Luật Bảo hiểm xã hội đã được thông qua với tỷ lệ tán thành hơn 71% dù trước đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đề nghị không thông qua dự án luật tại kỳ này.
Luật gồm 9 chương, 125 điều; có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Từ 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%
Từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với 16 năm nếu lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018, 17 năm nếu nghỉ hưu vào 2019, 18 năm nếu nghỉ hưu vào năm 2020 và 20 năm nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. Với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án tính lương hưu này nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu khi điều chỉnh chính sách, đặc biệt là lao động nữ và có lộ trình thực hiện để người lao động có thời gian thích ứng với chính sách mới.
Mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành đến 31/12/2019; tính bình quân 20 năm cuối từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 và từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.