Được biết, MSCI vừa đưa cổ phiếu SBT của TTCS và 9 cổ phiếu khác của các nước khác vào rỗ tính của bộ chỉ số vốn hóa nhỏ MSCI Frontier Markets Small Cap Indexes. Theo ông, điều này sẽ tác động ra sao đến cổ phiếu SBT?
MSCI là bộ chỉ số quốc tế được giới chuyên gia và thị trường tài chính đánh giá rất cao, do đó việc SBT được bổ sung vào danh mục tính chỉ số MSCI là minh chứng rõ ràng về năng lực tài chính và sự minh bạch của cổ phiếu SBT, trên cơ sở đáp ứng đồng bộ các tiêu chí chuẩn mực quốc tế của bộ chỉ số MSCI.
Tôi tin rằng, sự tín nhiệm này là tín hiệu thuận lợi và tích cực đối với cổ phiếu SBT, đặc biệt tại thời điểm SBT vừa phát hành thành công gói trái phiếu 1.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở để TTCS mở rộng cơ hội hợp tác với nhiều nhà đầu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần ổn định thị giá, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu SBT cũng như tiềm lực tài chính và cơ hội mở rộng quy mô hoạt động ra thị trường quốc tế.
Dự kiện hết niên độ 2015 – 2016, kết quả hoạt động của TTCS thế nào, thưa ông?
Như tôi đã chia sẻ tại buổi lễ ký kết hợp tác phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước đại diện của các dối tác TPBank, VIB, MBBank và MBS: Trên cơ sở nội lực và tinh thần chủ động trong những phương án tối ưu hoá các nguồn lực của Công ty, kết hợp đà phục hồi tích cực của thị trường đường trong nước và thế giới năm 2016, tôi hoàn toàn tin tưởng và chia sẻ thông tin đến các nhà đầu tư về kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực của TTCS trong niên độ 2015-2016, kết thúc ngày 30/06/2016.
Báo cáo từ kết quả kinh doanh Quý III/2016 (theo niên độ mới) của Công ty đã công bố đến các nhà đầu tư: lợi nhuận trước thuế của TTCS đạt hơn 236 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận cho cả năm tài chính 2015-2016 do ĐHCĐ giao phó.
Không chỉ hoàn thành kế hoạch kinh doanh, TTCS vượt chỉ tiêu đưa ra. Vậy xin ông cho biết, mục tiêu kinh doanh đặt ra trong niên vụ tới của Công ty thế nào?
Như đã đề cập ở trên, TTCS tự tin vào mục tiêu hoàn thành hiệu quả kế hoạch kinh doanh do ĐHCĐ năm 2015-2016 đã giao trên cơ sở quan trọng sau: đó là lũy kế kết quả kinh doanh 3 quý đầu niên độ 2015 – 2016 của Công ty đã hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm, cùng với đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường đường thế giới với nhu cầu tăng khoảng 50% so với những tháng đầu năm (trước dự báo thị trường đường thế giới vụ 2016 – 2017 thâm hụt từ 5-7 triệu tấn đường) kéo theo nhiều tín hiệu khả quan của thị trường đường nội địa. Bên cạnh đó, ở góc độ điều hành, tôi cũng thận trọng nhìn nhận những thác thức tiềm ẩn từ sự phục hồi của thị trường trong năm tài chính mới 2016 – 2017.
Cụ thể như nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu và tăng giá thu mua mía, do tác động của biến đổi khí hậu tại một số vùng nguyên liệu trọng điểm trên cả nước; diễn biến phức tạp của các yếu tố địa chính trị và thị trường bán lẻ trong nước và thế giới gây tác động tới giá cả các sản phẩm đường.
Tuy nhiên, sau giai đoạn tái cấu trúc, TTCS bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực trong ổn định hoạt động và gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, với tổng diện tích vùng nguyên liệu hơn 16.000 ha được đầu tư đồng bộ cơ giới hoá từ khâu làm đất, canh tác cơ giới hoá, tưới tiêu và thu hoạch; tổng năng lực sản xuất hơn 250.000 tấn đường; áp dụng hệ thống Phòng vệ thực phẩm (Food Defense) trên toàn hệ thống sản xuất và các điểm phân phối trải rộng từ miền Bắc đến miền Nam; các kênh phân phối đa dạng, cả B2B và B2C trên cả 2 phân khúc tiêu dùng và công nghiệp.
Do đó, với sự chuẩn bị bài bản, tôi cũng như tập thể TTCS tự tin và sẵn sàng đón nhận đà phục hồi của ngành đường trong niên vụ tới, nhằm phát huy tối đa các cơ hội của thị trường. Trên cơ sở đó, trong niên vụ 2016/2017 tới, TTCS mạnh dạn đề ra các mục tiêu kinh doanh tiên quyết, cụ thể tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ đường hơn 200.000 tấn, và kết quả kinh doanh tăng trưởng sẽ rất ấn tượng so với năm 2015/2016.
Với việc phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm vừa rồi, ông có thể cho biết, mục đích sử dụng nguồn vốn này của TTCS trong thời gian tới?
Việc TTCS hợp tác phát hành gói trái phiếu 1.000 tỷ đồng với với TPBank và VIB vừa qua nằm trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh Công ty trên tất cả các phương diện: Quản trị tài chính - Nông nghiệp - Sản xuất - Kinh doanh gồm: Tối ưu hóa cấu trúc và chi phí tài chính theo định hướng bền vững, phục vụ mục tiêu chiến lược mở rộng quy mô hoạt động của công ty trong giai đoại 2016-2020, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập ở thế chủ động khi AFTA/ATIGA chính thức có hiệu lực từ 2018; Tự chủ và phát triển vùng nguyên liệu bền vững với năng suất ổn định và chất lượng cao, chủ động nguồn nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện tối ưu hóa giá trị khai thác và tiêu thụ mía nguyên liệu; Đầu tư phát triển các nông trường kiểu mẫu, chuyên canh sản xuất giống và mía nguyên liệu chất lượng cao cung cấp cho các vùng nguyên liệu và nhà máy; Đầu tư đồng bộ cơ giới hóa và ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp chất lượng cao trên quy mô lớn, từ các khâu trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch (tại các nông trường và cả diện tích đầu tư cho hộ nông dân), góp phần tiết giảm đáng kể chi phí nhân công và giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn lao động vào cao điểm mùa vụ trồng và thu hoạch; Đầu tư nghiên cứu và ứng dụng giống mía nguyên liệu cải tiến, khảo nghiệm và xây dựng nguồn giống có khả năng thích ứng cao, kháng sâu bệnh, nhằm gia tăng năng suất chất lượng, tiết giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm; Đầu tư công tác R&D, đa dạng hóa sản phẩm với tiêu chí “Sản phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng”, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị ngành đường, phát triển sản phẩm cạnh đường và sau đường: Nutricell, Bioplastic, Ethanol, Nhiệt điện,…tiết giảm giá thành sản xuất.
Để chốt được thương vụ phát hành trái phiếu nghìn tỷ nói trên, chắc hẳn các điều kiện ngân hàng đưa ra không quá dễ và đòi hỏi năng lực đáp ứng của TTCS?
Các ngân hàng, với kinh nghiệm và các công cụ phân tích – đánh giá chuyên môn, luôn lựa chọn đối tác khách hàng đầu tư trên quan điểm thận trọng với mức độ rủi ro chấp nhận tối thiểu, do đó các yêu cầu và điều kiện về kiểm soát năng lực tài chính, khả năng thực hiện cam kết, hiệu quả sản xuất kinh doanh và rủi ro hoạt động … được yêu cầu ở mức cao nhất, tiệm cận các chuẩn mức thị trường trái phiếu quốc tế. Đặc biệt, với gói trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng đầu tiên và quy mô nhất trong ngành đường Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Với uy tín và năng lực vận hành đã được minh chứng qua các kết quả kinh doanh tích cực, tiêu biểu như sự kiện cổ phiếu SBT của TTCS được đưa vào danh mục VN30 đầu năm 2016-Top 30 cổ phiếu hàng đầu về giá trị vốn hóa và thanh khoản trên thị trường, TTCS đã đáp ứng được các điều kiện tiêu chuẩn của gói trái phiếu sau nhiều vòng đàm phán.
TTCS xác định M&A là giải pháp tiên quyết để tiếp tục phát triển quy mô, ưu thế hoạt động.
Các kết quả đánh giá còn ghi nhận một số tiêu chí vượt trội của TTCS so với yêu cầu đề ra, như mức độ xếp hạng năng lực và tín nhiệm của doanh nghiệp; khả năng đáp ứng nhà đầu tư; tính công bằng, hiệu quả và minh bạch cho tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
Với thương vụ trên cũng là cơ hội để Công ty rà soát toàn bộ hoạt động, các tiêu chí đánh giá năng lực để sẵn sàng và tự tin hơn trong quá trình tiếp cận thị trường vốn, trái phiếu quốc tế và khu vực.
Tại Hội thảo Đầu tư ASEAN 2016 (Invest ASEAN 2016) diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại Singapore, TTCS đã dành được sự quan tâm chú ý của nhiều Quỹ đầu tư tầm cỡ quốc tế, cũng như nhận được nhiều đề nghị tìm hiểu cơ hội góp vốn đầu tư và hợp tác trong giai đoạn 2016 – 2020 sắp tới.
Nói vậy, sau đợt phát hành này, TTCS có kế hoạch cho đợt phát hành tiếp theo, khi hiện không chỉ ngân hàng trong nước mà các tổ chức tài chính nước ngoài đang có ý định dành ngân sách chuyên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp?
Để gia tăng sức mạnh nội lực sẵn sàng trong năm 2018, thời hạn hội nhập của ngành đường Việt Nam, TTCS sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư toàn diện trên mọi mặt Nông nghiệp - Sản xuất – Kinh doanh với nhu cầu vốn rất lớn. Và việc phát hành trái phiếu nếu có, chúng tôi cũng đang hướng đến cả thị trường nước ngoài.
Thị trường đường niên vụ 2016/2017 được dự báo tiềm ẩn nhiều thách thức đan xen khó khăn, song cũng mang lại không ít cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp có sự chuẩn bị bài bản. Trên tinh thần đó, bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động, chúng tôi cũng tiếp tục kiên định với giải pháp M&A.
Có thể nói thành công từ việc sáp nhập với SEC, hiện giờ là TTCS – Gia Lai, đã tạo điều kiện để các bên phát huy tối đa các tiềm lực đặc biệt là về vùng nguyên liệu, tiệm cận mục tiêu tạo chuỗi giá trị khép kín ngành đường, nâng cao khả năng tiết giảm giá thành và từ đó là năng lực cạnh tranh. Do đó, với kinh nghiệm thực tiễn đã tích lũy được, TTCS xác định M&A là giải pháp tiên quyết để tiếp tục phát triển quy mô, ưu thế hoạt động.
Trong mục tiêu hoạt động của TTCS vụ 2016-2017 tới đây, chúng tôi đang tích cực làm việc với các đối tác để hoàn thiện đề án M&A tiếp theo. Theo lộ trình này, TTCS sẽ thực sự chủ động và tự tin khi thời hạn xóa bỏ thuế nhập khẩu đường đã rất cận kề. Và chúng tôi cũng rất mong có thể công bố các thông tin cụ thể về việc M&A này thời gian gần nhất.