Ảnh Internet
Nỗ lực đưa tinh thần đổi mới và cải cách của Luật đi vào cuộc sống
Ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Ban soạn thảo đã nỗ lực hết sức để hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
“Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư pháp cho áp dụng thủ tục rút gọn với văn bản này. Dự thảo Nghị định đã được trình Bộ Tư pháp thẩm định. Danh mục điều kiện kinh doanh cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ để kịp hoàn tất, công khai trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia vào ngày 1/7/2015”, ông Hùng cho biết.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn vào thời điểm hai Luật trên có hiệu lực sẽ kịp thời đưa được tinh thần đổi mới và cải cách của các Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp cùng các NĐT trong và ngoài nước về một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự cởi mở, minh bạch, rõ ràng và thân thiện.
Trong những nỗ lực lớn này, Ban soạn thảo đã cam kết sẽ chuyển tải được các tinh thần cải cách của Luật vào thực tiễn thông qua việc đưa vào thực thi các Luật này đúng thời điểm Luật có hiệu lực, dù trong trường hợp bất khả dĩ nhất là các nghị định hướng dẫn không kịp ban hành.
“Các dự thảo Nghị định đều đã được trình Chính phủ, hy vọng sẽ được thông qua và ban hành khi Luật có hiệu lực. Tuy nhiên, Luật đã quy định chi tiết nên dù chưa có nghị định hướng dẫn thì các quy định của Luật sẽ được thi hành từ ngày 1/7/2015. Cả điều kiện kinh doanh và đầu tư sẽ có hướng dẫn về điều này”, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay.
Lo ngại của các doanh nghiệp và nhà đầu tư
Trên thực tế, vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại nhất hiện nay nếu chưa kịp có hướng dẫn thực thi Luật là liệu tinh thần đổi mới của các Luật có thực sự được thực thi ngay hay không, đặc biệt trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị điều chỉnh bởi hàng nghìn văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành và địa phương được đánh giá là trái thẩm quyền theo tinh thần của Luật Đầu tư mới nhưng vẫn đang có hiệu lực.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 21 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng chưa có điều kiện đi kèm đang là mối lo lớn đối với các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Mối lo ngại này còn lớn hơn đối với các NĐT và doanh nghiệp nước ngoài khi dự án đầu tư hoặc ngành nghề kinh doanh nằm trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong số này, có khoảng 100 ngành nghề có điều kiện riêng áp dụng đối với NĐT nước ngoài và con số cuối cùng dường như vẫn chưa được “chốt” khi có 21 lĩnh vực chưa có điều kiện kinh doanh đi kèm nêu trên, đồng nghĩa với việc chưa xác định liệu có giới hạn nào đối với NĐT nước ngoài hay không.
Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tỏ ý lo ngại trước tình trạng “đợi chờ” này khi đề cập tại VBF giữa kỳ mới đây.
“NĐT nước ngoài không biết sẽ được làm gì khi chưa có điều kiện kinh doanh. Trong tình trạng chờ đợi này, chúng tôi giả định rằng, rất có thể các cơ quan chức năng sẽ vẫn tùy nghi và nặng về cảm tính trong phê duyệt dự án trên cơ sở từng trường hợp”, ông Fred Burge nói.
Những điều kiện kinh doanh trái Luật đương nhiên hết hiệu lực
Về các điều kiện kinh doanh đang chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản trái thẩm quyền từ các bộ, ngành, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, tinh thần của Luật Đầu tư là các văn bản hướng dẫn và điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật sẽ đương nhiên không còn hiệu lực khi Luật có hiệu lực.
“Từ 1/7/2015, những điều kiện kinh doanh trái Luật, ban hành trái thẩm quyền, không phù hợp đương nhiên hết hiệu lực. Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ, cùng một vấn đề sẽ áp dụng theo quy định của luật ban hành sau, có nghĩa là hơn 2.000 văn bản với hàng nghìn điều kiện kinh doanh sẽ đương nhiên hết hiệu lực theo tinh thần của Luật Đầu tư sửa đổi”.
Đối với 21 lĩnh vực kinh doanh chưa có điều kiện, ông Cung nhấn mạnh: “Danh mục 21 ngành nghề chưa có điều kiện thì coi như không có hoặc chưa có đến thời điểm này, người dân phải được kinh doanh ngay từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực, chỉ trừ 6 ngành nghề cấm không được cấp phép. Sau này, có vấn đề gì thì cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm, chứ lỗi không phải do người dân, người dân có quyền làm”.
Liên quan đến việc tách thủ tục đầu tư và thủ tục thành lập doanh nghiệp mà các NĐT nước ngoài lo ngại là hồ sơ xin cấp phép tăng lên, ông Trần Hào Hùng khẳng định, với các dự án không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, NĐT chỉ nộp 1 bộ hồ sơ, thay cho 8 bộ hiện tại, cho cơ quan đăng ký đầu tư và sẽ nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng 15 ngày. Việc thành lập doanh nghiệp của NĐT nước ngoài chỉ mất 3 ngày nữa với hồ sơ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.