TTCK Việt Nam đã có nhiều thay đổi và phát triển sau 13 năm hoạt đông

TTCK Việt Nam đã có nhiều thay đổi và phát triển sau 13 năm hoạt đông

TTCK Việt Nam: Tuổi mới, cơ hội mới

(ĐTCK) TTCK Việt Nam chính thức bước sang tuổi 14 kể từ ngày 20/7/2013. Tuổi mới, cơ hội mới. Không ít tổ chức đầu tư quốc tế bày tỏ mối quan tâm đến cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

> 13 năm, TTCK Việt Nam huy động được 1,3 triệu tỷ đồng vốn

Pincus, một trong những quỹ tư nhân lớn nhất thế giới cho biết, sau thương vụ đầu tư 200 triệu USD vào Vingroup, họ sẽ tiếp tục rót vốn vào những địa chỉ tiềm năng. Hay TPG, quỹ đầu tư tư nhân do David Bonderman và James Coulter điều hành cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

“Điểm thu hút của Việt Nam là có rất nhiều cơ hội tăng trưởng. Đây là một nền kinh tế hướng tới người tiêu dùng với một trong những mô hình dân số trẻ nhất trên thế giới”, William McGlashan, hội viên quản lý Quỹ TPG Growth, quy mô quản lý 4 tỷ USD, phát biểu trước các nhà đầu tư của Quỹ.

Theo một báo cáo triển vọng 2013 của Enrst&Young về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được xác định nằm trong tầm ngắm khi các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu để mắt đến khu vực Đông Nam Á và coi đây là điểm đến đầu tư chủ yếu, ngoài Singapore và Thái Lan.

Có thể thấy, TTCK Việt Nam đang được các tổ chức đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng để thích ứng với khẩu vị của các nhà đầu tư mới và sự đổi thay trên thị trường, bản thân mỗi thành viên phải tự thay đổi.

Diễn biến gần đây cho thấy, danh mục của các quỹ đầu tư được tái cơ cấu với tỷ trọng tập trung cho những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng. Đơn cử, trong danh mục cổ phiếu niêm yết của Quỹ VOF do VinaCapital quản lý, chủ yếu gồm 5 mã VNM, EIB, KDC, HPG và DHG, chiếm 31% giá trị tài sản ròng (tính đến tháng 7/2013). Hàng tiêu dùng, nông nghiệp, năng lượng đã trở thành những ngành cơ bản được nhiều tổ chức đầu tư quan tâm.

Với nhà đầu tư cá nhân, trải nghiệm cùng thị trường, một bộ phận đã trưởng thành, chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Theo tìm hiểu của ĐTCK, dù TTCK khó khăn kéo dài, nhưng không ít nhà đầu tư có doanh số giao dịch lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi tháng và đầu tư chứng khoán đã trở thành nghề nghiệp của họ.

Với các CTCK và công ty quản lý quỹ, năng động để tìm ra những cách làm mới là yêu cầu bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển. Đáng chú ý là khối công ty quản lý quỹ, không dừng ở công việc truyền thống là sử dụng vốn của khách hàng để đầu tư và quản lý danh mục đầu tư của khách hàng sao cho có hiệu quả, một số công ty đã phát triển hoạt động tư vấn đầu tư một cách riêng biệt khi sẵn sàng tư vấn quản lý và quản trị danh mục có sẵn của khách hàng, đi sâu tìm hiểu, phân tích và đánh giá hoạt động của từng loại tài sản trong danh mục để đưa ra giải pháp nhằm tối ưu hóa giá trị của danh mục, tạo thanh khoản cho danh mục đầu tư của khách hàng.

Tuổi mới, TTCK sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhưng trong bối cảnh hiện nay, mỗi chủ thể phải tìm ra hướng đi mới bên cạnh phát triển các sản phẩm và cách làm truyền thống.