không tìm được đường ra.

“Điều mà doanh nghiệp trong ngành đang cần hiện nay là mô hình dám nghĩ dám làm và có những thành công nhất định. Đây sẽ là ví dụ điển hình để các doanh nghiệp làm theo, học hỏi; các Sở ban ngành cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp thay đổi, mạnh dạn đầu tư”, ông Tân kiến nghị.

Đồng tình ý kiến, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nêu thực trạng, việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ mang lại lợi ích lâu dài là điều các doanh nghiệp nhìn thấy. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho tiến trình phát triển xanh đang rất “căng thẳng”. Trong khi đó, việc làm báo cáo ESG sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế trong tiếp cận vốn nhưng hoạt động này cần thời gian lâu dài và hầu hết doanh nghiệp trong ngành đang thực hiện hoặc mới bắt đầu tham gia.

Có thể thấy, còn rất nhiều thách thức để ngành gỗ và nội thất tiến tới giảm phát thải khí nhà kính và sản xuất bền vững. Tuy nhiên, yêu cầu từ các nhà nhập khẩu ngày càng gia tăng, nếu không thực hiện, doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”. Thấu hiểu điều này, nhiều doanh nghiệp mong muốn cần có những chương trình kết nối thường xuyên, trao đổi về hoạt động giảm phát thải, có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước… để doanh nghiệp có kiến thức, điều kiện cơ bản để lựa chọn mô hình chuyển đổi phù hợp.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Truyền cho rằng, với việc phát thải khí nhà kính từ tiêu thụ điện chiếm hơn 90%, trước mắt các doanh nghiệp có thể giảm phát thải nhà kính bằng cách thay đèn huỳnh quang T8 thành đèn led, tận dụng chiếu sáng tự nhiên, sử dụng máy nén khí hiệu suất cao, thay máy lạnh cục bộ thành máy mới sử dụng gas R32, R410A, đầu tư lò sấy gỗ năng lượng mặt trời, thay động cơ máy xẻ gỗ có công suất phù hợp…

Tin bài liên quan