Cụ thể, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án 100 triệu đồng do xây dựng công trình sai phép, tạm đình chỉ công trình. Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải tự tháo dỡ phần công trình vi phạm và báo báo chính quyền.
Quyết định này thể hiện được ý chí và mong muốn của người dân về một xã hội mà tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu.
Như vậy, mọi việc tạm coi như đã được giải quyết, chỉ còn chờ đợi sự chấp hành của chủ đầu tư, thì câu chuyện lùm xùm về Dự án 8B Lê Trực coi như chấm dứt.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là nếu ngay từ đầu, các cơ quan quản lý và chính quyền sở tại làm đúng chức năng, bổn phận và trách nhiệm của mình trong việc giám sát và xử lý vi phạm, thì đã không có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” tại Dự án số 8B Lê Trực khi chủ đầu tư xây vượt quy hoạch cho phép đến 16m (tương đương 5 tầng) ngay tại vị trí trung tâm Thủ đô như thế.
Phải thừa nhận, nếu Dự án Discovery Complex II nằm tại một vị trí khác, có lẽ sai phạm nghiêm trọng của nó đã ít bị chú ý. Ngay cả trong trường hợp sai phạm bị phát hiện, dự án cũng không bị dư luận phản ứng gay gắt đến thế. Việc xử lý sau đó rất có thể cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, thậm chí, vì những lý do nào đó, dự án có thể được “phạt cho tồn tại”.
Bởi câu chuyện xử phạt theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột” đã từng diễn ra khá nhiều tại các dự án vi phạm trước đây trên địa bàn Hà Nội, như Dự án Thăng Long Garden, Dự án 93 Lò Đúc, Dự án 34 Đại Cồ Việt, hay hàng loạt cao ốc tại Bán đảo Linh Đàm… Các sai phạm của chủ đầu tư tại những dự án trên đều được hợp thức hóa, hoặc nếu xử lý, thì cũng rất nửa vời.
Nhưng "rủi" cho Dự án Discovery Complex II ở chỗ, dự án này lại nằm ở vị trí khá “nhạy cảm”, sát với trung tâm chính trị Ba Đình. Vì thế, khi dấu hiệu sai phạm của dự án bị phanh phui, rất nhiều cơ quan liên quan đã vào cuộc và thể hiện quan điểm về việc xử lý dự án này.
Một lý do khác khiến dư luận bức xúc là hàng loạt các công trình sai phạm trước kia không được xử lý nghiêm minh, nên tạo áp lực lớn hơn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý dự án này. Thậm chí, đã có ý kiến đề nghị phải xử nghiêm sai phạm của dự án này để “dằn mặt” các chủ đầu tư khác có ý định vi phạm trật tự xây dựng như một sự đã rồi, rồi sau đó xin nộp phạt để công trình vi phạm được tồn tại.
Câu chuyện xung quanh việc xử lý sai phạm tại Dự án số 8B Lê Trực phản ánh thực trạng quản lý xây dựng tại các chính quyền địa phương hiện nay đang có vấn đề.
Việc cơ quan quản lý lơ là trong khâu giám sát trật tự xây dựng khiến các công trình xây dựng sai phép, xây vượt quy hoạch cho phép là chuyện phổ biến tại các độ thị lớn như Hà Nội, TP. HCM. Vì thế, những trường hợp như Dự án 93 Lò Đúc, hay Dự án 8B Lê Trực chắc chắn không phải là những trường hợp cuối cùng bị phát hiện.
Việc xử lý nghiêm minh tại các dự án vi phạm có thể gây thiệt hại cho chủ đầu tư, đặc biệt là các khách hàng, nhưng không thể không làm, bởi nếu không sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm. Ngoài ra, những vi phạm ảnh hưởng không nhỏ đết chất lượng công trình và sẽ đe dọa tính mạng của hàng trăm, hàng nghìn người dân sống và làm việc trong các công trình này nếu có sự cố xảy ra.
Nhắc tới sự cố, vụ hỏa hoạn tại tòa CT4 Khu đô thị Xa La, hay vụ sập nhà tại 107 Trần Hưng Đạo có lẽ chính là những dẫn minh chứng sinh động, dễ liên tưởng nhất, một khi sự thượng tôn pháp luật không được doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nghiêm chỉnh chấp hành.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com