Đây được xem là bước tiến lớn trong đổi mới hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Sẵn sàng chuyển đổi
Là tổ chức nắm giữ và vận hành hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán, từ năm 2012 đến nay, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, NHNN, VSD đã phối hợp với Sở giao dịch NHNN xúc tiến chuẩn bị cho việc chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ ngân hàng thương mại (NHTM) sang NHNN nhằm thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 2/3/2012 về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với NHNN xây dựng Đề án thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN. Đề án đã được Bộ Tài chính thông qua và phê duyệt theo Quyết định số 562/QĐ-BTC ngày 24/3/2016.
Sau khi Đề án được thông qua, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai đề án. Theo đó, về phía Ngân hàng nhà nước, Sở Giao dịch NHNN là đầu mối triển khai đề án và là đơn vị thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP.
Về phía Bộ Tài chính, VSD được giao là đầu mối triển khai đề án và là đơn vị thực hiện thanh toán TPCP, giám sát thành viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thanh toán giao dịch TPCP.
Sau hơn một năm kể từ khi Đề án được thông qua, cho đến nay, mọi công tác chuẩn bị từ ban hành văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đến xây dựng hệ thống và đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đã hoàn tất.
VSD sẵn sàng tiếp nhận và thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN kể từ ngày 1/8/2017 theo quy định tại Thông tư 46/2017/TT-BTC. Sau khi Đề án được đưa vào triển khai thực tiễn, việc thanh toán tiền TPCP qua NHNN theo phương thức thanh toán mới có nhiều điểm đổi mới so với phương thức thanh toán bù trừ TPCP đa phương qua NHTM như hiện nay.
Phương thức thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ có gì mới?
Về mô hình tổ chức thanh toán tiền giao dịch TPCP, theo mô hình hiện nay ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là ngân hàng thương mại (hiện là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam).
Hệ thống thanh toán tiền giao dịch TPCP theo mô hình hiện tại được đánh giá là tương đối phù hợp với quy mô thị trường vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay thị trường TPCP đã phát triển lên một tầm cao mới với quy mô niêm yết, giá trị giao dịch, giá trị thanh toán ngày càng tăng.
Tính riêng 6 tháng đầu năm, quy mô niêm yết của thị trường TPCP lên tới 979 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% GDP, giao dịch bình quân phiên đạt 7.700 tỷ đồng gấp 21 lần năm 2009 và giá trị thanh toán trên thị trường TPCP đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 586% so với năm 2010.
Thực tế trên đòi hỏi cần phải đổi mới mô hình thanh toán tiền giao dịch TPCP nhằm hướng tới mục tiêu: phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán và an toàn hệ thống tài chính, nâng cao khả năng giám sát của NHNN đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia, đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và hiệu quả điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.
Hơn nữa việc thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHTM như mô hình hiện nay sẽ khó có khả năng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho hệ thống xét ở khía cạnh khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh do giao dịch TPCP thường được thực hiện với giá trị rất cao, nhiều khi vượt quá khả năng bảo lãnh của bất kỳ một NHTM.
Theo mô hình mới, ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là NHNN vì chỉ NHNN, với tiềm lực tài chính và các cơ chế cho vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản cho các NHTM mới có thể giải quyết được các vấn đề này.
Về thành viên tham gia thanh toán giao dịch TPCP chính phủ, theo mô hình thanh toán tiền giao dịch TPCP hiện hành, tất cả thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại VSD từ thành viên có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế đến thành viên có quy mô lớn, năng lực tài chính tốt đều được phép tham gia hệ thống thanh toán giao dịch TPCP.
Điều này dẫn tới nhiều rủi ro cho hệ thống thanh toán, do trên thực tế chỉ các thành viên quy mô nhỏ, năng lực tài chính kém mới để xảy ra trường hợp thiếu hụt tiền thanh toán và các thành viên này không có tài sản đảm bảo để áp dụng cơ chế hỗ trợ tiền từ Ngân hàng thanh toán nên khả năng loại bỏ không thanh toán giao dịch là rất cao.
Theo mô hình mới, không phải thành viên lưu ký hay tổ chức mở tài khoản trực tiếp nào cũng được tham gia thanh toán tiền giao dịch TPCP.
Cụ thể, các tổ chức thực hiện chuyển giao TPCP trên hệ thống tài khoản lưu ký tại VSD bao gồm: thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, Kho bạc Nhà nước và VSD; các tổ chức thanh toán tiền trực tiếp trên hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN gồm: Sở GDNHNN, ngân hàng thành viên thanh toán, thành viên lưu ký là NHTM, tổ chức mở tài khoản trực tiếp là NHTM và Kho bạc Nhà nước.
CTCK, tổ chức mở tài khoản trực tiếp không phải là NHTM sẽ phải lựa chọn một ngân hàng thành viên thanh toán để thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP.
Về phương thức thanh toán giao dịch TPCP, theo mô hình hiện hành, việc thanh toán giao dịch TPCP được thực hiện theo phương thức bù trừ đa phương.
Theo phương thức mới, căn cứ vào kết quả giao dịch do Sở GDCK cung cấp, VSD xác định nghĩa vụ thanh toán TPCP và tiền TPCP cho các thành viên, tổ chức mở tài khoản trực tiếp liên quan theo từng giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư trên hệ thống giao dịch của Sở GDCK.
Việc thanh toán giao dịch TPCP sẽ được thực hiện theo từng giao dịch và theo nguyên tắc thanh toán ngay cho giao dịch có đủ TPCP và có đủ tiền vào ngày thanh toán. Thời gian thanh toán là từ 9h đến 15h30 ngày T+1.
Như vậy, từ 1/8, thanh toán tiền giao dịch TPCP sẽ có sự thay đổi lớn, Sự thay đổi này góp phần đảm bảo an toàn, thông suốt trong việc thanh toán các giao dịch TPCP theo thông lệ quốc tế.