Sẽ hạn chế tình trạng “thao túng giá” không chính thống
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Quy định về nhà tạo lập trường là một bước tiến quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam và là thay đổi rất đáng quan tâm đối với thị trường. Bởi nhà tạo lập thị trường sẽ giúp đẩy mạnh thanh khoản, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc mua - bán cổ phần, đồng thời hạn chế tình trạng “thao túng giá” không chính thống đối với một số cổ phiếu như hiện nay.
Nhà tạo lập thị trường có hai chức năng chính là cung cấp thanh khoản cho thị trường và chào giá tham chiếu cho nhà đầu tư. Trên thế giới, nhà tạo lập thị trường đã tồn tại khá lâu dưới hai hình thức chủ yếu là cơ chế tạo lập thị trường (Market maker - MM) và cơ chế cung cấp thanh khoản (Liquidity provider - LP).
Nhà tạo lập thị trường làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, cũng chính là tránh tình trạng “lệnh rỗng”. Điều này giúp phát triển về chiều sâu đối với thị trường trong dài hạn khi đảm bảo việc huy động vốn tốt hơn.
Theo quy định, muốn trở thành nhà tạo lập thị trường, các công ty chứng khoán phải đảm bảo điều kiện về tài chính, chuẩn bị hệ thống để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và ký hợp đồng tạo lập thị trường với tổ chức phát hành. Ngoài ra, việc lựa chọn các cổ phiếu dựa trên nguyên tắc quản trị rủi ro và có sự thống nhất giữa công ty chứng khoán và tổ chức phát hành nên sẽ hạn chế các rủi ro phát sinh.
Rủi ro cho các công ty chứng khoán là thấp
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Maritime (MSI)
Quy chế hoạt động của thành viên tạo lập thị trường có hiệu lực từ ngày 1/7 sẽ giúp tăng thanh khoản cho cổ phiếu giao dịch trên cả HNX và UPCoM, qua đó thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư vào các cổ phiếu cơ bản tốt và có thanh khoản kém, đặc biệt là các cổ phiếu giao dịch trên UPCoM.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ làm tăng thanh khoản cho sàn HNX và UPCoM, cũng như tăng doanh thu cho mảng môi giới của các công ty chứng khoán trở thành nhà tạo lập thị trường. Chưa kể, các công ty chứng khoán khi trở thành nhà tạo lập thị trường sẽ được hưởng ưu đãi giảm giá dịch vụ của HNX.
Xét về mặt quản trị rủi ro trong tự doanh, rủi ro cho các công ty chứng khoán là thấp do họ sẽ ký hợp đồng với tổ chức phát hành về việc tạo lập thị trường, từ đó rủi ro sẽ chuyển qua cho tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, việc tạo lập mục đích là tăng thanh khoản cho cổ phiếu bằng cách đặt các lệnh đối ứng (tỷ lệ chênh lệch giá là 5% đối với UPCoM và 4% đối với sàn HNX) có số lượng tối thiểu là 1.000 cổ phiếu trên sàn UPCOM và 500 cổ phiếu trên sàn HNX, (tổng thời gian yết giá cho hoạt động tạo lập thị trường tối thiểu chiếm 50% thời gian phát sinh nghĩa vụ tạo lập thị trường). Như vậy, rủi ro nếu có cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tự doanh của các công ty chứng khoán.
Chưa kể, tôi được biết, hầu hết các công ty chứng khoán có nghiệp vụ tư doanh đều đã chuẩn bị quy trình quản trị rủi ro cho các sản phẩm mới của thị trường, trong đó có việc tham gia làm nhà tạo lập thị trường.
Giảm biến động quá mức của giá cổ phiếu
Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietinbank (VietinbankSC)
Hệ thống các nhà tạo lập thị trường (market maker) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu, thúc đẩy thanh khoản giao dịch của chứng khoán trên thị trường.
Thông qua các nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư có thể dễ dàng bán hoặc mua một loại chứng khoán nào đó, nhất là những chứng khoán không có thanh khoản hoặc thanh khoản thấp.
Thị trường giao dịch thanh khoản hơn sẽ giúp cổ phiếu tiệm cận dần giá trị thực khi được số đông đánh giá. Đồng thời, sẽ giảm biến động quá mức của giá cổ phiếu (bởi khi mất thanh khoản, giá cổ phiếu sẽ tăng hoặc giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư).
Tôi cho rằng, quy định về nhà tạo lập thị trường có tác động tích cực hỗ trợ các công ty chứng khoán như tạo điều kiện, hành lang pháp lý giúp các công ty chứng khoán có cơ sở pháp lý chính thức để cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh khoản đối với cổ phiếu, chứng chỉ phái sinh. Khi thanh khoản gia tăng, các công ty chứng khoán được hưởng phí nhiều hơn.
Hợp tác giữa công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành sẽ minh bạch hơn
Ông Phan Anh Vũ, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Hoạt động tạo lập thị trường là một nghiệp vụ phổ biến tại các thị trường chứng khoán trên thế giới. Hệ thống các nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu, thúc đẩy thanh khoản của chứng khoán trên thị trường.
Theo đó, đây là đối tượng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư với một chứng khoán nhất định. Cụ thể, nếu một nhà đầu tư muốn bán (mua) một chứng khoán khi không có thành viên nào trên thị trường muốn mua (bán) chứng khoán đó, thì nhà tạo lập thị trường sẽ tiến hành thực hiện giao dịch. Thông qua cơ chế này, một nhà đầu tư bất kỳ muốn mua một chứng khoán cụ thể sẽ có người sẵn sàng bán và ngược lại.
Sự tồn tại của các nhà tạo lập thị trường khiến quá trình giao dịch diễn ra một cách trơn tru và nhanh chóng hơn, giảm thiểu rủi ro thanh khoản và quan trọng nhất là tạo điều kiện để nhà đầu tư dễ dàng gia nhập hoặc thoát khỏi vị thế bấy giờ đối với một chứng khoán nhất định.
Tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng cũng như tính cần thiết phải triển khai và sự phù hợp với thông lệ quốc tế, ngay trong Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính, hoạt động tạo lập thị trường đã được tạo các cơ sở pháp lý bao gồm điều kiện để trở thành thành viên tạo lập thị trường, nguyên tắc hoạt động giao dịch tạo lập thị trường, cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia…
Mới đây, ngày 29/5/2017, HNX đã ban hành Quyết định số 367/QĐ-SGDHN về vệc ban hành quy chế hoạt động của thành viên tạo lập thị trường tại HNX. Với việc ban hành Quyết định 367 nói trên, các cơ quan quản lý đã hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động tạo lập thị trường, từ đó, góp phần vừa tăng thanh khoản, vừa hướng các công ty chứng khoán vào mảng kinh doanh “lõi” theo thông lệ quốc tế.
Về mặt thị trường, tác động lớn nhất và cũng là mục tiêu quan trọng nhất của quy định tạo lập thị trường chính là việc tạo thanh khoản cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán niêm yết. Có một thực tế là nhu cầu của doanh nghiệp niêm yết về duy trì thanh khoản cổ phiếu vẫn luôn tồn tại. Thế nhưng, vì những rủi ro pháp lý, các công ty phát hành cũng như công ty chứng khoán đều không thể thực hiện công khai và chuyên nghiệp.
Việc ban hành quy định về nhà tạo lập thị trường sẽ giúp các công ty phát hành và công ty chứng khoán có thể đẩy mạnh hoạt động, nhằm tạo và duy trì thanh khoản cho cổ phiếu của công ty phát hành. Từ đó, thúc đẩy việc tham gia thị trường của các nhà đầu tư và tạo đà phát triển cho thị trường chứng khoán nói chung.
Theo thông lệ quốc tế, mảng kinh doanh lõi của công ty chứng khoán là việc tự doanh nhưng dựa vào nền tảng hoạt động tạo lập thị trường, không phải dựa trên hoạt động đầu tư như các công ty chứng khoán tại Việt Nam hiện nay. Vì vậy, với quy định chính thức về tạo lập thị trường, phương thức hoạt động của các công ty chứng khoán sẽ thay đổi.