Vài năm trước, cơ quan quản lý thị trường đã dự định áp dụng lệnh thị trường, song do thị trường không thuận nên kế hoạch này bị gác lại vài lần. MP là lệnh mua chứng khoán tại mức giá thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá cao nhất được đưa vào hệ thống. Lệnh MP chỉ được sử dụng trong đợt khớp lệnh liên tục và sẽ tự động hủy, chuyển đổi thành lệnh giới hạn nếu không có lệnh giới hạn đối ứng tại thời điểm nhập lệnh vào hệ thống. Do không ghi giá mà chỉ quan tâm tới khối lượng khớp, lệnh MP được coi là một hình thức tương tự lệnh ATO hay ATC cho giai đoạn khớp lệnh liên tục.
Theo HOSE, việc áp dụng lệnh MP sẽ cung cấp cho NĐT thêm công cụ đặt lệnh, tạo tính linh hoạt trong đợt giao dịch khớp lệnh liên tục, hiện đang chiếm 80% tổng thời gian giao dịch. Tuy nhiên, NĐT nên cân nhắc khi sử dụng vì có độ trễ trong quá trình xử lý của hệ thống giao dịch, lệnh MP có thể bị từ chối trong một số tình huống nhất định (thời điểm chuyển giao giữa các đợt giao dịch).
Theo các chuyên gia, với lệnh thị trường, NĐT có thể giao dịch một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, với các CTCK, lệnh thị trường giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian do chỉ nhập 1 lần và khả năng được thực hiện cao hơn lệnh giới hạn.
Tuy nhiên, lệnh thị trường cũng có nhược điểm. NĐT sẽ gặp bất lợi về giá khi giá cả trên thị trường biến động ngược chiều so với dự đoán của họ. Do đó, lệnh này thường được các NĐT tổ chức sử dụng hơn các NĐT cá nhân.
Các loại lệnh áp dụng tại Việt Nam
|
Lệnh ATO/ATC
|
Lệnh giới hạn
|
Lệnh thị trường MP
|
Thời gian áp dụng
|
Đợt mở cửa/đóng cửa
|
Toàn bộ thời gian
|
Đợt khớp lệnh liên tục
|
Mức giá
|
Không ghi giá
|
Đặt mức giá
|
Không ghi giá
|
Mức độ ưu tiên
|
Ưu tiên khớp trước lệnh giới hạn
|
Không có ưu tiên đặc biệt
|
|
Hiệu lực tồn tại
|
Tự động hủy sau khi kết thúc đợt giao dịch
|
Chưa khớp chưa hủy
|
Tự động chuyển sang lệnh giới hạn
|
Cần đưa thêm nhiều công cụ mới
Theo HOSE, việc đưa lệnh thị trường vào giao dịch nhằm đưa hoạt động giao dịch chứng khoán tiến gần tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, TTCK Việt Nam còn thiếu khá nhiều công cụ giúp NĐT bắt kịp với thế giới. Một trong những loại lệnh được phổ biến trên thế giới là lệnh dừng (stop order). Đây là loại lệnh đặc biệt để đảm bảo cho các NĐT có thể thu lợi nhuận tại một mức độ nhất định và phòng chống rủi ro trong trường hợp giá chứng khoán chuyển động theo chiều hướng ngược lại. Có hai loại lệnh dừng: lệnh dừng để bán (luôn đặt giá thấp hơn thị giá hiện tại của một chứng khoán muốn bán) và lệnh dừng để mua (luôn đặt giá cao hơn thị giá của chứng khoán cần mua).
Sau khi đặt lệnh, nếu giá thị trường đạt tới hoặc vượt qua mức giá dừng thì khi đó, lệnh dừng thực tế sẽ trở thành lệnh thị trường. Thực tế, lệnh dừng có thể coi như 1 lệnh chờ thời điểm kích hoạt. Các trường hợp sử dụng lệnh dừng nhằm để bảo vệ tiền lời của người kinh doanh trong một thương vụ đã thực hiện, để bảo vệ tiền lời của người bán trong một thương vụ bán khống, phòng ngừa sự thua lỗ quá lớn trong trường hợp mua bán ngay hoặc trường hợp bán trước mua sau.
Tuy nhiên, khi có một lượng lớn các lệnh dừng được “châm ngòi”, sự náo loạn trong giao dịch sẽ xảy ra khi lệnh dừng trở thành lệnh thị trường, từ đó bóp méo giá cả chứng khoán và mục đích của lệnh dừng là giới hạn thua lỗ và bảo vệ lợi nhuận không thực hiện được. Để hạn chế nhược điểm trên, người ta tiến hành kết hợp giữa lệnh dừng và lệnh giới hạn thành lệnh dừng giới hạn.
Đối với lệnh dừng giới hạn, người đầu tư phải chỉ rõ hai mức giá: một mức giá dừng và một mức giá giới hạn. Khi giá thị trường đạt tới hoặc vượt qua mức giá dừng thì lệnh dừng sẽ trở thành lệnh giới hạn thay vì lệnh thị trường.
Theo khảo sát của ĐTCK, tại một số CTCK áp dụng hình thức đặt lệnh trực tuyến, NĐT Việt Nam cũng được cung cấp một số dịch vụ đặt lệnh khác biệt như đặt lệnh trước cho nhiều ngày, đặt lệnh có giá trị đến khi huỷ bỏ… Tuy nhiên, về bản chất, đó chỉ là việc giúp NĐT lặp lại việc đặt lệnh giới hạn theo từng ngày nhờ vào hệ thống tự động.