Từ bão Yagi, cảnh báo các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tăng do biến đổi khí hậu

Từ bão Yagi, cảnh báo các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tăng do biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các cơn bão, đợt nắng nóng, lũ lụt, hạn hán hoặc cháy rừng dữ dội đang diễn ra nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Andrew Pershing, nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu khí hậu tại tổ chức phi lợi nhuận Climate Central cho biết, các đợt nắng nóng trong năm ngoái "không chỉ là những sự cố bất ngờ" mà sẽ trở nên thường xuyên hơn nhiều nếu thế giới không nhanh chóng chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch và các loại khí nhà kính khác.

Các sự kiện thời tiết phức tạp được kích hoạt bởi một số yếu tố môi trường, bao gồm các hệ thống áp suất cao hoặc thấp, luồng phản lực… Nhưng từ lâu người ta đã biết rằng, không khí ấm hơn và nhiệt độ bề mặt đại dương là những yếu tố quan trọng khác góp phần làm trầm trọng thêm nhiều thảm họa gần đây.

Các nhà khoa học đã tính toán rằng, tổng lượng mưa từ sáu cơn bão lớn tấn công bờ biển Đại Tây Dương trong 20 năm qua - Katrina, Irma, Maria, Harvey, Dorian và Florence - tổng thiệt hại lên tới hơn 500 tỷ USD, mạnh hơn từ 4 - 15 lần (tùy thuộc vào cơn bão) so với lượng mưa có thể xảy ra nếu Trái đất mát hơn.

Trung bình, các đợt nắng nóng vốn chỉ xảy ra một lần trong 10 năm vào thời kỳ tiền công nghiệp nhưng hiện đang xảy ra thường xuyên hơn, khoảng ba lần và thường nóng hơn 1,2 độ C so với trước đây. Đợt nắng nóng phá kỷ lục đã làm cong vênh các con đường ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Tây Canada vào mùa hè năm 2021 sẽ gần như không thể xảy ra nếu không có sự tác động của biến đổi khí hậu.

Châu Á chịu ảnh hưởng lớn nhất

Châu Á vẫn là khu vực chịu nhiều thảm họa nhất thế giới do các mối nguy liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước vào năm 2023. Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy, lũ lụt và bão gây ra số lượng thương vong và thiệt hại kinh tế cao nhất, trong khi tác động của nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.

Báo cáo Tình hình Khí hậu ở châu Á năm 2023 của WMO đã nêu bật tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu chính như nhiệt độ bề mặt, sông băng tan chảy và mực nước biển dâng cao sẽ gây ra hậu quả lớn cho các nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực.

Năm 2023, nhiệt độ bề mặt biển ở Tây Bắc Thái Bình Dương đạt mức cao nhất từng được ghi nhận. Ngay cả Bắc Băng Dương cũng phải hứng chịu một đợt nắng nóng trên biển.

Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Xu hướng nóng lên đã tăng gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961– 1990.

“Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng nhất trong lịch sử vào năm 2023, cùng với một loạt các điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán và nắng nóng đến lũ lụt và bão. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện như vậy, tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống của con người và môi trường mà chúng ta đang sống", Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết.

Theo Cơ sở dữ liệu sự kiện khẩn cấp, năm 2023, tổng cộng có 79 thảm họa liên quan đến các sự kiện nguy cơ thủy văn khí tượng đã được báo cáo ở châu Á. Trong số này, hơn 80% liên quan đến các sự kiện lũ lụt và bão.

“Đông Nam Á đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, phải đối mặt với những cơn bão liên tục, mực nước biển dâng cao và lũ lụt ngày càng tồi tệ hơn qua từng năm”, Ramesh Singh, Giám đốc khu vực CARE châu Á cho biết.

Với tốc độ gió tối đa ít nhất là 203 km/h, Bão Yagi vừa càn quét châu Á là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, sau Bão Beryl càn quét qua các khu vực ở Mỹ.

Những cơn bão đổ bộ vào Đông Á và Đông Nam Á trong những năm gần đây dường như ngày càng mạnh hơn. Các nhà khoa học cho biết, đại dương ấm hơn có thể đang thúc đẩy sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.

Bão, siêu bão và lốc xoáy hình thành như thế nào?

Siêu bão tương đương với bão cấp 5 – là cấp độ mạnh nhất trong thang đo.

Mặc dù bão được đặt tên khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới, tất cả các cơn bão nhiệt đới đều có tốc độ gió rất cao, lượng mưa lớn và bão khiến mực nước biển dâng cao tạm thời.

Bão, siêu bão và lốc xoáy đều giống như những động cơ quay khổng lồ sử dụng không khí ấm và ẩm làm nhiên liệu. Chúng bắt đầu ở vùng biển nhiệt đới gần đường xích đạo khi luồng không khí này bốc lên và tách khỏi bề mặt đại dương. Sau đó, ít không khí gần bề mặt gây ra một vùng áp suất thấp và không khí xung quanh xoáy vào để thay thế.

Không khí ấm, ẩm lạnh dần khi bốc lên, tạo thành mây và toàn bộ hệ thống bắt đầu quay. Nó quay nhanh hơn và mạnh hơn cho đến khi một mắt hình thành ở trung tâm. Không khí áp suất cao từ trên cao sau đó chảy xuống tâm bão tĩnh lặng này.

Nhiệt độ bề mặt biển thường cần ít nhất là 27 độ C để cung cấp đủ năng lượng cho một trong những cơn bão mạnh này bắt đầu quay. Chúng di chuyển ngược chiều kim đồng hồ về phía bắc đường xích đạo và theo chiều kim đồng hồ về phía nam đường xích đạo.

Các cơn bão nhiệt đới thường bắt đầu suy yếu khi chúng đổ bộ vào đất liền vì chúng không còn năng lượng từ vùng nước biển ấm để nuôi dưỡng. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản chúng gây ra thiệt hại to lớn trước khi bão biến mất.

Liệu bão và lốc xoáy có trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu không?

Có rất nhiều yếu tố quyết định xem một cơn bão có hình thành hay không, nó phát triển như thế nào, cường độ, thời gian kéo dài và các đặc điểm chung của nó. Điều này khiến cho việc xác định vai trò của biến đổi khí hậu trong một cơn bão riêng lẻ trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, bão, lốc xoáy nói chung đã trở nên mạnh hơn do biến đổi khí hậu. Nguyên nhân là do nước biển ấm hơn cho phép các cơn bão hấp thụ nhiều năng lượng hơn dẫn đến tốc độ gió cao hơn.

Ví dụ, dự báo về các cơn bão Đại Tây Dương năm 2024 đã dự đoán một mùa "cực kỳ chủ động" do nhiệt độ bề mặt biển kỷ lục. Các nhà nghiên cứu ước tính, khả năng một cơn bão lớn đổ bộ vào Mỹ là "cao hơn mức trung bình dài hạn".

Bầu khí quyển ấm hơn có thể chứa nhiều độ ẩm hơn, nghĩa là lượng mưa lớn hơn. Một ước tính cho thấy lượng mưa cực lớn từ cơn bão Harvey đổ bộ vào Mỹ năm 2017 có khả năng xảy ra cao hơn khoảng ba lần do biến đổi khí hậu.

Mực nước biển dâng cao cũng có thể đóng vai trò trong mức độ nghiêm trọng của các cơn bão nhiệt đới này. Bão dâng có thể tàn phá các cộng đồng ven biển và mực nước biển đã dâng cao chỉ khiến tình trạng lũ lụt này trở nên tồi tệ hơn.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), số lượng các cơn bão nhiệt đới trên toàn thế giới khó có thể tăng lên, nhưng nhiều cơn bão có thể đạt đến cường độ cao nhất khi thế giới ấm lên.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm nay cũng tiết lộ rằng, các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á hiện đang hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và kéo dài hơn trên đất liền.

Tin bài liên quan