TTF sẽ sáp nhập với 2 công ty con

TTF sẽ sáp nhập với 2 công ty con

(ĐTCK) Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc TTF cho biết, trong trong ĐHCĐ sắp tới, Công ty sẽ bàn bạc phương án sáp nhật 2 công ty ở Bình Dương.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa thông báo lùi ngày tổ chức ĐHCĐ bất thường từ 14/3 sang 21/3. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc TTF về các nội dung sẽ đề cập trong đại hội sắp tới.

Nội dung nào sẽ được TTF đề cập trong ĐHCĐ bất thường sắp tới, thưa bà?

Có 2 nội dung chính. Đó là bàn bạc phương án sáp nhập 2 công ty con ở Bình Dương với TTF lại và xin ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành trái phiếu.

 

Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về các kế hoạch này?

Đối với phương án sáp nhập 2 công ty con ở Bình Dương (CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành và CTCP Ván công nghiệp Trường Thành) vào công ty mẹ TTF, mục đích là để tận dụng nhân sự, tiết giảm chi phí. Trong ĐHCĐ bất thường, cổ đông sẽ cùng thống nhất tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu cho phương án sáp nhập này.

Đối với kế hoạch phát hành trái phiếu, TTF dự kiến phát hành trái phiếu huy động 150 tỷ đồng. Trong đó, 75 tỷ đồng sẽ phát hành theo hình thức trái phiếu doanh nghiệp, còn lại là phát hành dưới dạng trái phiếu chuyển đổi, với thời hạn chuyển đổi 3 năm.

 

TTF sẽ phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ hay chào bán cho cả cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư?

Chúng tôi sẽ phát hành trái phiếu cho đối tác chiến lược. Hiện tại, có 4 tổ chức đang đặt vấn đề mua trái phiếu của TTF. Họ muốn mua cổ phần, nhưng chúng tôi dự định chỉ thực hiện phát hành trái phiếu và họ cũng chấp nhận.

 

Bà có thể tiết lộ 4 tổ chức ấy là ai?

Danh tính thì chưa thể nói ra, nhưng chủ yếu là tổ chức nước ngoài. Trong đó, có một đơn vị hoạt động cùng ngành với TTF. Cần nói thêm, tổ chức này đến từ quốc gia tiến tiến nên hoạt động chủ yếu của họ là tiêu thụ hơn là sản xuất gỗ. Nếu việc phát hành trái phiếu thành công, hợp tác này sẽ rất có lợi cho TTF, vì Công ty có thể mở rộng các kênh phân phối.

 

Nếu phát hành trái phiếu thành công, TTF sẽ dùng tiền cho mục đích gì?

Phát hành trái phiếu là cách để chúng tôi cơ cấu lại vốn theo hướng giảm nợ vay. Năm ngoái, chỉ riêng lãi vay của TTF đã lên 250 tỷ đồng. Thực sự, nếu giảm lãi vay xuống một nửa, kết quả kinh doanh của TTF đã rất khác.

 

Năm 2012, có phải TTF định hướng lợi nhuận sẽ đến từ liên doanh là chính?

Đúng vậy, 80% trong tổng lợi nhuận 100 tỷ đồng dự kiến năm 2012 của TTF sẽ đến từ liên doanh. Cụ thể, tiếp sau liên doanh giữa TTF (nắm 51% vốn) và Tập đoàn Giấy OJI (Nhật Bản, nắm 49% vốn) để trồng rừng ở Phú Yên (tháng 10/2011), một liên doanh nữa cũng giữa TTF và OJI sẽ được lập ra để trồng rừng ở Đắc Nông. Khi đó, thu nhập từ liên doanh trồng rừng này sẽ là đáng kể.

 

Bà có thể cho biết thêm về những dự án trồng rừng của TTF?

Ở dự án trồng rừng tại Phú Yên, chúng tôi mới bắt tay triển khai giai đoạn 1, tức trồng 17.000 héc-ta rừng, vẫn còn 23.000 héc-ta rừng sẽ tiếp tục trồng trong giai đoạn 2. Với dự án trồng rừng ở Đắc Nông, diện tích xin cấp phép là 40.000-50.000 héc-ta.

Chúng tôi triển khai dự án trồng rừng với OJI, công ty lớn thứ 6 trên thế giới về trồng rừng và công nghiệp giấy, có tiềm lực tài chính mạnh, nên khả năng theo đuổi dự án của chúng tôi lâu dài. Đặc biệt, nguồn gỗ trồng sẽ được tận dụng hết, cho mục đích chế biến gỗ và làm giấy.