Thị giá TTF vào những ngày cuối năm 2015 đạt 26.000 đồng/CP, tăng 2,6 lần so với thời điểm 6 tháng trước. Giới đầu tư bình chọn, TTF là “cổ phiếu vàng của năm”, còn những NĐT quan tâm đến TTF ngay từ khi Tập đoàn bắt đầu tái cơ cấu, gọi TTF là “cổ phiếu không đỉnh”.
Ở những thời khắc khủng hoảng của TTF, ông có giây phút nào cảm thấy nản chí hay tuyệt vọng hay không?
Dù đã từng vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và phát triển mạnh mẽ sau đó, nhưng có lẽ suốt cuộc đời, tôi không bao giờ quên được khoảng thời gian cuối năm 2012.
Khi nhiều DN tưng bừng chuẩn bị đón Tết, tôi đã nhốt mình trong khu vườn nhỏ cạnh phòng làm việc và suy nghĩ về các giải pháp cho TTF, trong đó có giải pháp tiêu cực như một số thành viên HĐQT đề nghị là thu hẹp quy mô TTF hoặc sang nhượng DN.
Ông Võ Trường Thành
Thời khắc đó, tôi nghĩ rất nhiều về những ngày tháng chúng tôi tạo dựng nên TTF và thành quả mà tôi cùng các cộng sự tâm huyết và xuất sắc đã đạt được. Tôi băn khoăn, trăn trở khi phải chọn lựa ai sẽ ở lại và ai sẽ ra đi, điều mà tôi chưa hề mong muốn xảy ra.
Mỗi quyết định của tôi lúc đó, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân tôi, hoài bão của tôi, sinh mệnh của Công ty, mà còn liên quan đến lợi ích của hàng ngàn cổ đông, cuộc sống của hàng ngàn cán bộ, công nhân viên đang tận tụy cùng chúng tôi vượt qua bão tố…
Và cuối cùng, tôi quyết định không để điều đó xảy ra. Trường Thành phải tiếp tục phát triển!
Sau đó, ông đã làm thế nào để biến nỗi khát khao đó thành hiện thực?
Qua nhiều ngày trăn trở, tôi cùng đội ngũ lãnh đạo trong Công ty bắt tay vào công tác hoạch định các giải pháp, xác định hướng đi sắp tới. Có nhiều lúc, nội bộ bất đồng quan điểm, tôi một mình phải tranh luận và thuyết phục cả HĐQT về phương án “phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá”. Thời điểm đó, không ai tin là tôi làm được.
Tôi một mình gõ cửa từng cơ quan công quyền, xin gặp gỡ các vị lãnh đạo để được vài phút trình bày tâm tư, nguyện vọng của DN mình. Rất mừng là những lập luận của tôi đã được lắng nghe và đón nhận. TTF trở thành công ty đầu tiên được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Bước tiếp theo, chúng tôi thực hiện việc bán nợ thành công cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC), giải chấp được số lượng gỗ tồn kho lớn để đưa vào sản xuất kinh doanh. Từ đó, chúng tôi tự tin hơn để đón nhận các đơn hàng liên tục đến từ các khách hàng ở trong và ngoài nước gửi về.
Tuy bước đầu còn chưa ổn định, đôi khi xảy ra việc chậm trễ đơn hàng do thiếu hụt dòng tiền, nhưng nhờ hoạch định kỹ lưỡng từng khoản chi tiêu, chúng tôi đã dần tháo gỡ các nút thắt về nguyên vật liệu và nhân lực.
Tháng 6/2015, TTF phát hành thêm 40 triệu cổ phiếu, đúng thời điểm TTCK bị rung lắc từ sức ép của Thông tư 36/2014/TT-BTC, trong đó có các quy định giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng của ngân hàng cho đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Một số thành viên HĐQT lo lắng và từ chối quyền mua cổ phiếu với phát hành là 10.000 đồng/CP, khi thị giá TTF chỉ trên dưới 9.000 đồng/CP.
Dưới áp lực phải phát hành thêm thành công để tăng vốn, giảm nợ vay ngân hàng và giải phóng hàng tồn kho, bổ sung vốn lưu động, trong lúc chỉ mới phát hành thêm được hơn 2 triệu cổ phiếu, HĐQT giao cho tôi trọng trách tìm kiếm đối tác đồng ý góp vốn và việc này được yêu cầu phải hoàn thành trong vòng 2 tuần.
Cá nhân tôi đã tiếp xúc với nhiều đối tác và trong vòng 10 ngày sau đó, gần 38 triệu cổ phiếu có NĐT đặt mua. Nút thắt về dòng tiền của TTF được mở ra.
Tôi rất hạnh phúc vì những nỗ lực của mình và các cộng sự trung thành đã được đền đáp xứng đáng.
Cho đến thời điểm này, ông đã thực sự vững tâm về “sức khỏe” của TTF?
Dự kiến, lợi nhuận sau thuế của TTF trong năm 2015 đạt trên 300 tỷ đồng. Đây được xem là thắng lợi bước đầu sau công cuộc tái cấu trúc thành công.
Việc cơ cấu tài chính thành công đã giúp TTF tháo được gánh nặng nợ vay làm Công ty suy yếu suốt nhiều năm qua. Nếu nhìn lại báo cáo tài chính những năm 2011, 2012 và 2013, thì mỗi năm TTF phải thanh toán chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) trung bình 250 tỷ đồng, có năm lên đến 292 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn, khiến Công ty không có được mức lợi nhuận đáng kể hàng năm.
Chỉ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu năm 2013 là 230%, thì đến cuối năm 2015 chỉ còn 48%, giúp chi phí tài chính của Công ty giảm mạnh. Theo đó, số dư nợ vay dưới ngàn tỷ đồng và lãi vay thấp như hiện nay thì TTF đã tiết kiệm được chi phí khoảng 150 tỷ đồng so với trước đây và đẩy lợi nhuận tăng tương ứng. Ước tính đến 31/12/2015, dư nợ vay ngân hàng (bao gồm nợ DATC mua ngân hàng trước đây) của Công ty mẹ chỉ còn 648 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Công ty sẽ tăng vốn điều lệ từ khoản vay chuyển đổi cho đối tác chiến lược như đã thông qua ĐHCĐ vào tháng 11/2015.
Ông có thể chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2016 của TTF?
Kế hoạch năm 2016, TTF dự kiến trình ĐHCĐ mức tăng trưởng 25% và năm 2017 là 30%. Doanh số hợp nhất dự kiến trên 2.761 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trên 430 tỷ đồng. Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, TTF đã hoạch định các bước chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn, sẵn sàng đón nhận các cơ hội kinh doanh từ sự hồi phục của ngành bất động sản cũng như cơ hội từ việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiện tại, tổng giá trị các hợp đồng đến từ việc cung cấp các gói thầu trang trí nội thất cho các dự án bất động sản lớn như Vinhomes Central Park, Vipearl Phú Quốc, Vinpearl Premium, VinMec, Masteri Thảo Điền, Royal City, Sunview, Furama Villas & Resort, Skyway Residence, BIM Group… đã là 2.600 tỷ đồng. Sắp tới, con số này chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể khi liên tục có nhiều khách hàng mới liên hệ với chúng tôi để thương thảo tìm cơ hội hợp tác trong tương lai.
Ông nhìn nhận cơ hội của TFF khi Việt Nam gia nhập TPP và các FTA được ký kết như thế nào?
Mục tiêu 5 năm tới của TTF là dẫn đầu thị trường nội địa, nhất là mảng cung cấp các gói nội thất cho các công trình nhà ở và văn phòng. Chúng tôi không chỉ tự tin về khả năng đáp ứng về chất lượng, giá cả và tiến độ, mà còn đào tạo được các chuyên viên tư vấn có năng lực để giúp các chủ đầu tư tối ưu hóa lợi ích mà chủ đầu tư, khách hàng hướng tới.
Và mục tiêu 10 năm tới, TTF hướng đến trở thành DN nằm trong Top nhà cung cấp đồ gỗ hàng đầu thế giới.
Ngay từ nhiều năm qua, TTF đã thiết lập nghiêm túc hệ thống quản trị, hệ thống chất lượng như: ISO, CoC-FSC, BRC và nhiều chứng nhận khác thường xuyên được kiểm tra bởi kiểm toán nội bộ (định kỳ mỗi quý), kiểm tra bởi bên thứ ba (2 lần/năm) và kiểm tra thường xuyên hàng tháng bởi công ty do khách hàng thuê…, nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhất các yêu cầu khắt khe của những khách hàng đến từ châu Âu, Nhật Bản...
Ngoài mục đích chung tay vì cộng đồng, phủ xanh những cánh rừng, từ năm 2007, TTF đã bắt tay vào việc trồng rừng và hiện bước vào giai đoạn thu hoạch luân kỳ. Công ty hiện có 14.000 héc-ta rừng trồng. Chúng tôi tin rằng, kể từ năm 2017, khi TPP bắt đầu có hiệu lực, TTF có đủ nguồn nguyên liệu gỗ không chỉ tự cung ứng cho việc sản xuất - kinh doanh của DN, mà còn có thể bán cho các DN cùng ngành để đạt được điều kiện hưởng chính sách ưu đãi thuế suất bằng 0%. TTF đang bắt tay vào xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất cửa và 1 nhà máy ván sàn mới, nhằm đáp ứng đủ và kịp thời cho các đơn hàng trong nước và quốc tế, cũng như chuẩn bị tốt cho tiến trình hội nhập TPP.
Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, phóng viên ĐTCK có dịp ghé thăm trụ sở TTF, chứng kiến sự hối hả của những chuyến hàng, công nhân hăng say chăm chút từng sản phẩm, hệ thống dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục…, cảm giác như đứng trước một khu vườn vừa được tắm mát sau cơn mưa rào, tràn đầy sức sống mãnh liệt. Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn Gỗ Trường Thành đã chia sẻ với phóng viên ĐTCK những cảm xúc riêng sau một hành trình dài gian nan chèo lái con thuyền TTF cập bến an toàn sau công cuộc tái cấu trúc thành công. |