Ông Phạm Quang Hiệu, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Sáng 11/12 Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, trong đó có Luật Thỏa thuận quốc tế.
Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật, ông Phạm Quang Hiệu, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Luật gồm 7 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 /2021 và thay thế pháp lệnh Ký kết và thoả thuận quốc tế năm 2007.
Theo ông Hiệu, Luật đã bổ sung một số nội dung mới và có những sửa đổi quan trọng, toàn diện so với Pháp lệnh. Cụ thể là đã mở rộng chủ thể ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thoả thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh 2007 như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Điểm mới nữa là ,do Luật đã mở rộng phạm vi đều chỉnh đến cả các thoả thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ nên Luật đã bổ sung điều khoản quy định rõ tính chất của thoả thuận quốc tế để phân biệt với điều ước quốc tế và với các hợp đồng, thoả thuận về giao dịch dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư, ông Hiệu thông tin.
Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ.
Nội dung mới tiếp theo là Luật bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết thoả thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; thoả thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư, trong đó yêu cầu các cơ quan tổ chức phải xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm thoả thuận quốc tế loại này.
Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, ông Hiệu khẳng định.