Lần đầu tiên tại Việt Nam, 3 tội danh chứng khoán được đưa vào Bộ Luật hình sự. Ông cảm nhận như thế nào về vấn đề này?
TTCK đã hiện diện gần 10 năm nay, thực sự đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tài sản của các nhà đầu tư (NĐT), các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn, do đến nay nhiều vi phạm trong lĩnh vực này chưa được xử lý. Việc quy định những hành vi vi phạm nào thì bị xử lý hình sự và theo từng mức độ khác nhau là cần thiết. Bởi vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự bổ sung các điều luật xử lý những vi phạm trong lĩnh vực hoạt động chứng khoán là tất yếu. Thế nhưng, với các đặc trưng hoạt động của TTCK, thì việc phát hiện, chứng minh hành vi bị coi là phạm tội không phải dễ, bởi các hành vi giao dịch dựa trên các thông tin đa dạng, nên khó xác định ai người bị thiệt hại, số lượng bị thiệt hại, trách nhiệm bồi thuờng thiệt hại... Tóm lại, những vi phạm có mức độ từ nhắc nhở, cảnh báo, đến phạt hành chính, thì cơ quan xử lý chỉ cần có kết luận về hành vi vi phạm là có thể áp dụng hình thức xử phạt, còn truy tố về trách nhiệm hình sự thì cần chứng minh đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo ông các Điều 181a, 181b và 181c của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự quy định về các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán có đảm bảo tính khả thi?
Nghiên cứu kỹ các quy định tại 3 điều trên cho thấy nhiều nội dung còn trừu tượng, nên không dễ xử lý tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể, tại điểm C, khoản 2, Điều 181a rất khó xác định như thế nào được coi là phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Sự trừu tượng cũng tương tự tại điểm C, khoản 1, Điều 181c với quy định: người nào lôi kéo người khác liên tục mua bán chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Với quy định này, cơ quan điều tra gần như “bó tay” trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh một người nào đó có hành vi lôi kéo người khác liên tục mua, bán chứng khoán, bởi khái niệm “liên tục” ở đây được hiểu là 1 tháng, 3 tháng hay 5 tháng; đầu tuần mua, bán, giữa tuần mới mua, bán tiếp có được hiểu là liên tục không, hay là giao dịch liên tiếp các phiên trong tuần mới bị coi là mua, bán liên tục; mua, bán một hay nhiều mã chứng khoán… Do quy định trên cũng không làm rõ hành vi lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán bằng các hình thức nào, nên rất khó phát hiện, xử lý các vi phạm.
Điều này sẽ khiến hoạt động đấu tranh với các loại tội phạm trên TTCK khó mang lại hiệu quả, thưa ông?
Bất kỳ một điều luật nào cũng vậy, nó chỉ có tính khả thi cao khi xác định được đặc trưng của tội danh rõ ràng. Các hành vi phạm tội trên TTCK rất tinh vi, bởi ranh giới phân chia giữa một bên là thủ thuật đầu tư với bên còn lại là hành vi phạm tội rất mong manh, nên sẽ khiến các cơ quan tố tụng khó thu thập được các chứng cứ trực tiếp để chứng minh hành vi phạm tội. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán.
Sự trừu tượng, thiếu cụ thể như ông đề cập liệu có thể được khắc phục bằng các văn bản hướng dẫn dưới luật, nhằm đảm bảo cho luật có tính khả thi cao?
Để đảm bảo cho các quy định của luật có tính khả thi cao, tạo điều kiện cho áp dụng luật hiệu quả, trước mắt, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các quy định về những tội danh trong lĩnh vực chứng khoán. Chỉ có như vậy, mới giúp các cơ quan tố tụng thuận lợi trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Mặt khác, do Luật trên mới có hiệu lực, nên cần có thời gian triển khai, trên cơ sở đó có thể tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định mới cho phù hợp, đảm bảo cho hoạt động đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán hiệu quả.