Đâu là nguyên nhân giúp lợi nhuận quý III/2012 của TTF có sự tăng trưởng, thưa ông?
Hoạt động kinh doanh của TTF trong quý III/2012 vẫn bình thường, không biến động gì nhiều. Sở dĩ lợi nhuận của TTF tăng vọt chủ yếu vì trong quý III/2012, Công ty giảm quy mô sử dụng vốn vay xuống hơn 130 tỷ đồng, lãi vay từ 18 - 20%/năm giảm xuống 13 - 15%/năm. Vì thế, chúng tôi đã giảm được gần 16 tỷ đồng chi phí tài chính. Ngoài ra, việc cắt giảm mạnh chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng giúp lợi nhuận của TTF được cải thiện.
Liệu lợi nhuận của TTF trong thời gian tới có thể duy trì được phong độ này?
Chúng tôi vẫn đang cố gắng, nhưng còn tùy vào tình hình lãi vay có thấp như hiện nay hay không và các chi phí khác có gặp biến động không.
TTF giảm mạnh quy mô sử dụng vốn vay, điều này hẳn đã đặt ra những thách thức lên dòng tiền của Công ty?
Công ty vẫn đang gặp khó khăn về dòng tiền. Hướng xử lý là phát hành cổ phiếu huy động vốn và bán bớt gỗ nguyên liệu cho các DN cùng ngành. Trước mắt, chúng tôi đã bán được hơn 30 tỷ đồng. Dự kiến, trong tháng 12/2012 sẽ thanh lý tiếp và thu về 30 tỷ đồng. Trong năm 2013, chúng tôi có kế hoạch bán và thu về 200 tỷ đồng từ gỗ nguyên liệu.
Nhưng nhìn trên báo cáo tài chính, tồn kho của TTF lớn hơn rất nhiều con số này?
Tồn kho chậm luân chuyển của TTF hiện hơn 700 tỷ đồng, nhưng tồn kho cần thanh lý chỉ khoảng 300 tỷ đồng. Đây là tồn kho nguyên liệu gỗ cao cấp mà chúng tôi đã đầu tư cho mục đích sản xuất hàng nội thất xuất khẩu cao cấp và sang trọng. Do biến động thị trường và nhu cầu trong phân khúc này sụt giảm, cộng thêm TTF đang cần tiền nên chúng tôi đành chấp nhận lỗ 20% trong thanh lý nguyên liệu gỗ. Tồn kho còn lại là tồn kho cần thiết. Đây là những nguyên liệu gỗ thông dụng.
Về kế hoạch chào bán cổ phiếu, Công ty đang triển khai đến đâu?
Để cải thiện dòng tiền, TTF đã có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Mục tiêu là huy động từ 80 - 98 tỷ đồng, tùy diễn biến thị trường. Chúng tôi đã gởi hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Dự kiến, đầu năm tới, TTF sẽ triển khai được kế hoạch này. Có thể phương án chào bán cổ phiếu này sẽ điều chỉnh giá bán xuống mức thấp hơn (tức dưới 5.000 đồng/CP) nếu tình hình không thuận lợi. Song song với đó, TTF sẽ huy động một lượng tiền tương đương từ nhà đầu tư chiến lược. Hiện chúng tôi đang làm việc với một tổ chức đến từ Nhật Bản và một tổ chức trong nước.
TTF đã đưa ra những cơ sở gì để thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền?
TTF là doanh nghiệp có tiềm năng. Ngoài kinh doanh chế biến gỗ, TTF còn có lợi thế trồng rừng. Chúng tôi dự kiến, mảng trồng rừng sẽ đem về cho TTF trung bình 100 tỷ đồng mỗi năm, kể từ năm 2013. Trong lĩnh vực kinh doanh - chế biến gỗ, TTF là doanh nghiệp lớn, không quá lo về đầu ra. Thị phần xuất khẩu của TTF hiện nay chủ yếu là Mỹ, với hơn 55%. Tiếp đến là các thị trường truyền thống gồm châu Âu, Nhật Bản.
Trên thực tế, nếu thị trường hàng nội thất từ nguyên liệu gỗ cao cấp không sụt giảm quá mạnh, thì TTF đã không gặp nhiều khó khăn như vừa qua. Tôi tin rằng, những khó khăn sẽ sớm qua đi, vì chúng tôi đã có hướng xử lý hàng tồn kho và dòng tiền.