Trong số hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa đến nay, số lượng lên sàn khá thấp. Nghị định mới sẽ khắc phục được tình trạng này, thưa ông?
Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Lần đầu tiên tại nghị định về cơ chế cổ phần hóa có quy định chi tiết về việc doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, doanh nghiệp cổ phần hóa phải công bố công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đồng thời gửi về Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp để theo dõi lộ trình và tiến độ cổ phần hóa, các thông tin về doanh nghiệp (trong đó có phương án sử dụng đất đã được phê duyệt, diện tích đất đang có tranh chấp…), phương án cổ phần hóa, tình hình và kết quả triển khai phương án cổ phần hóa…
Khi lập hồ sơ IPO, doanh nghiệp phải đồng thời lập hồ sơ đăng ký lưu ký và hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán (nếu đủ điều kiện). Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Ông Đặng Quyết Tiến
Riêng với những doanh nghiệp cổ phần hóa theo hình thức vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ dưới hình thức đấu giá công khai, chào bán cổ phiếu ra công chúng, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký niêm yết ngay sau khi kết thúc đợt chào bán và thông báo kết quả chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Với quy định pháp lý chặt chẽ như vậy, sẽ không phát sinh các trường hợp doanh nghiệp sau cổ phần hóa không đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Nhiều khả năng, bắt đầu từ quý I/2018, sẽ có những doanh nghiệp đầu tiên ngay sau IPO thực hiện lên sàn.
Nếu doanh nghiệp vẫn tìm cách trì hoãn việc đưa cổ phiếu lên sàn, thì giải pháp nào để xử lý?
Quy định pháp lý đã rõ ràng như vậy, không có lý do gì doanh nghiệp chẫm trễ đưa cổ phiếu lên sàn. Với những trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ, cơ quan quản lý sẽ áp dụng chế tài tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Tiến độ cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp lớn đang chậm trễ như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam… Liệu khi áp dụng Nghị định 126/2017/NĐ-CP có giúp các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, bất cập, qua đó khắc phục tình trạng cổ phần hóa chậm, thưa ông?
Đúng là tiến độ cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn, tổng công ty đang chậm, do đây là các doanh nghiệp quy mô lớn, cơ cấu tài sản phức tạp, nên quá trình xác định giá trị doanh nghiệp kéo dài. Hơn nữa, lượng cổ phần mà các doanh nghiệp này đưa ra IPO lớn, nên phải chọn thời điểm thích hợp để đưa ra chào bán, nhằm tránh tạo áp lực lên sức cầu dẫn đến nguy cơ IPO không thành công.
Với nhiều quy định mới về xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là định giá đất đai, tìm cổ đông chiến lược, phương thức bán cổ phần…, khi Nghị định 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại, qua đó góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Khi quy định pháp lý đã rõ ràng, thông thoáng, mà tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm thì phần lớn là do lãnh đạo doanh nghiệp có tư tưởng chần chừ, chậm trễ trong tổ chức triển khai. Để xảy ra tình trạng này, lãnh đạo doanh nghiệp, ban chỉ đạo cổ phần hóa sẽ bị truy trách nhiệm.