Thưa ông, dư luận luôn bức xúc trước việc GDP cấp tỉnh, thành phố chênh lệch quá lớn so với GDP cả nước, khi GDP các tỉnh, thành phố luôn ở mức 9 - 10%, thì GDP cả nước chỉ 5 - 6%. Vậy phần tăng trưởng còn lại đã… đi đâu mất?
GDP là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, dùng để phân tích kinh tế và hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của phạm vi quốc gia. Các phương pháp luận biên soạn GDP chỉ phù hợp cho toàn bộ nền kinh tế. Liên hợp quốc cũng khuyến cáo không nên tính GDP cấp tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cấp tỉnh, thành phố cũng có chức năng quản lý, chỉ đạo và điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, thời gian qua, việc tính GDP cấp tỉnh vẫn được thực hiện. Và quả thực, đã có sự chênh lệch rất lớn giữa số liệu tổng cộng GDP địa phương và GDP quốc gia. Nhưng phần chênh lệch đó không… chạy đi đâu cả, mà do những bất cập trong công tác thống kê hiện nay.
Cụ thể, những bất cập đó là gì, thưa ông?
Đó là nguồn thông tin đầu vào để biên soạn số liệu GDP cấp tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến việc tính trùng, tính thiếu, thậm chí còn chưa thống nhất về phạm vi, nội dung và phương pháp tính. Không thiếu trường hợp tính trùng kết quả sản xuất của một doanh nghiệp, một đơn vị kinh tế vào số liệu GDP cấp tỉnh, khiến con số trở nên không chính xác.
Cũng có thể nhắc đến nguyên nhân các địa phương khi xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội luôn đặt ra các con số rất cao, cao hơn nhiều so với mục tiêu GDP toàn quốc. Trong quá trình thực hiện, trong cách tính, các địa phương cũng cố gắng làm sao cho sát mục tiêu đề ra. Đây chính là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến chênh lệch giữa GDP địa phương và GDP quốc gia.
Đó là chưa kể những nguyên nhân do hệ thống chỉ số giá, hệ số chi phí trung gian chưa hoàn thiện và đồng bộ; năng lực cán bộ thống kê, ý thức chấp hành Luật Thống kê chưa cao…
Vậy hướng xử lý tình trạng này sẽ như thế nào?
Chúng tôi sẽ thực hiện việc chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GDP. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là sẽ tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố (GRDP) và Tổng cục Thống kê sẽ là đơn vị trực tiếp tính toán chỉ số này.
Vừa rồi, để phục vụ kế hoạch chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GDP, GRDP, chúng tôi đã rà soát, tính toán lại GRDP của cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2011 - 2013. Kết quả là, ngoài 13 địa phương tính GRDP tương đối sát, thì phần lớn địa phương còn lại tính GRDP cao hơn so với thực tế và đã bị cắt giảm tốc độ tăng trưởng xuống.
Kết quả này liệu có gây sốc cho các địa phương không, thưa ông?
Tôi không cho rằng như vậy. Bởi chúng tôi đã cố gắng tính toán GRDP của các địa phương một cách xác thực nhất. Đó là những con số thật, tính được bao nhiêu, chúng tôi sẽ công bố bấy nhiêu và có được những con số này là do chúng tôi thay đổi cách tính, chuẩn xác hơn về nguồn thông tin, tránh tính trùng, tính thiếu. Chúng tôi cũng đã dùng những công cụ mới để tính toán đầy đủ hơn, xác thực hơn, như chỉ số giá sản xuất dịch vụ. Chỉ số này cho kết quả tính GRDP chính xác hơn.
Hiện nay, kết quả tính lại GRDP đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ chính thức công bố trong thời gian tới. Kết quả này sẽ giúp các địa phương có được căn cứ quan trọng để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 một cách xác thực và chất lượng hơn.
Sau khi được tính lại, liệu có còn chênh lệch giữa GRDP và GDP cả nước? Tới đây, việc tính toán GRDP sẽ được thực hiện như thế nào?
Sẽ vẫn có những chênh lệch nhất định, khoảng 2%. Đây là con số có thể chấp nhận được. Sau này, chúng ta sẽ chấm dứt được việc chênh lệch GRDP và GDP cả nước.
Theo kế hoạch, trong năm nay và sang năm, chúng tôi sẽ trình Chính phủ Đề án Chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GDP và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Đề án. Hai năm 2016 - 2017, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các Cục Thống kê địa phương tính GRDP. Từ năm 2018, Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp tính toàn bộ chỉ tiêu GRDP của các tỉnh, thành phố.